Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
Cụ thể, anh Thành trở thành người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH xây dựng thương mại gỗ Lộc Lộc (TP Thủ Đức), có doanh thu trên hóa đơn điện tử bán ra từ năm 2022 đến tháng 6-2024 hơn 60 tỉ đồng nhưng không được kê khai trên hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
Thông báo yêu cầu anh Thành phải liên lạc với cơ quan thuế để làm việc, nếu không sẽ bị "áp dụng các biện pháp quản lý thuế và chuyển tin báo vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế".
Tuy nhiên, anh Thành cho biết mình không phải là người đứng tên Công ty gỗ Lộc Lộc và có thể thông tin cá nhân của anh đã bị người khác lấy đứng tên công ty trái phép.
Anh Thành cũng cho biết đã đến làm việc với cơ quan thuế TP Thủ Đức và "khẳng định không thành lập, không làm việc hay điều hành hoạt động, không cho thuê hay mượn giấy tờ đứng tên công ty, không có bất kỳ thông tin liên hệ nào liên quan tới công ty trên". Vụ việc khiến anh Thành mất ăn mất ngủ, phải nghỉ làm để đi tới đi lui, tốn kém chi phí.
"Đó là chưa kể tôi bị ảnh hưởng tới tinh thần và sức khỏe của bản thân và cả gia đình. Nói chung là ảnh hưởng rất nhiều mặt trong cuộc sống. Tôi thật sự rất lo lắng vì tự nhiên dính vào chuyện gì đâu", anh Thành nói.
Giữa tháng 4-2025, ông Thành bất ngờ nhận được yêu cầu đến cơ quan thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế của một công ty mà ông hoàn toàn không liên quan
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện cơ quan thuế cho biết Công ty TNHH xây dựng thương mại gỗ Lộc Lộc bị đội thuế TP Thủ Đức liệt vào diện có rủi ro cao vì sau khi thành lập đã xuất hàng loạt hóa đơn với doanh số cao nhưng không nộp tờ khai thuế.
Cụ thể, từ năm 2022 đến tháng 6-2024, doanh nghiệp này đã xuất hóa đơn điện tử với tổng doanh thu trên 60 tỉ đồng.
Sau khi phát hiện dấu hiệu rủi ro, đội thuế TP Thủ Đức đã xuống kiểm tra thực tế nhưng doanh nghiệp này không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh.
Do vậy cơ quan thuế đã ra thông báo bỏ trốn với doanh nghiệp này, đồng thời gửi thư thông báo để mời đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Trần Nghĩa Thành lên làm việc.
Cơ quan thuế cũng cho biết chỉ mới mời ông Thành lên thực hiện nghĩa vụ thuế, hóa đơn chứ chưa tính thuế và ghi nợ nên ông Thành chưa bị liệt vào đối tượng nợ thuế và cũng chưa bị thông báo tạm dừng xuất cảnh.
Tuy nhiên, ông Thành cần làm đơn tố cáo về việc bị lấy thông tin để thành lập doanh nghiệp "ma" và xuất lượng lớn hóa đơn đến cơ quan công an và Sở Tài chính, trong đó có cam kết rõ ràng để các cơ quan này có cơ sở giải quyết.
Với Công ty gỗ Lộc Lộc, sau khi xuống xác minh và doanh nghiệp này không hoạt động ở địa chỉ đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế đã chặn xuất hóa đơn và cảnh báo trên hệ thống, và cơ quan thuế đã chuyển doanh nghiệp này sang trạng thái 06 (không hoạt động ở địa chỉ đăng ký kinh doanh), đồng thời chuyển hồ sơ qua cơ quan công an.
Thời gian qua, nhiều trường hợp bị phát hiện bị lợi dụng thông tin để làm giám đốc, đại diện pháp luật của một doanh nghiệp xa lạ nào đó, có trường hợp còn bị cấm xuất cảnh.
Do vậy nhiều chuyên gia đề nghị cơ quan thuế cần phối hợp để kiểm tra đối chiếu căn cước công dân theo VNeID của Bộ Công an để xác định cá nhân này có tồn tại hay không.
Để hạn chế rủi ro doanh nghiệp mới thành lập sử dụng hóa đơn không hợp pháp, cơ quan quản lý cần hoàn thiện quy định về đăng ký và chấp thuận sử dụng hóa đơn điện tử theo hướng trước khi cấp quyền sử dụng hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp mới thành lập, cơ quan thuế cần có đủ thời gian để làm rõ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin người đại diện pháp luật.
Ngoài ra, cần kiểm soát kỹ lưỡng nhân thân của đại diện pháp luật (mã định danh, sinh trắc học...) khi cấp phép, đảm bảo không xảy ra trường hợp sử dụng bất hợp pháp căn cước công dân của người khác để thành lập doanh nghiệp.
Thông tin căn cước định danh, tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người đại diện theo pháp luật cũng phải gắn với mã số thuế.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bong-dung-thanh-giam-doc-cong-ty-tron-thue-20250423230456154.htm
Bình luận (0)