Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Giang khai thác di sản Công viên Địa chất toàn cầu phát triển du lịch bền vững

Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận vào năm 2010, mở ra “chương mới” cho du lịch (DL) Hà Giang. Với diện tích rộng lớn, trải dài qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn sở hữu hơn 80 điểm di sản địa chất, địa mạo và cổ sinh vật học quý hiếm, phản ánh lịch sử hàng trăm triệu năm kiến tạo của Trái đất, một giá trị mà hiếm nơi nào có được. Đồng thời, nơi đây còn là một “bảo tàng sống” sinh động với sự hiện diện của cộng đồng các dân tộc thiểu số đa dạng về văn hóa, đang từng ngày phát triển.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch13/05/2025

Hà Giang khai thác di sản Công viên Địa chất toàn cầu phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Những ngôi nhà trình tường ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) được cải tạo thành các homestay đón khách du lịch

Theo quy hoạch phát triển DL của tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành khu DL trọng điểm cấp Quốc gia. Việc thúc đẩy phát triển DL trên nền di sản không chỉ là khai thác tiềm năng sẵn có, mà còn là hành trình gìn giữ, lan tỏa và đánh thức những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, là sự phát triển hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới. Tỉnh cũng đẩy mạnh giáo dục cộng đồng, đổi mới truyền thông, quảng bá hình ảnh, quan tâm đến nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia mạng lưới CVĐCTC; xây dựng các chính sách đặc thù cho vùng di sản, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, hoàn thiện hạ tầng phục vụ dân sinh, du lịch và phát triển KT - XH.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng “thổi hồn” vào văn hóa bản địa, biến văn hóa trở thành món ăn tinh thần độc đáo để thu hút du khách. Hàng loạt làng văn hóa DL cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc Mông, Tày, Dao, Lô Lô... được đầu tư và phát triển mạnh. Sống trong không gian bản làng truyền thống, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên, mà còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động đặc sắc như: Gieo trồng ngô trên đá, làm bánh truyền thống, dệt vải lanh, chế tác khèn Mông, chế biến và thưởng thức ẩm thực bản địa. Bên cạnh đó, các tuyến DL trải nghiệm, khám phá Cao nguyên đá cũng được khai thác hiệu quả; nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, nâng tầm thành sản phẩm DL đặc sắc, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Có thể kể đến như: Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Chợ Phong Lưu Khâu Vai, Tuần văn hóa DL Đồng Văn, Festival Khèn Mông, lễ hội Gầu Tào…

Hà Giang khai thác di sản Công viên Địa chất toàn cầu phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Du khách quốc tế trải nghiệm chụp ảnh lưu niệm tại cao nguyên đá

Qua đó, thương hiệu DL Hà Giang dần được định vị rõ nét trên bản đồ DL Việt Nam và quốc tế. Gần đây nhất, thật tự hào khi Hà Giang được Tạp chí du lịch uy tín Time Out (Anh) bình chọn vào Top 44 điểm đẹp nhất thế giới năm 2025 và xuất sắc xếp hạng thứ 10 trong danh sách này. Năm 2024, Hà Giang đón trên 3,2 triệu lượt du khách, về đích trước hai năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. 5 tháng đầu năm 2025, Hà Giang tiếp tục nằm trong nhóm điểm đến DL hàng đầu khu vực miền Bắc. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, Hà Giang đón trên 146.200 lượt du khách, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó 9.200 lượt khách quốc tế. Hầu hết du khách đến Hà Giang đều lựa chọn khám phá vẻ đẹp và văn hóa trên CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn.

Những kết quả nổi bật là minh chứng rõ ràng cho hướng đi đúng đắn, khoa học của tỉnh trong phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, phát triển DL trên nền di sản đòi hỏi sự cẩn trọng, tránh phát triển nóng, không phá vỡ cảnh quan, không đánh đổi môi trường sinh thái. Với nguyên tắc xuyên suốt là phát triển DL song hành với bảo tồn di sản, tỉnh tập trung quy hoạch lại không gian phát triển DL, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quảng bá, quản lý điểm đến. Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong gìn giữ, bảo vệ và khai thác di sản.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/ha-giang-khai-thac-di-san-cong-vien-dia-chat-toan-cau-phat-trien-du-lich-ben-vung-20250513152733399.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm