Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chăm sóc sức khỏe người dân miền núi: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Sau khi thành lập các xã mới ở miền núi, địa bàn rộng với đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc chăm lo sức khỏe của người dân được đặt lên trên hết. Tại các xã Trà Liên, Trà Đốc, lãnh đạo các xã thực hiện ngay việc đi thăm hỏi, nắm bắt tình hình chăm lo sức khỏe cho người dân vùng cao.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng16/07/2025

tradoc1.jpg
Việc khám chữa bệnh cho người dân miền núi hiện nay chủ yếu được thực hiện ở các trạm y tế tuyến xã. Ảnh: DIỄM LỆ

Người dân yên tâm khám chữa bệnh ở cơ sở

Tại Trạm Y tế xã Trà Đốc, chúng tôi gặp bà Hồ Thị Vân - đồng bào Ca Dong đến trạm y tế xã để khám bệnh. Tuổi cao nên việc đi lại trên những cung đường miền núi khá khó khăn, bà Vân nói khi nào đau lắm mới tới trạm y tế và phải nhờ con cháu chở đi.

Sau khi thăm khám, tư vấn cho bà Vân, y sĩ cẩn thận lấy thuốc cho bà và phân loại. Vì tuổi cao, không đọc được chữ nên bác sĩ phải tư vấn rất kỹ về màu sắc của thuốc, ghi chú cẩn thận để người nhà có thể hỗ trợ bà khi dùng thuốc.

Bà Vân kể: “Trước kia, khi đau ốm, người dân thường hái lá rừng để nấu nước uống, không hết thì cúng bái thần linh xin hết bệnh. Mấy năm nay, bác sĩ, cán bộ tới tận nhà tuyên truyền về khám chữa bệnh. Tôi nghe theo, đi khám bệnh xin thuốc thì thấy bớt đau, nên tin theo bác sĩ”.

Theo bác sĩ Lại Thế Cơ - Trưởng trạm Y tế xã Trà Đốc, sau khi nhập xã Trà Bui, Trà Đốc thành xã Trà Đốc, toàn xã có 2.315 hộ dân, với 10.452 nhân khẩu.

tradoc.jpg
Bà Hồ Thị Vân được tư vấn, ghi chú cẩn thận về từng loại thuốc và cách uống, thời gian uống để không bị nhầm lẫn. Ảnh: DIỄM LỆ

Nhập 2 xã nên địa bàn rộng hơn, đường sá đi lại còn khó khăn, một số thôn như thôn 3B của xã hiện vẫn chưa có điện. Vì vậy việc tiếp cận các dịch vụ, thông tin về y tế của đồng bào Ca Dong tại địa phương còn nhiều khó khăn.

Thời gian qua, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi có nhiều chính sách, hỗ trợ thiết thực, mang lại hiệu quả trong việc nâng cao đời sống và sức khỏe cho đồng bào. Việc tuyên truyền đến người dân được thực hiện nhiều hơn ở tận các bản, làng xa xôi, nên các hủ tục như uống lá rừng, cúng bái khi bị đau ốm, bệnh tật đã giảm đi rất nhiều.

“Bà con đã biết đến bệnh viện, trạm y tế để khám chữa bệnh. Với phụ nữ trẻ thì tình trạng tự sinh con tại nhà cũng đã hạn chế, trừ những đường hợp do sinh sớm, đường xa không kịp đến trạm y tế thì chị em mới sinh tại nhà. Đối với những trường hợp này, y tế thôn bản sẽ có mặt kịp thời hướng dẫn, đỡ đẻ cho bà mẹ và báo cáo với trạm y tế địa phương để kịp thời theo dõi, hướng dẫn chăm sóc”, bác sĩ Cơ cho biết.

Ưu tiên chăm lo sức khỏe người dân

Ngay sau khi ổn định tổ chức bộ máy, đi vào hoạt động thông suốt, lãnh đạo xã Trà Liên (sáp nhập 3 xã Trà Kót, Trà Nú, Trà Đông) đã đi cơ sở tìm hiểu về việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến thăm Trạm Y tế xã Trà Liên, bà Lê Thị Thu Vân - Bí thư Đảng ủy xã Trà Liên lắng nghe tâm tư và đề xuất của các y, bác sĩ địa phương.

tradoc2.jpg
Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Phan Duy Hưng thăm hỏi, động viên y bác sĩ và người dân đang khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Trà Đốc. Ảnh: DIỄM LỆ

Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo địa phương cũng nắm bắt được hiện trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực để có định hướng trạm y tế ổn định hoạt động, từng bước hòa nhập và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trong toàn xã sau sáp nhập.

Bà Vân cũng lưu ý với đội ngũ y, bác sĩ của xã Trà Liên: Xã mới hiện nay giáp với tỉnh Quảng Ngãi, diện tích khoảng 130km2 và dân số hơn 10.000 người, nên việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cần được chú trọng hơn nữa.

Những khó khăn của hoạt động y tế cơ sở, lãnh đạo xã sẽ có những kiến nghị đến ngành chuyên môn cũng như lãnh đạo thành phố để sau này có những chính sách quan tâm, đầu tư cho y tế cơ sở tốt hơn.

Tại xã Trà Đốc, sau khi khảo sát thực tế tình hình hoạt động của Trạm Y tế, ông Phan Duy Hưng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian đầu, chúng tôi ưu tiên dành thời gian đi cơ sở, tìm hiểu, kịp thời nắm bắt tình hình đời sống, việc chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em đồng bào Ca Dong. Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để không phụ sự tin tưởng của nhân dân đối với lãnh đạo xã, cũng như góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của người dân miền núi”.

Nguồn: https://baodanang.vn/cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-mien-nui-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-3296944.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm