Là phân đoạn đầu tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài gần 60 km, có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe và kết nối trực tiếp với các cửa khẩu quan trọng của tỉnh Lạng Sơn tại huyện Cao Lộc, Văn Lãng và cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Trong đó, tuyến chính Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43 km kết nối trực tiếp từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và tuyến nhánh từ km 7 của cao tốc kết nối cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng) và liên thông với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, chiều dài gần 17 km.
Nhằm đảm bảo mục tiêu thông tuyến trong năm 2025, doanh nghiệp dự án đã tiến hành ký cam kết tiến độ với các nhà thầu theo từng tuần. Hiện trên công trường các đơn vị đã huy động 2.215 nhân sự, 950 thiết bị xe, máy chủ lực, tổ chức 95 mũi thi công (tăng 173 nhân sự, tăng 148 thiết bị xe máy chủ lực và tăng 15 mũi thi công so với thời điểm cuối tháng 4/2025) để triển khai thi công đồng bộ các hạng mục đào đắp nền đường, cầu và hệ thống thoát nước.
Ông Phan Văn Nhận, Chỉ huy trưởng thi công Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại 299, thuộc gói thầu EC04 thi công tuyến nhánh Tân Thanh-Cốc Nam và một phần tuyến chính cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Lạng Sơn, đơn vị đã huy động 339 phương tiện thiết bị (tăng 39 phương tiện thiết bị so với thời điểm cuối tháng 4/2025) và thiết kế 15 mũi để sản xuất trên công trường. Để đảm bảo thi công xuyên suốt (kể cả trời mưa), công ty đã tập trung thi công đường công vụ theo hướng cứng hóa để khi thời tiết không thuận lợi, phương tiện xe máy đào đắp, vận chuyển đất đá vẫn hoạt động bình thường. Một phần việc quan trọng khác công ty cũng đang tích cực triển khai đó là tổ chức tập kết vật liệu phục vụ thi công chuyển giai đoạn. Đối với nội dung này, công ty đặt hàng với các mỏ khai thác là 100 nghìn mét khối đá bây, đạt 100% kế hoạch và đã tập kết được 15 nghìn mét khối, đạt 15% kế hoạch.
Tại gói thầu EC02, thi công tuyến chính cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, do Công ty Cổ phần LIZEN đảm nhiệm có chiều dài 16 km, công tác tổ chức sản xuất trên tuyến của nhà thầu đang rất khẩn trương. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban điều hành gói thầu Công ty Cổ phần LIZEN cho biết: Tranh thủ điều kiện mặt bằng sẵn có, đơn vị đã thiết kế 23 mũi thi công, huy động 200 thiết bị xe máy chủ lực (tăng 20 thiết bị so với thời điểm cuối tháng 4/2025), 500 nhân sự, tổ chức làm thêm giờ trên công trường để đáp ứng tiến độ đặt ra tại dự án.
Được biết, đến nay, giá trị khối lượng đào đắp nền đường tại gói thầu EC02 đạt 50% kế hoạch, tập kết vật liệu cấp phối đá dăm được 25% kế hoạch, thi công các vị trí cầu trên tuyến đạt 30% kế hoạch.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, tính đến hết ngày 20/5/2025, giá trị thực hiện của 4 gói thầu xây lắp đạt được 1.350/6.580 tỷ đồng, tương đương 20,5% giá trị xây lắp toàn dự án (thời điểm cuối tháng 4/2025, giá trị thực hiện đạt khoảng 850/6.580 tỷ đồng).
Qua tìm hiểu, hiện các nhà thầu đều thể hiện quyết tâm cao độ để hoàn thành khối lượng công việc, bảo đảm chất lượng theo thiết kế, rút ngắn thời gian hoàn thành công trình.
Ông Vũ Xuân Huy, Trưởng Ban điều hành thi công gói thầu EC03, Công ty cổ phần đầu tư ĐCT 559, đơn vị đảm nhiệm thi công đoạn tuyến cao tốc thuộc huyện Chi Lăng khẳng định: Chúng tôi đã cam kết với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là tập trung toàn lực, nghiên cứu phương án tổ chức sản xuất các hạng mục để tiến độ công trình không bị tác động quá lớn khi xuất hiện mưa lũ. Mục tiêu đơn vị phấn đấu trong tháng 9/2025 cơ bản hoàn thành hạng mục nền đường đối với đoạn tuyến đơn vị đảm nhiệm, từ đó tạo đà cho thi công chuyển giai đoạn diễn ra trong quý IV/2025. Đơn vị phấn đấu hoàn thành hạng mục nền đường đoạn cao tốc qua huyện Chi Lăng trong năm 2025, để hướng tới mục tiêu hoàn thành toàn bộ gói thầu trước tháng 9/2026.
Liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của doanh nghiệp dự án để tăng tốc tiến độ, ông Trần Văn Chuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Hữu Nghị -Chi Lăng cho biết: Hiện nay, hằng tuần, lãnh đạo tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đứng đầu liên danh các nhà đầu tư) đều thực hiện việc kiểm tra công tác tổ chức thi công xây lắp tại các gói thầu; kiểm tra công việc phối hợp của doanh nghiệp dự án, các nhà thầu với địa phương để xử lý dứt điểm các vị trí còn vướng mặt bằng, bãi đổ thải, ảnh hưởng đến phương án thi công của các đơn vị.
Để thúc đẩy các công việc, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt UBND các huyện sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến, đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật để các nhà thầu tính toán phương án thi công tối ưu trong thời gian tới.
Với mục tiêu hoàn thành xây lắp hạng mục cấp phối đá dăm toàn dự án để thông tuyến trong năm 2025, công tác tổ chức xây lắp đang được các nhà thầu thực hiện với quyết tâm cao độ. Với hành động cụ thể của nhà đầu tư và kế hoạch tổ chức sản xuất khá khoa học, linh hoạt của các nhà thầu, tin tưởng kế hoạch thi công xây lắp đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh đặt ra và sẽ về đích đúng hạn. Qua đó, tạo đà cho doanh nghiệp dự án phấn đấu thông xe kỹ thuật vào tháng 6/2026 và hoàn thành toàn bộ dự án vào 2/9/2026, vượt tiến độ khoảng 3 tháng so với hợp đồng đã ký kết.
Nguồn: https://baolangson.vn/du-an-cao-toc-cua-khau-huu-nghi-chi-lang-cac-nha-thau-thi-cong-xuyen-dip-nghi-le-30-thang-4-5047717.html
Bình luận (0)