
Báo cáo mới nhất của S&P Global cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6 so với 49,8 điểm của tháng 5.
Đây là tháng thứ 3 chỉ số PMI của Việt Nam nằm dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu sự suy giảm nhẹ của các điều kiện kinh doanh trong nửa đầu năm. Điều này đặc biệt đúng với lĩnh vực xuất khẩu khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm.
Các chuyên gia S&P Global đánh giá, tình trạng xấu đi của "sức khỏe" tổng thể ngành sản xuất lần này là do sự giảm sút số lượng đơn đặt hàng mới. Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng 5.
Nhu cầu giảm mạnh ở các thị trường xuất khẩu khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm với mức độ lớn hơn nhiều so với tổng số đơn đặt hàng mới. Tốc độ giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tương đương với mức của tháng 5-2023.
Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm đã khiến việc làm, hoạt động mua hàng và hàng tồn kho giảm trong tháng 6. Số lượng nhân công giảm tháng thứ chín liên tiếp, với tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng trước.
Mặc dù nhu cầu đang yếu, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 6. Tuy nhiên, do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và sự giảm giá của tiền đồng so với đồng USD, khiến chi phí đầu vào tăng giá nhẹ, buộc các nhà sản xuất phải tăng giá cả đầu ra.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng góp phần kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp và tình trạng thời tiết xấu và sự chậm trễ trong khâu vận tải cũng nằm trong số những nhân tố khiến thời gian giao hàng dài hơn. Hiệu suất hoạt động của người bán hàng suy giảm mạnh, với mức độ suy giảm lớn nhất kể từ tháng 2.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/chi-so-nha-quan-tri-mua-hang-pmi-viet-nam-giam-xuong-muc-48-9-diem-707629.html
Bình luận (0)