Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mai một nghề muối Sa Huỳnh giữa vùng di sản văn hóa

Nghề làm muối Sa Huỳnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng trong lòng không gian di sản ấy, diêm dân vẫn vật lộn mưu sinh giữ nghề.

Báo Công thươngBáo Công thương08/05/2025

Nghề truyền thống giữa muối mặn đời thường

Nghề làm muối Sa Huỳnh hình thành từ thế kỷ XIX, được truyền từ đời này sang đời khác, là một nét đặc trưng của người dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi).

Cuối năm 2024, nghề làm muối ở Sa Huỳnh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, song, di sản này đang hiện hữu nguy cơ mai một.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh

Cánh đồng muối Sa Huỳnh

Tháng 5 là cao điểm mùa muối, dưới cái nắng gắt miền Trung, ông Ngô Tuấn (sinh năm 1963, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) vẫn cào muối giữa đồng. Hơn 35 năm mưu sinh từ hạt muối, ông Tuấn cũng như nhiều diêm dân nơi đây quen với sự vất vả của nghề.

Để có được hạt muối trắng, người làm muối phải đắp đê, dẫn nước vào ô ruộng khoảng 200m² đã được nện chặt, trải cát. Quá trình chuẩn bị này mất khoảng 2 tháng, sau đó mới có thể dẫn nước mặn vào, thường là vào buổi trưa, thời điểm nước biển mặn nhất để muối kết tinh nhanh.

Sau 2 - 3 ngày, nước bốc hơi, muối kết tinh, người dân thu hoạch và bán cho thương lái. Quá trình này lặp lại trong suốt 3 - 4 tháng mùa khô. Tuy nhiên, việc làm muối phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Nếu gặp mưa bất chợt, mẻ muối coi như mất trắng.

Diêm dân Ngô Tuấn mưu sinh giữa nắng gắt miền Trung

Diêm dân Ngô Tuấn mưu sinh giữa nắng gắt miền Trung

Mỗi ô muối cho khoảng 100kg muối, với giá bán hiện tại từ 1.000 - 1.200 đồng/kg, mỗi ô muối bán được 120.000 đồng. Công sức bỏ ra nhiều trong khi giá bán thấp, buồn hơn là đầu ra không ổn định dẫn đến thu nhập thấp, bấp bênh. Vì vậy, nghề làm muối đã có truyền thống hơn 200 năm bây giờ hầu như không có người trẻ. Nghề làm muối còn giữ được chủ yếu nhờ những người lớn tuổi đã có nhiều chục năm làm nghề.

“Cái khó không chỉ là công việc cực nhọc mà còn ở đầu ra cho muối thành phẩm. Nhiều vụ muối phải chất đống vì không có ai mua từ mùa này sang mùa khác. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm bám nghề, giữ nghề”, ông Nguyễn Phu (sinh năm 1967, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) chia sẻ.

Muối thành phẩm trắng tinh nhưng sức tiêu thụ không ổn định

Muối thành phẩm trắng tinh nhưng sức tiêu thụ không ổn định

Gìn giữ nghề muối trong không gian di sản văn hóa Sa Huỳnh

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh - cho biết, toàn phường hiện có khoảng 500 hộ dân làm muối, tổng diện tích khoảng 120ha. Theo bà Phượng, nghề làm muối đã gắn bó với người dân Sa Huỳnh nhiều trăm năm, vì vậy, dù khó khăn, người dân vẫn quyết giữ nghề. “Cực là vậy nhưng diêm dân vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống. Đây không chỉ là nghề mưu sinh nuôi sống bao thế hệ người dân, mà còn là phần hồn, kết tinh bản sắc văn hóa gắn liền với vùng đất Sa Huỳnh”, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Thị Phượng nói và cho biết thêm, để giữ nghề bền vững, thời gian gần đây, diêm dân Sa Huỳnh đã đầu tư, áp dụng phương pháp sản xuất muối trên nền bạt để nâng cao chất lượng, giảm tạp chất trong muối thành phẩm và giúp việc thu hoạch nhanh hơn, sạch hơn.

Bên cạnh sự chủ động nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống làm muối Sa Huỳnh. Tiêu biểu là dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF - SGP) tài trợ, được giao cho Hội Nông dân phường Phổ Thạnh thực hiện.

Người dân giữ nghề làm muối Sa Huỳnh không chỉ như là một kế sinh nhai mà còn là giữ nét văn hóa đậm bản sắc của địa phương đã nhiều trăm năm

Người dân giữ nghề làm muối Sa Huỳnh không chỉ như là một kế sinh nhai mà còn là giữ nét văn hóa đậm bản sắc của địa phương đã nhiều trăm năm

Dự án thực hiện từ tháng 5/2024 - 10/2025, tập trung vào các hoạt động gắn bảo tồn đồng muối truyền thống với phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh và phát triển du lịch cộng đồng, đưa Sa Huỳnh trở thành điểm đến du lịch trải nghiệm nghề làm muối.

Theo TS. Đoàn Ngọc Khôi - Chuyên gia khảo cổ học, đồng muối Sa Huỳnh là một phần không thể tách rời trong không gian di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu khu vực miền Trung. Nghề muối ở đây còn mang tính tập thể, truyền đời qua nhiều thế hệ. Người dân làm muối nơi này, dù nhiều trắc trở, vẫn kiên trì giữ nghề truyền thống như một phần di sản sống động.

Dù nghề muối Sa Huỳnh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, diêm dân vẫn vật lộn giữ nghề giữa khó khăn đầu ra và thu nhập bấp bênh. Với sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức quốc tế, nhiều nỗ lực đang được triển khai để bảo tồn nghề muối gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Nguồn:https://congthuong.vn/mai-mot-nghe-muoi-sa-huynh-giua-vung-di-san-van-hoa-386596.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm