Mô hình trồng dâu nuôi tằm đã được người dân xã Hoà Sơn đưa vào phát triển nhiều năm nay. Hiện, người dân đã liên kết thành lập Tổ nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Yang Reh cũ (nay là xã Hoà Sơn) với 12 thành viên.
![]() |
Mô hình trồng dâu nuôi tằm đã được người dân xã Hoà Sơn đưa vào phát triển nhiều năm nay. |
Sau khi thành lập, tổ được Hội Nông dân hỗ trợ 4 thành viên vay 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Tổ còn thành lập nhóm tiết kiệm (mỗi thành viên góp quỹ 500.000 đồng/quý) để tạo nguồn vốn cho các thành viên vay, giúp đỡ nhau cùng sản xuất.
Bà Nguyễn Vân Ly, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm chia sẻ, một số thành viên ban đầu triển khai mô hình còn nhiều bỡ ngỡ nhưng khi đã nắm vững kỹ thuật, công việc dễ dàng, nhàn rỗi hơn. Trung bình mỗi thành viên nuôi từ 1–3 hộp giống tằm mỗi đợt, chăm sóc tằm trong vòng 15 ngày là có thể xuất bán. Mỗi hộp tằm giống thu được 50–60kg kén, với giá dao động từ 180.000–200.000 đồng/kg, đã mang lại lợi nhuận cho thành viên từ 8–10 triệu đồng/hộp.
Tại địa phương đã có điểm thu mua kén và cung cấp con giống chất lượng nên thành viên trong tổ tập trung được nguồn đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, mang lại thu nhập ổn định hàng tháng cho người dân.
Thời gian qua, từ Quỹ Hội nông dân (huyện Krông Bông cũ) đã hỗ trợ 149 hội viên vay vốn thực hiện 73 dự án sản xuất, kinh doanh, với tổng nguồn vốn 3,8 tỷ đồng. Các dự án được ưu tiên phân bổ vốn là những mô hình được đánh giá cao về triển vọng như chăn nuôi bò, nuôi dâu tằm, trồng cây ăn quả…
![]() |
Nhiều mô hình trồng vải của người dân mang lại hiệu quả kinh tế. |
Tổ hợp tác (THT) trồng vải xã Ea Na với sự tham gia của 35 thành viên, tổng diện tích hơn 30ha. Các thành viên được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… giúp cho việc chăm sóc vườn cây hiệu quả hơn.
Anh Trần Hữu Quả (xã Ea Na, tỉnh Đắk Lắk) đã thay thế 1,5ha cà phê già cỗi sang trồng đa dạng các loại cây như sa chi, mãng cầu, vải, chanh dây... Anh Quả cho hay, anh xây dựng mô hình vườn rừng, để tạo ra các sản phẩm thuần tự nhiên. Mô hình này, không mất nhiều chi phí đầu tư, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng nên giá bán cũng nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
![]() |
Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan mô hình sản xuất, chế biến cà phê. |
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Macca Ea H’leo có 31 thành viên và liên kết với 58 hộ dân, canh tác trên diện tích 150ha trồng cà phê, mắc ca. Cuối năm 2024, HTX đã ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sản phẩm mắc ca sang thị trường Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, để đáp ứng yêu cầu của đối tác, hàng hóa khi xuất khẩu phải đồng nhất về chất lượng, đóng gói cẩn thận, kỹ lưỡng từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến… nên HTX phải thực hiện tỉ mỉ từng công đoạn.
Nhằm hướng đến hợp tác lâu dài, phía đối tác Hàn Quốc cũng yêu cầu HTX làm rõ thêm những thông tin từ vườn cây, quy trình chăm sóc, ghi chép nhật ký và các chứng nhận, kết quả mới cho sản phẩm.
Thị trường xuất khẩu đang rộng mở, đặc biệt là đối với sản phẩm mắc ca. Vì thế tạo việc làm và thu nhập cho nhiều nông dân trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân dần thay đổi được tư duy sản xuất. Trước đây, nhiều hộ còn làm theo tập quán cũ thì nay các hộ đã cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật trong sản xuất.
![]() |
Khu vực phơi cà phê của HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu. |
HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu liên kết với 350 hộ dân trồng cà phê trên địa bàn xã Ea Tu cũ (nay là phường Tân An, Đắk Lắk), với tổng diện tích canh tác 320ha, trong đó có 60,4ha trồng cà phê chất lượng cao. Chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm 2024, HTX đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê chính ngạch với đối tác tại Mỹ. Hai đơn hàng xuất khẩu với khối lượng 1.250kg cà phê hạt rang và xuất khẩu được 2.500kg cà phê hạt rang vào thị trường Trung Quốc thông qua một đơn vị trung gian.
![]() |
Các thành viên HTX chia sẻ về quy trình sản xuất, chế biến cà phê của HTX. |
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX chia sẻ, đây là những đơn hàng xuất khẩu trực tiếp đầu tiên của đơn vị, được đối tác đánh giá cao về chất lượng cà phê. Đó là thành công bước đầu, giúp đơn vị càng tự tin về chất lượng sản phẩm của mình và mở ra những dự định trong việc đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu cà phê chính ngạch, góp phần lan tỏa nông sản địa phương trên thị trường quốc tế.
Nguồn: https://tienphong.vn/cau-noi-giup-nong-dan-lam-kinh-te-kieu-moi-post1756879.tpo
Bình luận (0)