Người bảo ông Chỉnh thế mà biết nghĩ. Người lại rỉ tai nhau bảo ôi dào, vẽ chuyện. Có người còn mỉa mai, nói ông học đòi.
Tôi chỉ biết lắng nghe, vì tôi là người xa quê về dự hội làng, chưa biết chuyện thế nào.
Cả buổi cỗ làng, ông Chỉnh chỉ lặng lẽ lắng nghe, không phản ứng gì. Tôi hiểu tâm trạng của ông, bởi nói gì lúc này cũng khó. Giữa những luồng ý kiến khác nhau, khó để mà làm hài lòng tất cả. Hoặc là ông cũng chẳng có nhu cầu phải giãi bày.
Tan cỗ làng, tôi hỏi trưởng thôn chuyện nhà ông Chỉnh cụ thể thế nào, ông nhanh nhảu kể: Nhà ông Chỉnh có khu chăn nuôi tổng hợp trên diện tích đất phần trăm đồn đổi nuôi mấy chục con lợn, ít gà, vịt, chim câu và vài ao cá. Con cái ở xa, nên ông thuê người làm, cũng chỉ thời vụ thôi. Nghe đâu hôm 1/5 ông tổ chức bữa cơm gọi là cơm công nhân gì đó, mời những người đang làm cho ông và cả những người từng làm đến ăn.
Còn có quà cho người làm. Mỗi người cân thịt với con cá gọi là quà tặng nhân tháng công nhân. Người được mời vui lắm, đi khoe, nên nhiều người biết. Cái ông Chỉnh này đúng là khác người thật.
Tôi hỏi trưởng thôn ông Chỉnh khác người ở chỗ nào? Thì đấy, xưa nay ở cái làng này có ai làm thế bao giờ. Thuê làm công trả tiền, xong thì thôi. Ông Chỉnh không chỉ mời cơm người đang làm, mà còn mời cơm cả những người không còn làm nữa. Thật là “thóc đãi gà rừng”.
Câu chuyện của ông Chỉnh theo tôi suốt chặng đường về nhà. Ông chỉ là một nông dân chăn nuôi tự phát, nhưng suy nghĩ lại rất chỉn chu.
Ông đã có sự ứng xử văn hóa với người làm. Ông gọi họ là công nhân thay cho từ người làm thuê. Ông còn chọn đúng ngày Quốc tế lao động - ngày đầu tiên của tháng công nhân để làm cái việc tri ân công nhân. Bữa cơm và phần quà của ông không quá nhiều, nhưng thông điệp trong đó là rất lớn, rất cảm động. Việc ông mời cả người làm hiện tại và người từng làm cho ông là sự cụ thể hóa chủ trương cảm ơn người lao động mà tháng công nhân năm nào tổ chức công đoàn cũng đề cập, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện.
Làm việc được trả công, nhưng nếu có sự quan tâm, chăm lo, thì hiệu quả làm việc sẽ tốt hơn, mối quan hệ cũng sẽ bền vững hơn. Bữa cơm ông Chỉnh tổ chức không chỉ khích lệ người đang làm, mà còn khiến những người từng làm cho ông muốn quay trở lại làm việc nếu ông có nhu cầu.
Gần đây có rất nhiều câu chuyện buồn khi mà chủ doanh nghiệp ép công nhân phải làm việc quá mức, phớt lờ những yêu câu chính đáng của người lao động, khiến nhiều công nhân phải bỏ việc, muốn nhảy việc, dẫn đến doanh nghiệp bị động.
Sự chăm lo một cách trách nhiệm, nghĩa tình, hay việc trốn tránh, chây ì nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động là hệ quả của sự hạn chế về tầm nhìn. Câu chuyện của ông Chỉnh khiến chúng ta suy nghĩ, để tiến tới một mối quan hệ lợi ích hài hòa. Xin đừng cho rằng ông vẽ chuyện hay khác người, mà cần phải hoan nghênh và lan tỏa điều đó.
Hạnh Nhiên
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chang-co-su-khac-nguoi-nao-ca-248342.htm
Bình luận (0)