Kỳ tích của nữ anh hùng
Những ngày tháng năm, cả nước hướng về kỷ niệm 135 ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) với tất cả niềm tôn kính. Tại căn nhà nhỏ trên đường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bà Ngô Thị Tuyển ngồi lặng lẽ bên hiên, hướng ánh mắt nhìn xa xăm.
Dù năm nay đã bước sang tuổi 80, sứuc khoẻ yếu nhưng mỗi lần nhắc đến Bác, giọng bà lại run lên, ánh mắt sáng rực như sống lại cả một thời hoa lửa và thiêng liêng.
"Cả cuộc đời này tôi không thể nào quên về những lần gặp Bác. Cứ nghĩ lại, tôi cảm thấy tự hào, xúc động vô cùng", Anh hùng Ngô Thị Tuyển nói.
Anh hùng Ngô Thị Tuyển hồi ức lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời (Ảnh: Thanh Tùng).
Bà Tuyển là cựu nữ dân quân Nam Ngạn, phường Hàm Rồng. Năm 1965, giữa những ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cái tên Ngô Thị Tuyển, trở thành biểu tượng của sức mạnh và lòng quả cảm.
Với thân hình nhỏ nhắn, nặng chỉ 42kg, bà đã thực hiện kỳ tích vác hai hòm đạn nặng 98kg, tiếp tế cho chiến trường nơi "tọa độ lửa Hàm Rồng".
Chiến công ấy không chỉ góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng, mà còn ghi danh bà vào lịch sử.
Sau trận chiến, bà được kết nạp vào Đảng và một năm sau, khi mới 20 tuổi, bà là đại biểu tiêu biểu của Thanh Hóa tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước. Tại đây, bà được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bà Tuyển kể, cũng tại Đại hội Anh hùng, bà đã vinh dự được gặp Bác Hồ lần đầu tiên.
Hình ảnh bà Tuyển (người đội mũ), được Bác ân cần, hỏi thăm (Ảnh tư liệu: Nhân vật cung cấp).
"Lúc đó tôi vừa vui mừng, vừa xúc động. Bác giản dị mà ân cần lắm. Trong buổi gặp mặt, Bác đi đến hỏi thăm chúng tôi. Bác còn căn dặn mọi người phải giữ gìn sức khỏe. Nhớ lại hình ảnh ấy, đến giờ tôi vẫn bồi hồi", bà Tuyển tâm sự.
Lần cuối được nhìn thấy Bác khi còn sống
Ba năm sau, vào năm 1969, bà Tuyển lại có cơ hội gặp Bác lần thứ hai. Trong lần này, bà gặp Bác ở một hoàn cảnh hoàn toàn khác. Khi đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội), bà được đưa về nhà khách Bộ Quốc phòng để may đo quân phục. Chính tại đó, bà bất ngờ được gặp lại Bác.
"Lần đó, tôi xúc động nhưng lại xen lẫn nỗi lo. Bác gầy đi nhiều, dáng đi chậm hơn… Đó cũng là lần cuối bà được nhìn thấy Người khi còn sống", nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển nói.
Bà Tuyển cho biết, hàng chục năm qua, trong căn nhà nhỏ của bà, những bức hình được chụp chung cùng Bác luôn được bà cất giữ cẩn thận, treo trên những vị trí trang trọng. Mỗi dịp sinh nhật Bác, bà lại lấy ra nhìn ngắm và hồi ức về những tháng ngày không thể nào quên.
"Năm nay sức khỏe yếu, tôi không ra Lăng thăm Bác được. Trước đây, vào những dịp kỷ niệm hay sinh nhật Bác, tôi thường ra Lăng viếng Bác", bà Tuyển nói.
Ôm tấm hình chụp cùng Bác Hồ, giọng bà Tuyển nghẹn lại, rưng rưng nước mắt khi kể về kỷ niệm lần cuối cùng được gặp Bác Hồ.
"Đó là lần thứ 3 và cũng là lần cuối tôi được ở cạnh Bác. Khi Người về cõi vĩnh hằng, tôi được phân công túc trực bên linh cữu Người", bà Tuyển bày tỏ nỗi buồn.
Hình ảnh bà Tuyển túc trực bên linh cữu Bác năm 1969 (Ảnh tư liệu: Nhân vật cung cấp).
Bà kể, trong ngày quốc tang, tại Quảng trường Ba Đình, đông đảo người dân cả nước ai cũng buồn rầu trong niềm tiếc thương vô hạn. Lúc bấy giờ, bà cùng 3 người khác được phân công túc trực bên linh cữu Bác.
Nữ Anh hùng chia sẻ, mỗi ca trực chỉ kéo dài khoảng gần 20 phút. Khi đứng bên linh cữu Bác, bà và những người trực cùng không ngừng nhìn về phía Bác đang nằm nhưng giấu lệ vào trong tim.
"Tổng cục Chính trị khi đó quán triệt các cán bộ tham gia vào buổi lễ phải nén đau thương thành hành động, vì thế không ai dám khóc. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại thời khắc ấy, tôi không kìm được nước mắt", nữ Anh hùng tâm sự.
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/nu-anh-hung-can-nang-42kg-vac-2-hom-dan-98kg-nho-nhung-lan-gap-bac-ho-20250518205222219.htm
Bình luận (0)