Với quyết tâm bám đất, bám làng, anh Hà Văn Tiêu, xã Đầm Hà đã lựa chọn con đường gắn bó với quê nhà, tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu thủy sản phong phú để phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương. Năm 2018, anh Tiêu thành lập HTX Thương mại và chế biến thực phẩm Khánh Đan với hai dòng sản phẩm chủ lực là chả cá và chả mực. Trung bình mỗi tháng, HTX này cung ứng ra thị trường 3-4 tấn hàng hóa, phủ sóng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Anh Tiêu cho biết: Hiện HTX Khánh Đan đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, đang trong lộ trình nâng cấp lên OCOP 4 sao. HTX cũng đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Sự quyết tâm về làm giàu từ sản phẩm nông nghiệp cũng đã đưa anh Tiêu đến với giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Đây là giải thưởng cao quý tôn vinh những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Lựa chọn con đường gắn bó với nông nghiệp địa phương cũng là hướng đi của chàng thanh niên dân tộc Tày Trần Đăng Hạnh, xã Tiên Yên. Khi chương trình xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn huyện, sản phẩm chủ lực gà Tiên Yên ngày càng được biết đến nhiều hơn thì anh Hạnh cũng quyết tâm gắn bó với sản vật tiềm năng này.
Anh Hạnh cho biết, năm 2017, tôi bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên trên diện tích vườn đồi 2ha của gia đình. Quá trình chăn nuôi tôi luôn chú trọng kiểm soát chất lượng từ khâu chọn giống đến vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt là bổ sung các loại thảo dược như quế, hồi, xuyến chi vào khẩu phần ăn, giúp gà tăng sức đề kháng, ít mắc bệnh và giữ được hương vị đặc trưng. Tôi cũng vận động bà con chăn nuôi trên địa bàn thành lập hợp tác xã để cùng phát triển bền vững lấy tên là HTX Chăn nuôi gà Tiên Yên. Hiện HTX đang quản lý sản xuất trên 45 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, với quy mô trung bình khoảng 4.000 con/hộ.
Những năm gần đây, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ngày càng phát triển sôi nổi, tạo tính lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó, giúp thanh niên phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Đáng chú ý, trong quá trình gắn bó với nông nghiệp, nhiều thanh niên nông thôn đã có nhiều đột phá, đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng hiện đại.
Như anh Vũ Đức Tuấn, phường Hà An, từ một kỹ sư tin học nhưng với niềm đam mê với nông nghiệp, năm 2019, anh Tuấn đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, con giống… phát triển mô hình nuôi tôm thương phẩm. Đặc biệt, vận dụng những kiến thức có được, anh Tuấn đã nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thành công ứng dụng quản lý trang trại Farmgo, tối ưu hoá quy trình sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Nhờ đó, ứng dụng này không chỉ mang lại hiệu quả cho trang trại chăn nuôi của anh với lợi nhuận đạt từ 1,5-1,7 tỷ đồng mỗi năm, mà còn được áp dụng tại nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sự nỗ lực của các tầng lớp thanh niên, những năm qua, Hội Liên hiệp thanh niên và Tỉnh Đoàn cũng luôn quan tâm, chú trọng và đồng hành, hỗ trợ cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với nhiều chương trình, hoạt động khích lệ hiệu quả. Các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ đoàn viên, thanh niên xây dựng các dự án mới, vay vốn để phát triển kinh tế; duy trì hình thức góp vốn xoay vòng không tính lãi trong đoàn viên, thanh niên.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/chu-dong-lam-giau-dung-xay-que-huong-3364827.html
Bình luận (0)