Theo ước tính của Bộ Y tế, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện khoảng 4,75 triệu lượt. Tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì việc các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau giúp tiết kiệm hơn 237 tỷ đồng.
Liên thông sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ cho người bệnh
Nội soi dạ dày, thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho kết quả viêm loét hang vị, trào ngược dạ dày độ 1, sinh thiết thực quản lành tính, để yên tâm hơn, ông Trần Văn Mạnh (70 tuổi, Quảng Ninh) đã lên Bệnh viện Việt Đức thăm khám chuyên sâu. Tại đây, khi nghe ông Mạnh kể về tiền sử và kết quả vừa khám ở bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ yêu cầu ông đưa kết quả nội soi và sinh thiết của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để ông không phải làm lại. Do bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện bệnh án điện tử, ông Mạnh chỉ cần mở app trên điện thoại là cung cấp được các hình ảnh, kết quả khám bệnh của mình cho bác sĩ. Sau khi thăm khám và căn cứ kết quả chụp chiếu trên, bác sĩ kê đơn thuốc cho ông Mạnh về uống.
Tương tự, bà Phạm Thị Nhung (60 tuổi, Vĩnh Phúc) đến Bệnh viện E khám xương khớp. Kết quả xét nghiệm máu, chụp X-quang của bệnh viện tuyến dưới cách đó 3 ngày cũng được Bệnh viện E sử dụng, bà không phải xét nghiệm và chụp chiếu lại, tiết kiệm được một khoản tiền. TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, bệnh viện đã sử dụng tất cả các kết quả của bệnh khác khi người bệnh đến khám đem theo, không yêu cầu người bệnh làm lại, ngoại trừ kết quả đó hết thời hạn lâm sàng. Thậm chí, kết quả chụp CT của bệnh viện tuyến tỉnh cũng được chấp nhận.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân được chuyển từ các bệnh viện tuyến trung ương khác và bệnh viện tuyến tỉnh đến, khi đi cầm theo các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh viện cũng sử dụng và không yêu cầu người bệnh làm lại. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, trừ khi các kết quả này hết thời hạn lâm sàng hoặc cần phải làm thêm các xét nghiệm, chụp chiếu chuyên sâu hơn thì người bệnh mới phải làm. Đây là mục tiêu của kết nối chuyển đổi số y tế, sử dụng và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở y tế. Điều này giúp tiết kiệm được chi phí rất lớn, đặc biệt các bệnh viện hỗ trợ nhau về chuyên môn, người bệnh được hưởng lợi cả về chuyên môn và giảm chi phí.
Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào và xét nghiệm, chụp chiếu cũng được liên thông. Ông Trần Sỹ Hoà (Quảng Ninh) cho biết, cùng là bệnh viện tuyến tỉnh, khi tôi đến bệnh viện khác trong tỉnh khám về tràn dịch màng phổi, bác sĩ không hỏi kết quả chụp X-quang ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã làm trước đó 1 ngày mà tôi phải chụp lại. Lên bệnh viện trung ương, tôi cũng không được liên thông kết quả chụp X-quang trước đó 5 ngày mà vẫn phải làm lại. Chỉ trong vòng 1 tuần, tôi đã 3 lần chụp X-quang, tốn kém không ít.

Danh mục phục vụ liên thông còn chưa đồng bộ
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, từ năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, đến năm 2020 thực hiện liên thông với các bệnh viện trong cùng địa bàn tỉnh, TP và đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Năm 2017, Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định quy định danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm cho 3 chuyên ngành: Huyết học 22 xét nghiệm, sinh hoá 17 xét nghiệm, vi sinh 26 xét nghiệm. Thời gian cho từng xét nghiệm có giá trị (do chu trình chuyển hóa, sinh lý,… nên quá thời gian này thì xét nghiệm không còn giá trị) cũng được quy định cụ thể.
Năm 2025, Bộ Y tế đã có kế hoạch về chuẩn hóa bộ chỉ số cận lâm sàng. Đến nay, trong tổng số 2.431 kỹ thuật cận lâm sàng đã hoàn thành ánh xạ được 2.018 kỹ thuật, đạt trên 80%. Dự kiến ban hành trong tháng 5/2025.
Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho biết, hiện cả nước có khoảng 3.000 phòng xét nghiệm, song mới chỉ hơn 10% được chuẩn hóa. Để liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa các phòng xét nghiệm trong thời gian tới. Việc triển khai bệnh án điện tử giúp kết quả được liên thông và dùng chung. Dữ liệu từ tuyến huyện nếu đạt chuẩn cũng được tuyến trên chấp nhận. Nhờ đó, người bệnh không cần chi thêm hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng cho việc chiếu chụp lại khi lên tuyến trên.
Theo TS.BS Nguyễn Ngô Quang, việc tái sử dụng kết quả xét nghiệm, cũng như phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển tuyến điện tử vẫn chưa được thực hiện ở rất nhiều bệnh viện do ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, danh mục phục vụ liên thông chưa hoàn thiện, hệ thống điều phối dữ liệu đang trong giai đoạn thí điểm. Để khắc phục điều này, Bộ Y tế đang đẩy nhanh chuyển đổi số tại các bệnh viện, hoàn thành bệnh án điện tử vào tháng 9 năm nay, lúc đó sẽ giúp kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện hoàn thiện, các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu sẽ được liên thông, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho người bệnh.
Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/can-day-nhanh-lien-thong-ket-qua-xet-nghiem-y-te-i767583/
Bình luận (0)