Vùng trồng sầu riêng tại huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu có nhiều câu chuyện chia sẻ về thách thức và cơ hội với thị trường xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.
Để thách thức thành cơ hội
Vài năm trở lại đây, ngành sầu riêng có sự phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, mặt trái cần khắc phục để phát triển bền vững.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (ở Thành phố Hồ Chí Minh) Mai Xuân Thìn, một trái sầu riêng bán tại thị trường Trung Quốc có giá cả triệu đồng nên chủ yếu hướng tới nhóm trung và cao cấp. Đa phần người dân Trung Quốc vẫn chưa có cơ hội thưởng thức loại trái cây này, do đó dư địa mở rộng thị trường tiêu thụ vẫn rất lớn. Với tổng diện tích khoảng 180 ngàn hécta, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng vùng trồng đạt chuẩn. Hiện Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề an toàn thực phẩm; nếu Việt Nam có thể đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng, người tiêu dùng Trung Quốc chắc chắn sẽ ủng hộ mạnh hơn.
Chia sẻ về năng lực cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (ở tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy nhận xét, Việt Nam có nhiều lợi thế so với Thái Lan về trồng sầu riêng như: điều kiện tự nhiên cũng như kỹ thuật sản xuất, thu hoạch... Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này, cần có sự quản lý đồng bộ hơn từ các cấp chính quyền và DN. Trong đó, có thể cải thiện chuỗi cung ứng sầu riêng, các vùng nguyên liệu rất cần có sự hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Hiện nay, chất vàng O trong bảo quản sầu riêng đã bị cấm, mong có sự hợp tác liên ngành để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bảo quản sầu riêng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Dưới góc nhìn khác, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) Vũ Phi Hổ cho biết, nhiều DN xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc kiểm nghiệm hàng xuất khẩu với chi phí tăng cao, tạo gánh nặng lớn. Tình trạng nhiều cơ sở đóng gói không được cấp mã số vẫn ngang nhiên hoạt động dẫn tới sự nhập nhằng thật - giả, ảnh hưởng tới tính minh bạch và công bằng trong hoạt động xuất khẩu. Về vùng nguyên liệu, nhiều vùng trồng mới đang gặp khó khăn trong quản lý kỹ thuật, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát các cơ sở đóng gói, tránh để xảy ra tình trạng hàng không đủ điều kiện vẫn được xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành.
Theo các DN xuất khẩu, sầu riêng đang được nhìn nhận chủ yếu ở góc độ xuất khẩu, nhưng bản chất phải đặt trách nhiệm với người tiêu dùng lên hàng đầu - kể cả với người tiêu dùng trong nước. Khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mong được gỡ các điểm nghẽn
Theo các DN chế biến, xuất khẩu, ngành hàng sầu riêng cần xây dựng được chuỗi giá trị với sự cải thiện từ quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Về quản lý đầu vào, cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các DN đầu tư vào hệ thống kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Thái Thanh chia sẻ, hiện chưa có thông tư hướng dẫn chính thức về xử lý sau thu hoạch đối với sầu riêng, nhiều DN không biết phải tìm sản phẩm xử lý sau thu hoạch ở đâu cho đúng yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, phải “vừa đi, vừa dò đường”. Với đà tăng trưởng mạnh của sản lượng sầu riêng, hệ thống kho lạnh, cấp đông hiện tại khó đủ năng lực đáp ứng. Cần có chính sách ở tầm vĩ mô từ các bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về tín dụng để khuyến khích DN đầu tư xây dựng nhà máy cấp đông, cơ sở xử lý sau thu hoạch trong các khu công nghiệp, vùng chuyên canh. Đây là vấn đề vô cùng cấp thiết, nhất là trong bối cảnh các vùng sầu riêng sắp rộ vụ thu hoạch với sản lượng khủng, gây áp lực lớn cho hệ thống tiêu thụ và bảo quản.
Theo kiến nghị của DN xuất khẩu sầu riêng, cần thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật ngay tại vùng nguyên liệu lớn để kiểm tra trước khi hàng lên container, thay vì đưa ra cửa khẩu rồi mới kiểm dịch như hiện nay. Vì đưa hàng lên cửa khẩu chờ kiểm dịch, chi phí đội lên và rủi ro hư hỏng là rất cao.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Châu, đại diện Công ty TNHH Giám định chất lượng Vinacontrol (thành phố Hà Nội), cho biết đơn vị đang thực hiện kiểm tra hàm lượng cadimi trong sầu riêng - một trong những chỉ tiêu quan trọng trong quy trình kiểm soát chất lượng trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, theo khảo sát từ thực tiễn, nhiều vùng trồng sầu riêng trọng điểm hiện nay vẫn chưa có phòng thử nghiệm nào được chỉ định và công nhận. Đây là rào cản lớn đối với các nhà vườn và DN xuất khẩu trong việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/chat-luong-va-minh-bach-de-thi-truong-sau-rieng-tang-truong-dot-pha-bfc6634/
Bình luận (0)