GS.TS. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban kinh tế - Tài chính của Quốc hội, cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc tuy chỉ là tạm thời nhưng vẫn sẽ tác động tích cực tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, theo ông Cường, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt sẽ giúp giảm mối nguy cho vấn đề lưu thông hàng hóa thế giới, từ đó làm nhẹ bớt áp lực suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Và khi kinh tế thế giới sáng sủa hơn thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng khả quan hơn.
Bên cạnh đó, sức ép từ việc hàng hóa Trung Quốc tràn sang các nước lân cận cũng sẽ giảm đi, giúp hàng hóa nội địa hưởng lợi nhờ bớt phần áp lực phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Điều này hỗ trợ doanh nghiệp giữ được thị trường trong nước tốt hơn.
“Khi quan hệ Mỹ - Trung tạm cân bằng, tình hình tiêu dùng hàng hóa của các quốc gia này cũng ổn định hơn, góp phần quan trọng giúp kinh tế các nước ổn định theo. Và hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước cũng sẽ không phải chịu nhiều biến động. Như vậy rõ ràng có thể thấy tác động tích cực với cả nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam”, ông Cường nói.

Chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giảm nhiệt sẽ giúp kinh tế thế giới ổn định hơn, từ đó hàng Việt Nam thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, theo ông Cường, việc xuất nhập khẩu ổn định sẽ làm giảm áp lực mất cân bằng ngoại tệ, hạn chế xảy ra biến động giá trị đồng tiền ở những nước mà Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu, từ đó áp lực tỷ giá sẽ bớt căng thẳng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: Trung Quốc và Mỹ là 2 nền kinh tế lớn, có thể nói quyết định đến 50% GDP của thế giới. Nếu 2 nước này rơi vào xung đột về thương mại thì không chỉ làm suy giảm kinh tế của 2 quốc gia mà còn kéo theo ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ không thể là ngoại lệ.
Ngược lại, nếu mối quan hệ thương mại giữa 2 nước này giảm căng thẳng như hiện tại thì sẽ góp phần giảm suy thoái kinh tế thế giới. Điều này sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế mở, phụ thuộc khá nhiều vào những đối tác thương mại.
"Cũng cần phải nói rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Vì thế khi căng thẳng giữa hai đối tác này dịu lại thì sẽ tạo nhiều thuận lợi cho kinh tế Việt Nam", ông Ngân nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam - thì nhấn mạnh: Điều thuận lợi nhất đối với Việt Nam là tận dụng được tình thế cân bằng này để biến nguy thành cơ.
"Về bản chất, Việt Nam là nền kinh tế mở, vì thế kinh tế thế giới càng ổn định thì Việt Nam càng có lợi, còn khi hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc đóng cửa, ngăn cản bằng hàng rào thuế quan thì Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Giữa cuộc cạnh tranh của các nước lớn, mình không thể vừa làm hài lòng cả hai bên. Do đó, theo tôi Mỹ - Trung giảm căng thẳng là tín hiệu đáng mừng", ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, nhân "khoảng lặng" này, Việt Nam phải tận dụng thời gian, cơ hội để cơ cấu lại thị trường, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa đối tác chứ không mãi chỉ nhắm vào các thị trường tiềm năng nhưng lại tiềm ẩn rủi ro không lường trước được.
Việt Nam cũng cần cơ cấu lại sản xuất trong nước, tăng tiêu dùng nội địa. Hiện nay phát triển bền vững yêu cầu tăng tiêu dùng nội địa, nhất là những nền kinh tế như Việt Nam đang nổi, tỷ lệ thu nhập nhập trung bình tăng lên. Vì thế phải khuyến khích tiêu dùng trong nước, tận dụng thị trường Việt Nam 100 triệu dân.
Ngoài ra, những mặt hàng cơ cấu xuất khẩu đơn giản dễ bị cạnh tranh thì nên giảm bớt, phải đưa hàm lượng khoa học kỹ thuật cao vào để tạo sự khác biệt. Nếu không, khi các nước dựng hàng rào thuế quan và đánh đồng hàng hóa của các nước thì ta sẽ gặp bất lợi.
Bên cạnh những tác động trực tiếp, ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - còn chỉ ra tác động gián tiếp đến kinh tế Việt Nam. Đó là những diễn biến thương mại Mỹ - Trung và Mỹ - Anh là dấu hiệu cho thấy về bản chất Mỹ không muốn kéo dài những cuộc chiến thương mại mà thay vào đó là tìm kiếm các thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Điều này giúp Việt Nam nghiên cứu những chính sách đàm phán hợp lý để đạt được thỏa thuận hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng đồng quan điểm. Ông nói: “Từ những diễn biến thương mại trên, có thể nhận thấy không có gì là không thể đàm phán. Chúng ta cần có phương án hợp lý, nêu những vấn đề, điều kiện để có lợi cho cả 2 bên, như vậy Việt Nam chắc chắn sẽ có những tiếng nói phù hợp với Mỹ trong quá trình đàm phán”.
Trong tuyên bố chung, Bắc Kinh và Washington cho biết họ sẽ tạm đình chỉ các mức thuế trong vòng 90 ngày để tiến hành đàm phán.
Theo thỏa thuận, Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng giảm vĩnh viễn thuế đối ứng đang áp lên nhau từ 125% xuống còn 34%.
Với phần thuế 34% còn lại, trong 90 ngày tới, hai bên tạm đình chỉ thêm 24%. Như vậy, trước mắt, thuế đối ứng Mỹ - Trung áp vào nhau sẽ chỉ còn 10%.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump hồi đầu nhiệm kỳ đã áp sẵn 20% thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và khoản thuế này không được thay đổi. Do đó tổng thuế quan thực tế Washington tạm áp lên Bắc Kinh là 30%.
Nguồn: https://vtcnews.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-ha-nhiet-dn-viet-can-tan-dung-lam-ngay-viec-nay-ar942880.html
Bình luận (0)