Ông Phạm Thy Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Trao đổi tại Họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính (chiều 2/7), Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Phạm Thy Hùng cho biết, Nghị định 180/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có hiệu lực ngay từ thời điểm ký ban hành, trong đó quy định các hình thức hợp tác công tư được quy định. Cụ thể như: Đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (như hợp đồng BOT, BTO, BTL, O&M, BT…); các hình thức liên doanh liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; các hình thức hợp tác công tư khác như: Hợp tác theo hình thức tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hợp tác 3 nhà.
Nghị định đã xác định loại hình công nghệ, sản phẩm theo hướng ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng số, đồng thời có quy định mở để các bên lựa chọn các loại hình, sản phẩm khác phù hợp với định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đồng thời, quy định các chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư có tính đặc thù, vượt trội nhằm khuyến khích khu vực tư tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ như: Hỗ trợ nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, chia sẻ rủi ro, miễn nộp khoản doanh thu tối thiểu trong hoạt động liên doanh, liên kết.
Trình tự, thủ tục thực hiện từng hình thức hợp tác theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục, đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý thực hiện các hoat động hợp tác công tư cũng được Nghị định quy định cụ thể.
Ngay trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ ngành, tập đoàn công nghệ nghiên cứu chuẩn bị một số dự án, hoạt động hợp tác công tư để có thể triển khai sau khi Nghị định được ban hành. Đơn cử như Trung tâm ươm tạo, phát triển bán dẫn tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Dự án sử dụng tài sản công để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại NIC Hòa Lạc thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (do NIC, Bộ Tài chính chủ trì thực hiện); xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Hà Nội thực hiện theo hình thức hợp tác 3 bên (do Ban Quản lý dự án công nghệ cao Hòa Lạc, Tập đoàn CMC, Đại học Bách khoa thực hiện)…
Ông Phạm Thy Hùng cũng khẳng định Bộ Tài chính sẽ đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị để giải quyết các bài toán đặt ra về pháp lý, quy trình thủ tục, cũng như hỗ trợ chuyên môn, tư vấn.
Họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính diễn ra chiều 2/7 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Nhiều điểm mới "cởi trói" cho thu hút đầu tư tư nhân thông qua PPP
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024/QH15) đã mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đối với tất cả các lĩnh vực, bãi bỏ quy mô vốn tối thiểu đối với dự án PPP. Đồng thời, áp dụng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP đến 70% tổng mức đầu tư đối với một số nhóm dự án cụ thể.
"Quy định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong thực tiễn, "cởi trói" cho hoạt động thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP ở tất cả các lĩnh vực đầu tư", ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung 8 luật thuộc lĩnh vực tài chính tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên tinh thần tăng cường phân cấp phân quyền, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trung gian không cần thiết, bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi vượt trội cho dự án khoa học công nghệ nói riêng và các dự án thuộc lĩnh vực khác.
Cụ thể là phân cấp tối đa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP; trao quyền cho Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với dự án.
Đồng thời, cắt giảm các thủ tục trung gian hoặc không cần thiết như: Bỏ thủ tục bắt buộc phải thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP, trao quyền cho các cơ quan tự quyết định việc thành lập hoặc không thành lập Hội đồng thẩm định; bỏ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với một số nhóm dự án; bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự; mở rộng trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn đặc biệt, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với dự án PPP...
Đáng chú ý, bổ sung nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho dự án PPP khoa học, công nghệ để đáp ứng chủ trương thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, như: Quy trình thủ tục rút gọn; được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn đặc biệt đối với doanh nghiệp khoa học, công nghệ có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ chiến lược; được hỗ trợ 70% vốn nhà nước để đầu tư xây dựng công trình khoa học, công nghệ; được Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Song song với đó, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc triển khai dự án PPP thời gian qua, bảo đảm nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", như: Không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án PPP; doanh nghiệp dự án PPP được kinh doanh các ngành nghề ngoài phạm vi hợp đồng dự án PPP; xử lý vướng mắc giảm doanh thu của các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ.../.
Minh Ngọc
Nguồn: https://baochinhphu.vn/chinh-sach-uu-dai-vuot-troi-cho-du-an-hop-tac-cong-tu-linh-vuc-khcn-doi-moi-sang-tao-102250702173500109.htm
Bình luận (0)