Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thành phố Đà Nẵng gắn nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, chuẩn bị điều kiện để cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới

TCCS - Những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và có nhiều mô hình nổi bật, được đánh giá cao. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thành phố Đà Nẵng tiếp tục lãnh đạo, điều hành tổng kết một số vấn đề lý luận gắn với thực tiễn, phù hợp với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là cực tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản23/05/2025

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Khu Công viên Phần mềm số 2, thành phố Đà Nẵng_Ảnh: TTXVN

Một số vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới không ngừng biến động, khó dự báo; ở trong nước, những năm gần đây tình hình lạm phát tăng cao, kinh tế dần phục hồi, nhưng chưa bền vững, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong các năm 2020 - 2021 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII; cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn; tích cực tham mưu Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, thí điểm tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố. Theo đó, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận và có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực.

Thứ nhất, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tuân thủ quy chế làm việc; phát huy vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh nêu gương của người đứng đầu; trong đó, thực hiện nhiều mô hình hay, có điểm nhấn để tạo khối thống nhất từ thành phố đến cơ sở. Trong lãnh đạo, quản lý, điều hành bám sát, cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp đề ra, hành động quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả và vận dụng đúng quy định của pháp luật. Thành phố luôn chú trọng đúc kết lý luận dựa trên thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; chủ trương khi ban hành đều xác định “rõ quan điểm, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ nguồn lực thực hiện”.

Thứ hai, thành phố luôn kiên định mục tiêu phát triển bền vững, đặt lợi ích của người dân và thành phố lên hàng đầu. Đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình, huy động sự đồng lòng, chung tay, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố, nhất là vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ để tổ chức thực hiện hiệu quả. Thành phố có nhiều cách làm sáng tạo, ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, vượt trội mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, miễn giảm học phí cho các cấp học, hỗ trợ đối tượng yếu thế, người cao tuổi; xây dựng, sửa chữa nhà chính sách,… góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ ba, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng mạnh về cơ sở, với phương châm “Đảng mạnh từ cơ sở, tổ chức đảng mạnh từ đảng viên, dựa vào dân để xây dựng Đảng”; đa dạng hóa công tác vận động quần chúng, xây dựng mối quan hệ đoàn kết toàn dân. Công tác đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, kịp thời giải quyết hiệu quả vấn đề bức xúc, tạo niềm tin của nhân dân. Thành phố Đà Nẵng có một số mô hình, cách làm sáng tạo trong xây dựng khối đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân như quy định về trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; quy định về tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp; tổ chức đối thoại với người dân, lắng nghe và cùng tháo gỡ vướng mắc; thực hiện tốt chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, góp phần củng cố niềm tin giữa “ý Đảng” và “lòng dân”.

Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý thiếu sót, vi phạm ngay từ đầu. Nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, thực thi công vụ, nhất là khâu cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. Theo đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của tập thể và cá nhân. Tăng cường nắm bắt dư luận, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp để tham mưu, đề xuất giải quyết dứt điểm từ sớm, không để hình thành điểm nóng; thông báo kết quả xử lý vụ việc, thông tin từ dư luận xã hội nhằm định hướng dư luận, ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội.

Thứ năm, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thành phố thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững; luôn chủ động phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Giải pháp xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thành phố Đà Nẵng có vị trí trọng yếu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước; là địa phương luôn năng động, sáng tạo, phát huy tốt nguồn lực tại chỗ, nhất là phát triển hài hòa giữa kinh tế, quản lý đô thị với văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 26-NQ/TW); Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 43-NQ/TW) và Kết luận số 79-KL/TW, ngày 13-5-2024, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Kết luận số 79-KL/TW) xác định, thành phố Đà Nẵng có vị trí, vai trò quan trọng trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng như của quốc gia. Sự phát triển của thành phố Đà Nẵng hiện nay cơ bản theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, người dân thành phố và yêu cầu phát triển của đất nước. 

Từ một đô thị trực thuộc tỉnh với xuất phát điểm thấp, nền kinh tế và hạ tầng đô thị hạn chế, đời sống nhân dân khó khăn,… sau gần 30 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng có quy mô và trình độ nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, quy mô nền kinh tế xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố; thu nhập, chất lượng đời sống người dân thành phố ngày càng được nâng lên, GRDP bình quân đầu người năm 2025 ước đạt hơn 5.000 USD; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao, nhất là các ngành công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ cao, chip vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được chú trọng phát triển. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, kết nối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên với nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, kịp thời phục vụ sự kiện chính trị, văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế. Môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng; luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số. Năm 2024, thành phố Đà Nẵng đạt nhiều giải thưởng uy tín như Giải thưởng cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc (lần thứ 4 liên tiếp); Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam (năm thứ 5 liên tiếp); đứng thứ 2 về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI); đứng thứ 4 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (Chỉ số PII); đứng thứ nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)...

Công nhân kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại nhà máy Trung Nam EMS (khu Công nghệ cao Đà Nẵng)_Ảnh: TTXVN

Thành phố Đà Nẵng luôn xác định phát triển văn hóa, xã hội, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Nhờ đó, nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, hướng đến mục tiêu an sinh bền vững, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng, như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; đội ngũ cán bộ trưởng thành về nhiều mặt, luôn có ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, là điểm đến tin cậy của bạn bè trong nước và quốc tế. Uy tín và vị thế của thành phố Đà Nẵng ngày càng được khẳng định.

Năm 2024 với thành phố Đà Nẵng là năm của xây dựng cơ chế, chính sách. Thành phố Đà Nẵng đã chủ động với quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tham mưu và được Trung ương ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù làm nền tảng cho sự phát triển của thành phố, với cách làm rất mới, như Kết luận số 79-KL/TW, ngày 13-5-2024, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 136/2024/QH15, ngày 26-6-2024, của Quốc hội “Về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng” (Nghị quyết số 136/2024/QH15); Kết luận số 77-KL/TW, ngày 2-5-2024, của Bộ Chính trị, về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” (Kết luận số 77-KL/TW) Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 về tháo gỡ khó khăn trong thi hành kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Mới đây nhất, Bộ Chính trị có Thông báo số 47-TB/TW, ngày 15-11-2024, “Về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam” (Thông báo số 47-TB/TW) thì Chính phủ đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện. Ngoài ra, Chính phủ ban hành nhiều nghị định, nghị quyết tháo gỡ khó khăn, bất cập của thành phố Đà Nẵng, trong đó có Nghị quyết số 114/NQ-CP, ngày 18-9-2024, của Chính phủ, “Về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại” (Nghị quyết số 114/NQ-CP ) theo hướng giao thành phố Đà Nẵng quản lý phía Nam núi Hải Vân và Hòn Sơn Chà con. Cơ chế, chính sách nêu trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, với kỳ vọng vào sự phát triển nhanh và bứt phá hơn trong giai đoạn tới, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng còn một số mặt hạn chế so với yêu cầu trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, như tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá, dư địa để phát triển không còn nhiều; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, năng suất lao động chưa cao; thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là đầu tư, đất đai, trật tự xây dựng còn một số bất cập; nhiều dự án chậm triển khai, chậm bàn giao, dự án treo gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tuy được kiểm soát, kéo giảm, nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm là người chưa thành niên, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Để đạt được yêu cầu của Trung ương và kỳ vọng của người dân thành phố Đà Nẵng với mục tiêu “Đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa cơ hội nổi trội, vai trò tiên phong, đi đầu của thành phố Đà Nẵng trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Trong đó, tập trung xúc tiến sớm, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Nghị quyết số 136/2024/QH15 với nhiều nội dung chưa có tiền lệ, áp dụng trong các lĩnh vực mới, như thí điểm cơ chế tài chính; trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong một số ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chính sách về thử nghiệm có kiểm soát, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo… Chủ động, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; hình thành và xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào các phân khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo; nghiên cứu, triển khai phương án lấn biển trên cơ sở quy định của pháp luật, mở ra không gian mới về biển và đất liền cho thành phố. Cụ thể hóa Thông báo số 47-TB/TW, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, phấn đấu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khóa XV (dự kiến vào tháng 5-2025). Đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện đầu tư tổng thể và quản lý, khai thác, vận hành cảng Liên Chiểu theo tinh thần định hướng của đồng chí Tổng Bí thư. Ban hành Kế hoạch triển khai nghị quyết đặc thù của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong thi hành kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở ba địa phương, trong đó có nội dung liên quan đến thành phố Đà Nẵng sẽ được tháo gỡ, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy thành phố tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng những việc đã rõ, đã được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp, nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm với mục đích cuối cùng là xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Thứ hai, phát triển kinh tế trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm động lực chủ yếu. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặc biệt trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học - công nghệ và con người là hai yếu tố then chốt, là chìa khóa để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Đà Nẵng hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững. Do vậy, thành phố Đà Nẵng tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế hợp lý, với tỷ trọng ngành dịch vụ (khoảng 60 - 65%); công nghiệp và xây dựng (khoảng 25 - 30%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tương ứng (khoảng 2 - 3%); bảo đảm phát triển bền vững ngành kinh tế chủ lực, chuyển đổi từng bước, căn bản ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang ngành, lĩnh vực có giá trị cao; hoàn thiện thể chế phát triển mô hình kinh tế mới gắn với ứng dụng công nghệ số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, với ba trụ cột: 1- Phát triển ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, phát huy thế mạnh về du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế; 2- Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và nền kinh tế số; 3- Tiếp tục đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; phát triển nông nghiệp phục vụ đô thị và du lịch.

Tập trung phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, thông suốt, phát triển nhanh, xanh, thuận lợi, hiện đại và thông minh, đặc biệt là tập trung khai thác hiệu quả không gian biển, vũ trụ và không gian ngầm. Nghiên cứu cơ chế, chính sách thực sự thông thoáng, hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới và thực tiễn, điều kiện Việt Nam và thành phố Đà Nẵng. Đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong quản lý, phát triển và thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu về xã hội, y tế, giáo dục, kinh tế, quốc phòng - an ninh, tài nguyên, truyền thống văn hóa, lịch sử của thành phố Đà Nẵng; xác định cơ sở dữ liệu là tài nguyên của Đà Nẵng để phát triển trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật. Thành lập trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng… Xúc tiến, thu hút đầu tư chọn lọc, nhất là vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp với thị trường trọng điểm và quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư, gắn thu hút đầu tư với bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ, trong đó chú trọng thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Ưu tiên nguồn lực, hợp tác quốc tế về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Xây dựng và phát triển khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đẳng cấp quốc tế.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, kết nối miền Trung - Tây Nguyên, phát triển Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Tiểu vùng sông Mê Công; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế. Tập trung huy động nguồn lực thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 43-NQ/TW; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện và hoàn thiện các công trình động lực, trọng điểm, liên vùng như xây dựng cảng Liên Chiểu (phần hạ tầng dùng chung - giai đoạn 2 và phần kêu gọi đầu tư); di dời ga đường sắt Đà Nẵng (giai đoạn chuyển tiếp); tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B, quốc lộ 14D, quốc lộ 14G; nghiên cứu, đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y... Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Đà Nẵng và cảng hàng không, cảng biển tại các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đôn đốc triển khai đường trục chính, liên khu vực, tuyến kết nối giao thông đến khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cảng Liên Chiểu, khu thương mại tự do theo quy hoạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các nước trên thế giới, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê Công và ASEAN.

Thứ tư, tổng kết thực tiễn, xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa và con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Đà Nẵng; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”. Chủ động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham mưu bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xác định định hướng lớn, bước đi vững chắc của thành phố, hướng đến mục tiêu quan trọng trong những thập niên tới, lấy hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố làm mục tiêu, cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học. Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng, đại học, trong đó xây dựng Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia và có cơ chế gắn kết giữa Đại học Đà Nẵng, các viện, trung tâm nghiên cứu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập. Xây dựng cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn và du lịch. Đẩy mạnh chính sách khuyến khích nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có trình độ quản lý; thành lập mới cơ sở đào tạo, trong đó chú trọng dự án thuộc lĩnh vực đào tạo nghề, kỹ năng mềm và phát triển khoa học - công nghệ.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người Đà Nẵng phát triển toàn diện, hoàn thiện nhân cách, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị, bản sắc, lấy con người làm trung tâm trong phát triển văn hóa. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, khát vọng xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị tinh thần, truyền thống cách mạng của địa phương, của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, bồi dưỡng tài năng trẻ. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, nhất là sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực. Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng.

Nâng cao hiệu quả chính sách xã hội trên địa bàn, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”; chương trình “không có nhà tạm, nhà dột nát”. Hình thành giá trị, bản sắc phù hợp với truyền thống văn hóa người Đà Nẵng. Tiếp tục thực hiện tốt, đồng bộ chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm đối tượng yếu thế được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; quan tâm vấn đề dân cư, dân số với quy mô, kết cấu phù hợp, phát triển hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, phát triển thành phố Đà Nẵng thành trung tâm y tế chuyên sâu của vùng.

Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu; dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vươn lên; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, luôn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, đặt lợi ích người dân, đất nước lên trên hết, trước hết và phát huy được sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng cho mình thế và lực mới để hướng đến trở thành một đô thị phát triển năng động trong khu vực. Thuận lợi hơn nữa, khi sắp tới thành phố Đà Nẵng sẽ được mở rộng quy mô, dư địa phát triển, là cơ hội để xây dựng Đà Nẵng hiện đại, thông minh, an bình và đáng sống./.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/1087102/thanh-pho-da-nang-gan-nghien-cuu-ly-luan-va-tong-ket-thuc-tien%2C-chuan-bi-dieu-kien-de-cung-ca-nuoc-vung-buoc-tien-vao-ky-nguyen-phat-trien-moi.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm