Quần thể Danh thắng Tràng An là hình mẫu tiêu biểu của thế giới về sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản, đặc biệt là trong phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Trường Huy
Di sản cần được tôn trọng và nuôi dưỡng
Không gian văn hóa của tỉnh Ninh Bình mới được hình thành từ sự sáp nhập có thể xem là một “bảo tàng sống” khổng lồ, nơi giao thoa của các lớp trầm tích văn hóa như: Tràng An, di sản hỗn hợp thế giới duy nhất ở Đông Nam Á; Bái Đính, quần thể tâm linh lớn nhất Việt Nam; nhà thờ đá Phát Diệm cổ kính; khu du lịch Tam Chúc kỳ vĩ, những làng nghề, lễ hội, hát chèo, hát văn, múa rối nước mang đậm hồn cốt Đồng bằng Bắc Bộ.
Tất cả không chỉ là chứng tích của quá khứ, mà là “sinh thể sống”, cần được bảo tồn, nuôi dưỡng để có thể tự tái tạo giá trị và đóng góp trở lại cho cộng đồng. Như lời GS.TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: “Di sản không phải là bảo tàng. Di sản phải sống cùng người dân, phải sinh lời, không chỉ về kinh tế mà cả về tinh thần, nhân cách, môi trường xã hội”. Đây chính là quan điểm cốt lõi của tư duy phát triển mới: Tôn trọng tuyệt đối tính nguyên gốc, tính toàn vẹn và sự hiện tồn của di sản. Di sản không được đối xử như một “hàng hóa du lịch” mà cần là điểm khởi nguồn để định hình chiến lược phát triển toàn diện về văn hóa, sinh thái, đô thị và du lịch của tỉnh mới.
Từ thực tế công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để tạo nền tảng phát triển bền vững ở Ninh Bình, có thể thấy Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những minh chứng điển hình nhất cho việc tích hợp thành công giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế du lịch. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014, Tràng An từng bước chứng minh rằng, nếu bảo tồn tốt, di sản hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gia tăng thực sự.
Theo số liệu từ Sở Du lịch Ninh Bình, chỉ riêng năm 2024, Tràng An đã đón gần 4 triệu lượt khách, đóng góp đáng kể cho thu ngân sách địa phương và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động vùng ven di sản. Tuy nhiên, thành công không đến từ việc “khai thác” thuần túy, mà từ chính quy hoạch bài bản, kiểm soát chặt chẽ lượng khách, đầu tư vào đào tạo hướng dẫn viên, bảo vệ môi trường sinh thái, và đặc biệt là gắn kết cộng đồng địa phương trong chuỗi giá trị du lịch.
Cũng nằm trong hành lang văn hóa, tâm linh liên tỉnh, khu du lịch Tam Chúc với quy mô rộng hơn 5.000ha, là một trong những khu du lịch tâm linh lớn nhất Đông Nam Á. Trong những năm qua, Tam Chúc cũng khai thác các giá trị của cảnh quan tự nhiên và đồng thuận của cộng đồng dân cư để phát triển du lịch một cách bài bản, mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng việc phát triển du lịch dựa trên khai thác thiên nhiên hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi nếu như chúng ta đầu tư một cách ồ ạt cơ sở hạ tầng để khai thác du lịch. Ông cảnh báo: “Mọi sự can thiệp vào cơ thể di tích cần được tính toán trên cơ sở khoa học, dựa vào ‘khả năng chống chịu’ của tự nhiên. Những khu vực có địa tầng đá vôi, rừng đặc dụng hoặc vùng đệm sinh thái rất nhạy cảm, nếu khai thác không đúng cách có thể dẫn đến suy giảm hệ sinh thái không thể phục hồi”.
Từ cảnh báo này, Ninh Bình đã có hướng đi bền vững để khai thác du lịch. Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: “Chúng tôi không đặt mục tiêu tăng trưởng du lịch bằng mọi giá. Mục tiêu cao nhất là gìn giữ hệ sinh thái đá vôi, rừng nguyên sinh, hệ thống hang động, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương từ chính việc bảo vệ di sản. Nếu người dân coi trọng và tự hào với di sản, họ sẽ trở thành lực lượng bảo vệ hiệu quả nhất”.
Vấn đề cấp thiết được đặt ra cho tỉnh hiện nay là phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá “ngưỡng chịu đựng” của từng thể khu di sản, kết hợp với việc phân vùng chức năng, hạn chế xây dựng bê tông hóa trong lõi di sản, và đặc biệt phải chú ý đến các tác động lâu dài của biến đổi khí hậu như hạn hán, sạt lở, xâm thực mặn lên cấu trúc tự nhiên, văn hóa của di sản.
Biến di sản thành động lực của kinh tế sáng tạo
Trong không gian hành chính mới, các cụm di sản không nên chỉ đóng vai trò là điểm du lịch mà cần trở thành hạt nhân cho phát triển kinh tế văn hóa, sáng tạo. Điều này đòi hỏi tỉnh cần sớm cần triển khai một hệ thống giải pháp toàn diện, liên ngành, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề xuất: Trước hết, phải xây dựng chiến lược phát triển di sản cấp tỉnh gắn với quy hoạch tổng thể không gian kinh tế-xã hội. Việc tích hợp bảo tồn di sản vào quy hoạch đô thị, du lịch, công nghiệp phải trở thành nguyên tắc bắt buộc. Với các vùng có mật độ di sản dày đặc và tính liên kết cao như hành lang Tràng An-Bái ĐínhTam Chúc-Phủ Dầy, cần ban hành quy chế quản lý thống nhất, tránh tình trạng phát triển manh mún, xâm lấn vùng lõi di sản. Những bài học thành công từ mô hình quản lý vùng đệm ở Tràng An có thể áp dụng cho các địa bàn tương tự, như giới hạn xe cơ giới, kiểm soát lưu lượng du khách, hoặc quy định mật độ xây dựng ở vùng cảnh quan tự nhiên.
Cùng với đó, công tác bảo tồn cần được triển khai trên cơ sở khoa học và có sự tham gia thực chất của cộng đồng. Việc lập hồ sơ đánh giá “ngưỡng chịu đựng” của từng loại hình di sản, đặc biệt là các di sản có cấu trúc địa hình nhạy cảm như núi đá vôi, hang động, rừng đặc dụng, là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, cộng đồng dân cư địa phương phải trở thành chủ thể trong bảo tồn, không chỉ bằng lời kêu gọi mà bằng cơ chế sinh kế cụ thể.
Đồng thời, cần chuyển dịch từ “khai thác du lịch đơn thuần” sang “kinh tế sáng tạo dựa trên di sản”. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển các sản phẩm sáng tạo như phim ảnh, game lịch sử, sản phẩm thủ công, thời trang truyền thống... dựa trên chất liệu văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào số hóa di sản, xây dựng bảo tàng ảo, mô hình trải nghiệm thực tế ảo, giúp mở rộng khả năng tiếp cận di sản cho đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế. Những tuyến du lịch văn hóa liên tỉnh như “Ba kinh đô cổ” (Hoa LưThiên Trường-Đền Lý Quốc Sư) hay “Tam giác tâm linh” (Tam Chúc-Bái Đính -Phủ Dầy) cần được quy hoạch bài bản và truyền thông rộng rãi để định hình sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc vùng.
Bên cạnh đó, giáo dục và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Việc đưa nội dung giáo dục di sản vào trường học, tổ chức các tuần lễ di sản, các festival văn hóa, sáng tạo sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và tự hào hơn với giá trị quê hương. Song song, cần xây dựng một thương hiệu du lịch văn hóa mạnh mẽ, chẳng hạn như “Di sản ngàn năm - Giá trị muôn đời” được truyền thông xuyên suốt trên các nền tảng số, kết nối cộng đồng cư dân số với bản sắc địa phương một cách tự nhiên.
Như vậy, việc phát huy giá trị di sản trong không gian hành chính mới không chỉ là nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, mà còn là trách nhiệm gìn giữ bản sắc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Sự độc đáo của Tràng An, sự thanh tịnh của Bái Đính, sự linh thiêng của Phủ Dầy, sự mộc mạc của các làng nghề… là những thành tố không thể thay thế, góp phần tạo nên vị thế mềm của quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam từng nhấn mạnh: “Chúng ta có thể học được mọi kỹ thuật tiên tiến, có thể xây nhà cao tầng, nhưng không thể học được bản sắc văn hóa. Di sản chính là căn cước phát triển của đất nước”. Do đó, trong quy hoạch phát triển tỉnh mới, cần đưa chiến lược phát triển từ di sản trở thành nội dung trụ cột, song hành cùng các chiến lược phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, dịch vụ. Sự phát triển chỉ thật sự bền vững khi được cắm rễ vào cội nguồn văn hóa.
Không gian mới sau sáp nhập tỉnh không chỉ là sự mở rộng về địa lý, mà quan trọng hơn, là sự thống nhất về tầm nhìn phát triển, trong đó di sản giữ vai trò nền móng và động lực. Nếu biết khai thác đúng cách, mỗi di sản, hang động, đình làng, một lễ hội... đều có thể trở thành điểm xuất phát cho những ý tưởng sáng tạo, những chuỗi giá trị văn hóa, kinh tế, và thậm chí, cả chính sách phát triển bền vững.
Nguyễn Thơm
Nguồn:https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-trong-khong-gian-hanh-chinh-moi-nen-145271.htm
Bình luận (0)