Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Các xã, phường sau sáp nhập: Khơi dậy tiềm năng để phát triển

Sau khi sáp nhập, diện tích, quy mô dân số ở các xã, phường tăng lên gấp nhiều lần, mở ra không gian, động lực cho một giai đoạn phát triển mới. Qua các buổi khảo sát, làm việc sau khi bộ máy địa phương 2 cấp vận hành từ ngày 1-7, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu đảng ủy các xã, phường có tầm nhìn dài hạn, định hướng, đề ra giải pháp khơi dậy tiềm năng, dư địa phát triển mới của địa phương để khai thác hiệu quả.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa14/07/2025

Mở ra không gian phát triển mới

Phường Nha Trang sau sáp nhập có diện tích 47,13km2, chiều dài bờ biển khoảng 7km với 6 đảo: Hòn Tre, Hòn Mun, Hòn Tằm, Trí Nguyên, Hòn Nọc, Hòn Một. Ông Trần Xuân Tây - Chủ tịch UBND phường Nha Trang cho biết, trong giai đoạn phát triển mới, phường tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa - lịch sử, đặc biệt là tài nguyên biển, đảo và không gian ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử; thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của Nha Trang đến năm 2030 do UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng thương hiệu du lịch Nha Trang trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ quốc tế với các loại hình dịch vụ cao cấp, du lịch biển, đảo, sinh thái đặc trưng…

Một góc phường Nha Trang.
Một góc phường Nha Trang.

Đồng thời, phường tiếp tục xây dựng phường Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển phường Nha Trang trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, đồng thời là trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại cấp tỉnh; hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước - một đô thị năng động, phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại và hạnh phúc. Phường Nha Trang sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Du lịch, thương mại - dịch vụ”; nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò động lực then chốt; nâng tầm giáo dục cho 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách; từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đại, hình thành các khu đô thị mới đa chức năng, xanh - thông minh - bền vững, phù hợp với định hướng phát triển chung…

Ở phía nam Khánh Hòa, xã Phước Dinh sau sáp nhập có diện tích 153,9km2, quy mô dân số khoảng 35.301 người/13 thôn. Xã có vị trí ven biển phía nam tỉnh Khánh Hòa, tiếp giáp các vùng kinh tế trọng điểm và khu đô thị Phan Rang - Tháp Chàm. Sau sáp nhập, xã có địa hình đa dạng, gồm vùng ven biển, cửa sông và các dải cát ven đầm, phù hợp phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch sinh thái; giao thông kết nối khá hoàn thiện, là địa bàn có chủ trương xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Theo ông Trương Xuân Vỹ - Bí thư Đảng ủy xã Phước Dinh: "Việc sáp nhập và thành lập xã Phước Dinh mới là một chủ trương hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược, mở ra không gian, động lực mới cho phát triển của xã trong kỷ nguyên mới, nhất là phát triển kinh tế biển (với bờ biển dài 35,67km), năng lượng sạch (điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất tôm post tại An Hải, tôm bố mẹ tại Phước Dinh, các trang trại nông nghiệp tại An Hải, Phước Dinh với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như măng tây xanh, dưa lưới…), công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (titan, đá granite, đá xây dựng)". 

Thống nhất với các quan điểm, định hướng của trung ương và tỉnh, ông Đặng Ngọc Minh Quang - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn cho biết, xã Mỹ Sơn ở phía tây nam của tỉnh, thuộc khu vực trung du - miền núi, nằm trên tuyến Quốc lộ 27, tiếp giáp với nhiều xã, phường. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính khu vực ven biển đã tạo không gian phát triển mới, động lực mới. Xã xác định tiềm năng, lợi thế phát triển cho giai đoạn tới là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái.

Tập trung xây dựng giải pháp phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương 

Qua các buổi khảo sát, làm việc với đảng ủy các xã, phường phía nam Khánh Hòa mới đây, ông Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các xã, phường tập trung chỉ đạo đại hội đảng bộ xã, phường theo Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo đúng yêu cầu nội dung và tiến độ; chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức thành công đại hội đảng bộ xã, phường nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đặc biệt là quan tâm xây dựng văn kiện đại hội đảm bảo đúng định hướng của tỉnh và sát với tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong đó, cần tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, các công trình, dự án đang được triển khai, những khó khăn, vướng mắc… để đề xuất và xây dựng chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể; đề ra giải pháp phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Cụ thể, đối với xã Phước Dinh, định hướng phát triển trở thành vùng nông thôn ven biển sinh thái, hiện đại, tập trung 3 trụ cột chính: Kinh tế biển (nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch ven biển), nông nghiệp công nghệ cao (nho, tỏi, tôm giống) và năng lượng sạch (điện gió, mặt trời, hạt nhân); ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ công, nâng cao chất lượng sống; phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển bền vững đến năm 2030. Xã Mỹ Sơn trở thành điểm nhấn trong chiến lược phát triển cân đối vùng miền, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng, là vùng đệm sinh thái và vùng sản xuất nông - lâm nghiệp công nghệ cao, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái bền vững… 

Đồng thời, ông Nguyễn Đức Thanh yêu cầu các xã, phường thời gian tới, cần tập trung làm tốt chính sách an sinh xã hội, đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm, tái định cư cho người dân chịu tác động của thực hiện các công trình dự án; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đất và nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai - đặc biệt là hạn hán kéo dài...

Tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Bác Ái, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Các cơ quan Đảng tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, thời gian tới, Đảng ủy xã cần tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, làm tốt công tác tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, tạo được niềm tin của nhân dân đối với đảng bộ, chính quyền địa phương. Đảng bộ xã cần tập trung hoàn thành các văn kiện Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá rõ tiềm năng, thế mạnh, dư địa phát triển kinh tế - xã hội của xã trong giai đoạn phát triển mới.

THÁI THỊNH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/cac-xa-phuong-sau-sap-nhapkhoi-day-tiem-nang-de-phat-trien-e983594/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm