Quyết tâm chính trị mạnh mẽ
Thực tiễn phát triển của Trung Quốc trong 76 năm qua cho thấy, khoa học - công nghệ được Trung Quốc coi trọng từ rất sớm và luôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến lược quốc gia. Chỉ một tháng sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (tháng 10-1949), Trung Quốc đã thành lập Viện Khoa học (tháng 11-1949) với nhiệm vụ tận dụng thành tựu khoa học hiện đại để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và quốc phòng, tổ chức và định hướng nghiên cứu khoa học trên phạm vi cả nước, nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của Trung Quốc. Sau khi tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa với quy mô lớn vào năm 1978, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã khởi động lại tiến trình “bốn hiện đại hóa”, trong đó coi hiện đại hóa về khoa học - kỹ thuật là then chốt với phương châm “không có khoa học - kỹ thuật hiện đại, không thể xây dựng được nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hiện đại và quốc phòng hiện đại”, đưa ra khẩu hiệu chính trị “khoa học - kỹ thuật là lực lượng sản xuất số 1”(1). Trung Quốc đã tiến hành cải cách đột phá về thể chế khoa học - công nghệ, ban hành một loạt chiến lược, chương trình lớn, như “Quyết định đẩy nhanh bước tiến của khoa học - kỹ thuật”, chiến lược “Khoa giáo hưng quốc”, “Công trình 985”, nhằm phát triển giáo dục hướng tới thế kỷ XXI (năm 1998); “Cương yếu quy hoạch phát triển khoa học - công nghệ trung hạn và dài hạn giai đoạn 2006 - 2020” (năm 2005). Trong 76 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng và triển khai 9 quy hoạch phát triển khoa học - công nghệ, cho thấy việc quy hoạch, triển khai chiến lược trong lĩnh vực này được Trung Quốc hết sức coi trọng và diễn ra thường xuyên.
Kể từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012), với quyết tâm thực hiện “giấc mộng Trung Quốc”, “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, Trung Quốc xác định “đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ là điểm tựa chiến lược để nâng cao lực lượng sản xuất xã hội và sức mạnh tổng hợp quốc gia”; triển khai chiến lược phát triển quốc gia dựa vào đổi mới sáng tạo, gắn đổi mới sáng tạo với vận mệnh quốc gia, coi “hạt nhân của sức mạnh tổng hợp quốc gia là năng lực đổi mới sáng tạo”(2). Tại Đại hội XX, Trung Quốc xác định mục tiêu trở thành cường quốc khoa học - công nghệ vào năm 2035; nhấn mạnh “khoa học - công nghệ hưng thịnh, đất nước sẽ hưng thịnh; khoa học - công nghệ mạnh, đất nước sẽ mạnh”; tiếp tục gắn khoa học - công nghệ với chiến lược lớn của quốc gia, cụ thể là “hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc phải được hỗ trợ bởi hiện đại hóa công nghệ, để đạt được phát triển chất lượng cao phải dựa vào đổi mới công nghệ để gây dựng các động lực mới”(3). Từ tháng 9-2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” với khoa học - công nghệ đóng vai trò chủ đạo.
Trên cơ sở định hướng chiến lược, Trung Quốc đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ tập trung thúc đẩy đồng bộ cải cách ba thể chế về khoa học - công nghệ, kinh tế và quản trị của chính phủ nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo; coi trọng vai trò của doanh nghiệp, xác định rõ hơn phân công giữa chính phủ và thị trường, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiện toàn pháp luật, xây dựng đội ngũ nhân tài công nghệ chiến lược quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ hợp tác khoa học - công nghệ với 161 quốc gia và khu vực, tham gia hơn 200 tổ chức quốc tế và cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, đồng thời thiết lập cơ chế đối thoại công nghệ với nhiều quốc gia; dẫn dắt hợp tác khoa học - công nghệ quốc tế thông qua các sáng kiến hợp tác lớn, như Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS)...
Với việc triển khai chiến lược phát triển khoa học - công nghệ mạnh mẽ, Trung Quốc đã từng bước hình thành hệ thống phối hợp hành động trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo với nhiều chủ thể là doanh nghiệp theo mô hình khoa học - công nghệ, viện nghiên cứu khoa học và trường đại học, trong đó dành nhiều nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Từ năm 2000 đến năm 2010, kinh phí nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã tăng từ 89,57 tỷ NDT lên 698 tỷ NDT, với tốc độ tăng trung bình hằng năm là 22,79%. Tỷ trọng chi cho R&D trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng từ 1% (năm 2000) lên 1,75% (năm 2010), vượt mức trung bình thế giới (1,6%(4). Trong giai đoạn 2012 - 2021, R&D của Trung Quốc giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 11,7%, đứng thứ hai thế giới về tổng số lượng đầu tư và đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Theo chiến lược phát triển quốc gia dựa trên đổi mới sáng tạo, tỷ trọng đầu tư cho R&D trên GDP của Trung Quốc dự kiến đạt 2,8% đến năm 2030.
Nhân tài khoa học - công nghệ được Trung Quốc xác định là nguồn tài nguyên số 1 và đang tiến tới mục tiêu xây dựng cường quốc nhân tài vào năm 2035. Theo đó, Trung Quốc đã ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển đội ngũ nhân tài với sự kết hợp cả thu hút từ nước ngoài và bồi dưỡng lực lượng trong nước. Từ năm 2008, Trung Quốc đưa ra “Kế hoạch nghìn người” nhằm thu hút nhân lực cao cấp từ các nước phát triển, như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Ca-na-đa và các tập đoàn xuyên quốc gia. Năm 2012, Trung Quốc tiếp tục đưa ra Kế hoạch hỗ trợ đặc biệt dành cho nhân tài cao cấp quốc gia (còn gọi là “Kế hoạch vạn người”), trong đó dành sự hỗ trợ đặc thù về kinh phí, chính sách đối với đội ngũ nhân tài quốc gia, triển khai song song cùng “Kế hoạch nghìn người”. Để nâng cao trình độ khoa học - công nghệ trong nhân dân, Trung Quốc ban hành Chương trình hành động nâng cao trình độ khoa học toàn dân (2021 - 2035), trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người dân có trình độ khoa học đạt trên 15% và nâng lên 25% vào năm 2035; xác định và triển khai chương trình nâng cao tri thức công nghệ đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, như nông dân, công nhân, cán bộ, công chức, người cao tuổi, giới trẻ.
Xác lập vị thế trên bản đồ khoa học - công nghệ thế giới
Trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã đẩy nhanh chiến lược tự chủ công nghệ và đạt được nhiều bước tiến đáng kể.
Về nghiên cứu công nghệ, theo báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) công bố vào tháng 9-2023, hiện nay Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong gần 90% nghiên cứu công nghệ quan trọng, cụ thể là dẫn đầu 57/64 dự án nghiên cứu công nghệ tiên tiến trong 5 năm (2019 - 2023)(5). Theo số liệu thống kê của Tạp chí khoa học Nature (Mỹ) năm 2022, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nước đóng góp nhiều nghiên cứu nhất đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Tháng 6-2024, Tạp chí khoa học Nature (Mỹ) công bố bảng xếp hạng các cơ sở nghiên cứu toàn cầu năm 2024, theo đó Trung Quốc sở hữu 7/10 cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới. Số lượng bằng sáng chế của Trung Quốc cũng gia tăng đáng kể, với 4.015 triệu bằng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số lượng bằng sáng chế có hiệu lực vượt mốc 4 triệu bằng vào năm 2023.
Về các lĩnh vực dẫn đầu thế giới, theo một số đánh giá của Trung Quốc và quốc tế, hiện nay Trung Quốc dẫn đầu thế giới trên 7 - 10 lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, máy bay không người lái, pin năng lượng mặt trời, đường sắt cao tốc, xe điện, pin lithium, thông tin lượng tử, in 3D, siêu máy tính,... Trong báo cáo công bố vào tháng 9-2024, Quỹ Thông tin công nghệ và đổi mới (ITIF) của Mỹ đánh giá Trung Quốc lược (máy tính và thiết bị điện tử, hóa chất, thiết bị máy móc, thiết bị xe hơi, kim loại cơ bản, sản phẩm kim loại và thiết bị điện)(8).
Về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), theo bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), GII của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, từ vị trí thứ 34 (năm 2012) tăng lên vị trí thứ 11 (năm 2024), trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong tốp 30, đứng đầu trong 34 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao, thứ 3 sau Hàn Quốc và Xin-ga-po trong tổng số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương(9). Chỉ số này được duy trì ổn định kể từ năm 2020 đến nay.
Một số vấn đề gợi mở về phương diện chính sách
Sự trỗi dậy mạnh mẽ về khoa học - công nghệ của Trung Quốc mang đến cơ hội tham khảo cả về lý luận và kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo đột phá trong phát triển khoa học - công nghệ cũng như triển khai hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc.
Kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển khoa học - công nghệ gợi mở một số vấn đề cần quan tâm về phương diện chính sách:
Một là, đầu tư chiến lược và dài hạn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão và từ kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới. Điều này không những mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động, mà còn tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu(10). Vì vậy, việc ưu tiên nguồn lực cho các ngành mũi nhọn thay vì dàn trải, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại.
Hai là, tận dụng dữ liệu và hạ tầng công nghệ số. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, phát triển AI là lĩnh vực được Trung Quốc rất quan tâm, và hạ tầng số đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp công nghệ số. Vì vậy, việc xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu lớn cần được quan tâm thúc đẩy để tạo nền tảng thúc đẩy xây dựng phương thức sản xuất số, đồng thời nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ba là, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ. Chính sách ưu đãi thuế và quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp thành công; đội ngũ doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc không ngừng lớn mạnh và có sức cạnh tranh quốc tế cao. Điều này có thể được quan tâm nghiên cứu áp dụng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI và công nghệ xanh; khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả kết hợp giữa đào tạo và thực hành. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đưa sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ nói riêng là yếu tố quan trọng, nòng cốt, góp phần bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Chương trình thu hút nhân tài của Trung Quốc là cách làm có giá trị tham khảo để xây dựng chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu trên trường quốc tế.
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, cũng cần có phương án ứng phó phù hợp với khó khăn, thách thức, trong đó có việc tự chủ công nghệ, làm chủ lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia; không chỉ tập trung phát triển về ứng dụng công nghệ, mà còn phải đầu tư nghiên cứu cơ bản, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
Các lĩnh vực khoa học - công nghệ có thế mạnh của Trung Quốc là cơ sở để phát triển quan hệ hợp tác, như hợp tác về khoa học - công nghệ, tăng cường hợp tác nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, chia sẻ kinh nghiệm quản trị và phát triển, chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao trong nâng cấp ngành, nghề, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội... Đồng thời, việc thúc đẩy hợp tác về khoa học - công nghệ với Trung Quốc trên một số lĩnh vực mà Trung Quốc có tiềm năng cũng cần được quan tâm, như: 1- Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hợp tác trong nghiên cứu phát triển giải pháp phát triển công nghệ 5G, AI, internet vạn vật (IoT); ứng dụng công nghệ số vào quản trị nhà nước, quản lý đô thị, giao thông thông minh, logistics, giáo dục và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; 2- Năng lượng sạch và môi trường, hợp tác phát triển công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và công nghệ lưu trữ năng lượng; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, công nghệ tái chế, bảo vệ môi trường và lĩnh vực khác gắn với định hướng chuyển đổi xanh; 3- Công nghệ sinh học và dược phẩm, y tế, hợp tác trong nghiên cứu phát triển thuốc, công nghệ y sinh, ứng dụng AI vào y tế, nhất là lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, như phát triển bệnh viện thông minh với sự hỗ trợ của AI trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe người bệnh, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền; trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, dự báo thời tiết, quản lý dịch bệnh, phát triển giống cây trồng và tối ưu hóa sản xuất; 4- Ứng dụng AI và dữ liệu lớn vào các lĩnh vực khả thi, nhất là quản trị hành chính, thương mại điện tử, trong đó có thông quan tự động, xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý sản phẩm./.
--------------
(1) Xem: “新中国档案:邓小平提出科学技术是第一生产” (Tạm dịch: Hồ sơ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Đặng Tiểu Bình khẳng định khoa học - kỹ thuật là lực lượng sản xuất số 1), Tân Hoa xã, ngày 10-10-2009, https://www.gov.cn/test/2009-10/10/content_1435113.htm
(2) Xem: “中共中央 国务院印发《国家创新驱动发展战略纲要》” (Tạm dịch: Chiến lược phát triển quốc gia dựa trên đổi mới sáng tạo do Trung ương Đảng, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành), Tân Hoa xã, ngày 19-5-2016, https://www.gov.cn/zhengce/2016-05/19/content_5074812.htm
(3) Xem: “受权发布丨习近平:在全国科技大会、国家科学技术奖励大会、两院院士大会上的讲话” (Tạm dịch: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ toàn quốc và Hội nghị Viện sĩ của hai học viện), Xinhuanet, ngày 24-6-2024, http://www1.xinhuanet.com/politics/20240624/9b65276ff83241ecae6458f4997516af/c.html
(4) Xem: “学界 | 50年间,全球各国学者数量是如何变化的?” (Tạm dịch: Số lượng học giả ở các nước khác nhau đã thay đổi như thế nào trong 50 năm qua?), Sohu, ngày 20-11-2018, https://www.sohu.com/a/276543117_651893
(5) “ASPI’s two-decade Critical Technology Tracker: The rewards of long-term research investment” (Tạm dịch: Theo dõi Công nghệ Quan trọng của ASPI trong suốt hai thập niên: Lợi ích của việc đầu tư vào nghiên cứu lâu dài), ASPI ngày 28-8-2024, https://www.aspi.org.au/report/aspis-two-decade-critical-technology-tracker
(6) Robert D. Atkinson: “China Is Rapidly Becoming a Leading Innovator in Advanced Industries” (Tạm dịch: Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành nước đổi mới hàng đầu trong các ngành công nghiệp tiên tiến), Information Technology and Innovation Foundation (ITIF), ngày 16-9-2024, tr. 2, https://itif.org/publications/2024/09/16/china-is-rapidly-becoming-a-leading-innovator-in-advanced-industries/
(7) “Global AI Power Rankings: Stanford HAI Tool Ranks 36 Countries in AI” (Tạm dịch: Xếp hạng sức mạnh AI toàn cầu: Stanford HAI công bố bảng xếp hạng 36 quốc gia về AI), Stanford University, ngày 21-10-2024, https://hai.stanford.edu/news/global-ai-power-rankings-stanford-hai-tool-ranks-36-countries-ai#:~:text=China%20in%20Second%2C%20But%20Falling%20Behind&text=On%20several%20key%20indicators%2C%20the
(8) Xem: “The Hamilton Index, 2023: China Is Running Away With Strategic Industries” (Tạm dịch: Chỉ số Hamilton, 2023: Trung Quốc đang bỏ xa về các ngành công nghiệp chiến lược), Information Technology & Innovation Foundation (ITIF), ngày 13-12-2023, https://itif.org/publications/2023/12/13/2023-hamilton-index/
(9) “China ranking in the Global Innovation Index 2024” (Tạm dịch: Xếp hạng của Trung Quốc trong Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2024), WIPO, 2024, https://www.wipo.int/gii-ranking/en/china
(10) Xem: Tô Lâm: “Nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ để phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ nước nhà và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 15-1-2025, https://www.tapchicongsan.org.vn/en/web/guest/tieu-iem1/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/cac-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-khong-ngung-doi-moi-sang-tao-gop-phan-vao-su-phat-trien-manh-me-cua-nganh-cong-nghe-nuoc-nha-va-nang-cao-vi-the
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1087202/chien-luoc-xay-dung-cuong-quoc-khoa-hoc---cong-nghe-cua-trung-quoc-va-mot-so-van-de-goi-mo-ve-phuong-dien-chinh-sach.aspx
Bình luận (0)