Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần một khung pháp lý thống nhất để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh

NDO - Trong bối cảnh tăng trưởng xanh trở thành xu hướng toàn cầu, tín dụng xanh đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh tế bền vững tại Việt Nam. Để dòng vốn này phát huy hiệu quả, cần một pháp lý thống nhất và các giải pháp đồng bộ.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân25/04/2025

Ngày 25/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định: “Tài chính xanh, trong đó có tín dụng xanh, không phải là một vấn đề mới nhưng ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay cần đẩy mạnh huy động nguồn lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu".

Phó Thống đốc nhấn mạnh tín dụng xanh và thực thi ESG là xu hướng tất yếu, giúp tổ chức tín dụng định hướng kinh doanh bền vững, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh.

Ông cho biết, Việt Nam có lợi thế từ Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cùng các nghị quyết Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng thúc đẩy tín dụng xanh để đạt tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030. Từ 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến 2024 đã có 50 đơn vị, với dư nợ tín dụng xanh đạt 680.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 22%/năm, vượt tốc độ tăng trưởng dư nợ chung. Tuy nhiên, tỷ lệ 4,6% tổng dư nợ cho thấy dư địa lớn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra thách thức: “Chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia, công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng, và yêu cầu cao về quản trị để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon từ 2026".

Để giải quyết thách thức này, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, bao gồm 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện chính sách tín dụng, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, truyền thông, thành lập diễn đàn tài chính xanh và thúc đẩy mua sắm xanh trong khu vực công.

Đáng chú ý, bà Giang dẫn chứng về Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 tỉnh khu vực. Đây là mô hình điểm thể hiện rõ vai trò của tín dụng xanh trong việc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần giảm phát thải và nâng cao chất lượng sản xuất.

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất được các đại biểu thảo luận là sự thiếu vắng Danh mục phân loại xanh quốc gia, hay còn gọi là “ngôn ngữ chung” cho tín dụng xanh.

Tiến sĩ Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhấn mạnh: “Việc thiếu Danh mục phân loại xanh khiến các tổ chức tín dụng gặp khó trong thẩm định dự án, gây rủi ro pháp lý và cản trở triển khai tín dụng xanh một cách hiệu quả, minh bạch".

Ông cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ Danh mục này, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý. Tiến sĩ Mạnh đánh giá cao Luật Bảo vệ môi trường 2020, khi lần đầu tiên đưa ra 2 điều khoản riêng về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150), cùng với Nghị định 08/2022/NĐ-CP cụ thể hóa cơ chế khuyến khích.

Ông đề xuất Danh mục phân loại xanh cần bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, hydro xanh), giao thông vận tải không phát thải, công trình xanh, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP, chế biến thân thiện môi trường và xử lý chất thải. Tiêu chí môi trường, theo ông, phải bảo đảm các dự án đáp ứng yêu cầu sàng lọc, không gây hại đến các mục tiêu môi trường khác và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

Ông cũng khuyến nghị đa dạng hóa hình thức xác nhận dự án xanh, từ tự xác nhận đến thông qua đơn vị tư vấn hoặc tổ chức độc lập, nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm tính an toàn.

Trong bối cảnh toàn cầu, tín dụng xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khẳng định: “Tài chính xanh là yếu tố tất yếu để bảo đảm tương lai bền vững, không còn là lựa chọn mà là đòi hỏi khách quan".

Cần một khung pháp lý thống nhất để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh ảnh 2
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)

Ông cho biết, thị trường tài chính xanh toàn cầu đang sôi động với các sản phẩm như tín dụng xanh, trái phiếu xanh và khoản vay bền vững, trong đó châu Âu dẫn đầu, tiếp theo là châu Á-Thái Bình Dương, với các nước ASEAN+3 có tốc độ tăng trưởng vượt mức trung bình thế giới.

Tuy nhiên, ông Hùng chỉ ra thách thức của Việt Nam: Tỷ lệ phát thải trên GDP và trên năng lượng tiêu thụ tăng cao, thuộc nhóm cao nhất khu vực, trái ngược xu hướng giảm của các nước láng giềng. Dù dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4% tổng dư nợ, ông đánh giá cao xu hướng tăng trưởng đều và việc 21% dư nợ khác đã được đánh giá rủi ro ESG, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Ông nhấn mạnh điểm khác biệt của tài chính xanh: “Tổ chức tín dụng phải biết rõ mục đích sử dụng vốn và bảo đảm dự án đáp ứng tiêu chuẩn xanh, đòi hỏi doanh nghiệp chứng minh hoạt động sản xuất của mình là xanh".

Để thúc đẩy tín dụng xanh, ông Hùng đề xuất Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực tổ chức tài chính, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và người dân, thu hút nguồn vốn xanh quốc tế và ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, đồng thời quản lý tốt rủi ro.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng thống nhất việc sớm ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia là ưu tiên hàng đầu để thống nhất tiêu chí, tăng tính minh bạch và kết nối với các nguồn vốn quốc tế ưu đãi. Ngoài ra, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho khoản vay xanh, hoặc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về dự án xanh, đào tạo cán bộ ngân hàng và nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được xem là yếu tố then chốt.

Nguồn: https://nhandan.vn/can-mot-khung-phap-ly-thong-nhat-de-khoi-thong-dong-von-tin-dung-xanh-post875306.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm