Một chén cà phê vùi trong cát nóng không chỉ là thức uống, mà còn là một biểu tượng văn hóa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Từ nghi thức hoàng cung Ottoman đến biểu tượng văn hóa hiện đại

Cà phê du nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ 16, khi các thương nhân Ả Rập mang hạt cà phê từ Yemen tới cảng Istanbul - trung tâm của Đế quốc Ottoman hùng mạnh. Vua Sultan Suleiman được cho là người đầu tiên đưa cà phê vào cung điện Topkapi. Từ đây, thức uống này nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giới quý tộc.
Trong cung điện, cà phê được pha bằng bình đồng cezve vùi trong cát nóng - một kỹ thuật tinh tế giúp điều chỉnh nhiệt độ đều và chậm, tạo ra vị đậm đà và sánh đặc đặc trưng. Người hầu chuyên pha cà phê được gọi là kahvecibaşı, giữ vị trí rất quan trọng, có thể là người thân cận của vua.
Theo các tài liệu, quán cà phê đầu tiên của Istanbul mang tên Kiva Han, mở vào năm 1475, là nơi tụ họp của trí thức, thương nhân, thi sĩ và học giả - những người tới để tranh luận, đọc thơ, chơi cờ… Quán cà phê trở thành biểu tượng của tự do tư tưởng và giao lưu văn hóa trong đế quốc Ottoman suốt nhiều thế kỷ.
Ngày nay, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ không đơn thuần là một thức uống, nó là một nghi thức xã hội, một tập quán lễ nghi, và là một phần trong bản sắc dân tộc.
Năm 2013, UNESCO chính thức ghi nhận "Văn hóa và truyền thống cà phê Thổ Nhĩ Kỳ" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bản ghi chú của UNESCO nhấn mạnh: "Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, là biểu tượng của lòng hiếu khách, sự thân mật và giao lưu văn hóa".
Trong các đám cưới truyền thống, nghi thức dâu mới pha cà phê cho chú rể và nhà chồng vẫn được duy trì. Cà phê còn gắn liền với nghệ thuật bói toán. Khi uống xong, người Thổ Nhĩ Kỳ thường úp chén xuống đĩa và nhờ thầy bói "đọc" các hình vẽ của bã cà phê để đoán định tương lai.
Hơi nóng từ khay cát giữa lòng phố cổ Istanbul

Tại quận Fatih, nơi tập trung những khu phố cổ kính và đậm nét văn hóa Hồi giáo nhất Istanbul, tiệm cà phê nhỏ của anh Osman mỗi ngày phục vụ gần 400 ly cà phê cát, phần lớn cho khách du lịch quốc tế.
Ngay từ cửa tiệm, khay cát nóng tỏa khói nghi ngút với vài bình cezve cắm sâu trong lớp cát mịn đã đủ khiến người qua đường nán chân lại.
Khách du lịch tò mò đứng ngắm nhìn quá trình tạo một ly cà phê, có thể họ sẽ uống thử, hoặc cũng chỉ đứng xem và chụp vài tấm hình lưu niệm.
"Tiệm tôi chọn loại cát sa mạc từ Dubai, vì nó mịn, giữ nhiệt ổn định", Osman chia sẻ. Bột cà phê mịn như bột mì được cho vào bình cezve, thêm nước và đường theo khẩu vị. Có bốn cấp độ: sade (không đường), az şekerli (ít đường), orta şekerli (ngọt vừa) và şekerli (ngọt).
Bên trong tiệm, hàng trăm chiếc bình cezve các kích cỡ, kiểu dáng được trưng bày ngay ngắn trên kệ, hút mắt bất cứ ai bước vào.



Osman khéo léo xúc 4 thìa cà phê đưa vào bình cezve, thêm vào mấy gói đường nhỏ. Anh dùng tay xoay đều bình quanh khay cát, điều chỉnh độ (vùi) sâu nông để kiểm soát nhiệt độ lý tưởng.
Nếu như cà phê Espresso công nghiệp của Ý với quy trình pha được "tuyệt đối hóa" tới từng công đoạn, chẳng hạn như lượng cà phê chính xác từng gram, nhiệt độ nước, lực nén bột, áp suất nước, thời gian chiết xuất... thì cà phê vùi cát nóng - thứ trở thành biểu tượng văn hóa phi vật thể của Thổ Nhĩ Kỳ - lại phụ thuộc hầu hết vào kinh nghiệm của những người như anh Osman.

Osman vẫn sàng đều tay trên khay cát. Sau khoảng gần 5 phút, cà phê sôi nhẹ và sủi bọt, mùi thơm tỏa lên cả một góc phố. Người đàn ông nhanh tay rót thẳng vào chén nhỏ mà không cần bất cứ bộ lọc nào.
Một ly cà phê vùi cát được làm ra theo cách như vậy có giá khoảng 100 lira (tương đương khoảng 70.000 đồng Việt Nam). Tách cà phê được phục vụ kèm một vài viên kẹo dẻo Turkish Delight - ngọt nhẹ, thơm mùi hoa hồng.
Cà phê truyền thống nhưng không dễ uống với người Việt

Lần đầu thưởng thức cà phê cát nóng ngay tại tiệm của anh Osman, phóng viên Dân trí không giấu được sự ngạc nhiên: chén cà phê nhỏ, đậm đặc, không lọc bã, được rót sánh như sô-cô-la nóng. Tuy nhiên, vị giác lại gặp một thách thức khác.
Cà phê có vị ngọt khá gắt, đặc biệt nếu gọi mức şekerli - cách mà phần lớn người Thổ ưa chuộng. Ngay cả khi chọn mức az şekerli (ít đường), cà phê vẫn có hậu vị rất ngọt và đậm mùi rang cháy (dark roast). Bên cạnh đó, điều khó thích ứng nhất là lượng cặn và bột mịn từ bã cà phê còn ở trong chén rất nhiều. Điều đó có thể khiến những ai quen với cà phê lọc truyền thống cảm thấy khó uống.
"Tôi đã thử hai loại: một ngọt nhẹ và một nguyên vị, nhưng thú thật là chưa hợp khẩu vị. Cảm giác như đang uống bột cacao chưa pha hết vậy", một người trong đoàn khách du lịch chia sẻ.
Dẫu vậy, đó vẫn là một trải nghiệm đáng nhớ, giống như việc bước vào một nghi thức cổ xưa, nơi mọi động tác từ pha chế đến thưởng thức đều mang theo chiều sâu văn hóa và nét chậm rãi hiếm gặp trong nhịp sống hiện đại.
Sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại

Cà phê không chỉ là một phần trong thực đơn buổi xế chiều. Đó là khoảnh khắc lắng lại giữa cuộc sống tất bật, là cách người Thổ Nhĩ Kỳ duy trì các mối quan hệ xã hội, là cánh cửa để du khách bước vào một nền văn hóa giao thoa giữa Đông và Tây.
Dù bạn đang đứng ở một góc phố cổ Istanbul, hay trong khách sạn sang trọng nhìn ra eo biển Bosphorus, hương thơm của cà phê Thổ Nhĩ Kỳ luôn có sức mạnh đưa ta trở lại với một nền văn hóa đã sống động suốt 500 năm - trong cát nóng, trong thơ ca, và trong lòng người.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/ca-phe-vui-cat-nong-di-san-song-giua-long-istanbul-20250519112523850.htm
Bình luận (0)