Được ban hành từ tháng 7/2023, Đề án có sức ảnh hưởng sâu rộng, giúp cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đề án là việc thành lập và vận hành các mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ”. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập mới 21 mô hình tại các xã miền núi.
Không chỉ dừng ở việc sinh hoạt định kỳ, các mô hình còn được trang bị sổ theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ. Hằng tháng các ban chủ nhiệm phối hợp trạm y tế xã tổ chức cân đo và cập nhật chỉ số phát triển của trẻ, giúp phụ huynh nắm bắt kịp thời tình trạng dinh dưỡng, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống và chăm sóc phù hợp.
Cùng với nhân rộng mô hình, công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn được triển khai sâu rộng tại nhiều địa phương. Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức gần 70 lớp tập huấn về phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; 54 hội nghị truyền thông tại cơ sở. Gần 5000 lượt người, gồm cán bộ hội phụ nữ, y tế thôn, bản, tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ đã được tiếp cận kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ khoa học.
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh phối hợp với ngành Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh tật biên soạn tài liệu truyền thông phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền; phát hành 14.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; tổ chức 4 chương trình truyền hình, 4 chương trình phát thanh và hàng trăm bài viết trên báo chí, fanpage, zalo. Nhiều địa phương vận động được hàng nghìn suất quà sữa, thực phẩm, vitamin, quần áo ấm hỗ trợ trẻ em khó khăn.
Một trong những kết quả rõ nét nhất của Đề án là sự thay đổi nhận thức và hành vi của các ông bố, bà mẹ tại vùng sâu, vùng xa. Nếu trước kia, việc nuôi con chủ yếu theo kinh nghiệm truyền đời, thì nay nhiều cha, mẹ đã biết cách cho con bú đúng cách, bổ sung vi chất hợp lý, xây dựng khẩu phần ăn khoa học từ các thực phẩm sẵn có tại địa phương. Trẻ được theo dõi sát về chiều cao, cân nặng, tiêm chủng đầy đủ, uống vitamin định kỳ.
Đặc biệt, các mô hình, CLB như “Mẹ và Bé đảm bảo dinh dưỡng”, “Phòng chống suy dinh dưỡng cho bé”, “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ”, hội thi “Kiến thức mẹ, sức khỏe con” đã trở thành không gian sinh hoạt, giao lưu, học hỏi bổ ích cho các gia đình có con nhỏ. Tại đây, các thành viên chia sẻ nhiều tình huống thực tế trong chăm sóc con, như trẻ biếng ăn, tăng cân chậm, khủng hoảng tâm lý... và cùng nhau tìm giải pháp hiệu quả.
Không chỉ triển khai từ ngân sách nhà nước, Đề án còn huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa. Năm 2024 hội phụ nữ các cấp đã vận động được gần 1,6 tỷ đồng (tiền mặt và hiện vật) hỗ trợ gia đình hội viên, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng hội phụ nữ trao tặng hàng nghìn suất sữa, bếp đun tiết kiệm nhiên liệu, đồ ấm cho trẻ em vùng cao. Đặc biệt, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện chăm sóc con tốt hơn.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” tại các địa bàn khó khăn, tổ chức các hội thi, tọa đàm, lớp chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức dinh dưỡng, kỹ năng nuôi dạy trẻ cho người dân. Bên cạnh đó, chú trọng lồng ghép nội dung Đề án với các chương trình lớn như Đề án 938, Dự án 8, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em, bình đẳng giới và an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cham-lo-dinh-duong-cho-tre-em-dan-toc-thieu-so-3368504.html
Bình luận (0)