Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tại Diễn đàn lần này, nhiều vấn đề rất cụ thể đã được gợi mở cho thấy các doanh nghiệp đã nhận thức về chuyển đổi xanh. Đây không còn là lựa chọn, mà là yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp không kịp thời nhận thức và hành động, sẽ khó duy trì được vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc khẳng định đã sớm xác định vai trò và trách nhiệm của mình trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay xanh. Nhờ đó, các TCTD đã chủ động vào cuộc, triển khai các chương trình tín dụng xanh, với dư nợ đến nay đạt trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân trên 9%/năm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều TCTD phản ánh vướng mắc về nguồn vốn trung và dài hạn, trong khi hành lang pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh chưa hoàn thiện, khiến các ngân hàng thương mại còn e dè khi tham gia sâu hơn vào thị trường này. Điều này đòi hỏi cần có thêm các cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước để thúc đẩy tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ, đồng bộ và bền vững hơn trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận Diễn đàn |
Theo Phó Thống đốc, các khu công nghiệp cũng có những khó khăn riêng.
Dù cả nước có hàng nghìn khu công nghiệp, nhưng để hình thành các khu công nghiệp xanh theo đúng nghĩa vẫn là một bài toán lớn. Thực tế cho thấy, việc cải tạo kết cấu hạ tầng để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường là điều không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô hạn chế, năng lực tài chính và quản trị còn yếu, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ xanh còn thấp. Phó Thống đốc đặt vấn đề: “Liệu trong chiến lược phát triển của bao nhiêu doanh nghiệp hiện nay đã thực sự đặt ra mục tiêu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số?” Chưa kể tính đồng thuận trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, hay giữa các khu công nghiệp trong cùng một địa phương trong quá trình chuyển đổi.
Không chỉ vậy, sự đồng thuận giữa các doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp, hay giữa các khu công nghiệp trong một địa phương cũng chưa thực sự rõ ràng – điều này tạo ra những trở ngại lớn trong việc xây dựng và vận hành mô hình phát triển xanh một cách đồng bộ.
Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, hành lang pháp lý, danh mục và phân loại các dự án xanh hiện vẫn chưa hoàn chỉnh. Riêng đối với khu công nghiệp xanh, việc thiếu bộ tiêu chí và điều kiện rõ ràng đang là một trong những thách thức lớn.
Để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong nền kinh tế, trong đó có các khu công nghiệp xanh, theo Phó Thống đốc, ngân hàng, doanh nghiệp phải cùng nhận thức, cùng hành động. Trước hết, với khu công nghiệp, cần xác định chuyển đổi xanh vì lợi ích của chính mình, nhà nước cũng phải có cơ chế hỗ trợ nhưng doanh nghiệp không thể ngồi chờ. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải xác định quy trình chuyển đổi, nguồn lực để chuyển đổi, từ đó mới biết nguồn lực tự có, nguồn lực nào cần hỗ trợ.
Song song với đó, về phía nhà nước, chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ hiện đã đầy đủ, vấn đề là chương trình hành động cụ thể từ các bộ, ngành. Về phía NHNN, Phó Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện về hành lang pháp lý và có các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh. Về phía các TCTD, lãnh đạo NHNN yêu cầu cần xác định quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình phát triển và chuyển đổi xanh. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn là chiến lược phát triển bền vững của chính các ngân hàng. Các TCTD cần xây dựng khuôn khổ phù hợp, thiết lập quy trình cho vay cụ thể, đồng thời phân loại rõ ràng các lĩnh vực ưu tiên như lĩnh vực xanh để từ đó có chính sách tín dụng ưu đãi, phù hợp. Cuối cùng, Phó Thống đốc cho rằng các địa phương cũng cần có chính sách đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-xanh-ngan-hang-doanh-nghiep-cung-nhan-thuc-va-hanh-dong-163966.html
Bình luận (0)