Trao đổi tại Diễn đàn, Thạc sĩ Đặng Quốc Bảo – Phó TGD Tập đoàn Trung Nam cho biết, khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, yêu cầu về phát triển xanh và bền vững tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách. Tổng số vốn đầu tư Việt Nam cần đầu tư khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040 để đạt mục tiêu Net Zero, trong đó khu vực năng lượng và hạ tầng chiếm gần 70%. Như vậy chuyển đổi xanh đối với năng lượng tái tạo là trụ cột cốt lõi để Việt Nam tiến tới mục tiêu Net Zero.
Ông Đặng Quốc Bảo cho biết, Trungnam Group là một tập đoàn đang phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo với 13 nhà máy, tổng công suất 1,6GW và doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Dù có tổng dư nợ hơn 26.000 tỷ đồng, không khoản vay nào của tập đoàn được hưởng ưu đãi từ chương trình tín dụng xanh, cho thấy sự hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho các dự án xanh. “Theo thông tin mới nhất giá điện của EVN sẽ có sự điều chỉnh tăng, vì vậy doanh nghiệp sản xuất và các khu công nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực vừa phải chuyển đổi xanh vừa phải lo về mặt kinh tế. Đây là khó khăn cực lớn để doanh nghiệp thực hiện dự án xanh” ông Đặng Quốc Bảo chia sẻ.
Hiện nay, hơn 400 khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chỉ có khoảng 5-7% số này đạt tiêu chí xanh hoặc đang trong quá trình chuyển đổi bởi hiện chưa có khung tiêu chí rõ ràng. Bên cạnh những rào cản về cơ chế, việc triển khai các dự án xanh còn gặp khó khăn do nhận thức hạn chế của doanh nghiệp về lợi ích dài hạn của loại hình đầu tư này. Thực tế cho thấy khoảng 20% dự án bị từ chối cấp vốn do thiếu chứng nhận ESG hoặc không đáp ứng yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hơn nữa, chi phí đầu tư ban đầu cao cùng thời gian hoàn vốn dài khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, làm giảm động lực phát triển các dự án bền vững. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh thông qua các chính sách như Quyết định số 1604/QĐ-NHNN (năm 2018) về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hệ thống pháp lý liên quan vẫn chưa được hoàn thiện. Cụ thể, các quy định về tiêu chí xác định dự án xanh, quy trình thẩm định và giám sát rủi ro môi trường còn thiếu, khiến hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ bị hạn chế.
Tuy nhiên, việc thiếu khung tiêu chí thống nhất để xác định dự án xanh không chỉ khiến quy trình thẩm định tín dụng kéo dài, gây chậm tiến độ đầu tư mà còn làm gia tăng khó khăn trong triển khai các dự án bền vững. Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định về tiêu chí môi trường và xác nhận dự án tín dụng xanh, nhưng do chưa được ban hành chính thức, các tổ chức tín dụng vẫn thận trọng trong việc cấp vốn quy mô lớn và dài hạn cho các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo hoặc bất động sản công nghiệp xanh.
Để nâng cao hiệu quả tín dụng xanh, ông Đặng Quốc Bảo cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng. Trước hết, việc hoàn thiện khung pháp lý là yếu tố then chốt, bao gồm ban hành bộ tiêu chí và danh mục dự án xanh thống nhất, giúp các tổ chức tín dụng thuận lợi trong thẩm định. Đồng thời, cần có hướng dẫn chi tiết về báo cáo tác động môi trường và tiêu chuẩn ESG để doanh nghiệp tuân thủ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm tài chính xanh, thiết kế gói tín dụng phù hợp với từng lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông xanh, nông nghiệp hữu cơ… Ông Bảo kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ có những chính sách đồng bộ, như ưu đãi tín dụng hoặc chia sẻ rủi ro, để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Điều này không chỉ đảm bảo tính bền vững mà còn gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào dự án xanh tại Việt Nam.
Thêm vào đó, công tác đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng khi cần nâng cao năng lực cho cán bộ tín dụng trong đánh giá rủi ro môi trường - xã hội, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay vốn xanh. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cần được đẩy mạnh để thu hút nguồn vốn từ các tổ chức tài chính toàn cầu, cũng như khuyến khích doanh nghiệp Việt kết nối với các quỹ đầu tư xanh quốc tế.
Cuối cùng, việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ tín dụng xanh là cần thiết, kết nối doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức chứng nhận ESG và cơ quan quản lý thành mạng lưới liên kết chặt chẽ. Những giải pháp này không chỉ thúc đẩy tín dụng xanh mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/can-dong-bo-giai-phap-de-ho-tro-thi-truong-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-va-nang-luong-tai-tao-163969.html
Bình luận (0)