Không chỉ tự tin vào trình độ chế biến sâu, doanh nghiệp tôm Việt Nam còn luôn chủ động xây dựng kịch bản, chiến lược chuyển hướng thị trường để không bị gián đoạn sản xuất, kinh doanh.
Lợi thế từ chế biến sâu
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng các hợp đồng có thời hạn giao hàng từ tháng 4-6 theo yêu cầu của phía đối tác, một số doanh nghiệp còn dự báo, sẽ có một đợt gom hàng mạnh trong 90 ngày hoãn thuế đối ứng này. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra và nếu có đi chăng nữa thì doanh nghiệp cũng khó lòng mà thực hiện được. Nguyên nhân là do thời gian vận chuyển từ Việt Nam đến Mỹ mất khoảng 38-45 ngày, nên doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40-45 ngày để thu mua, chế biến (tính từ ngày quyết định hoãn thuế có hiệu lực). Ðây là khoảng thời gian khá ngắn, cộng thêm nguồn tôm dự trữ ít, còn nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước cũng không nhiều (do vụ nuôi đầu năm khó khăn), giá tôm trong nước tăng cao.
Cạnh tranh tại thị trường Mỹ rất gay gắt, bởi đây là thị trường có biên lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các thị trường. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Sao Ta, Mỹ vẫn là một thị trường có quy mô tiêu thụ rất lớn. Chính vì dung lượng lớn, nên có độ dung sai giá cao - nghĩa là nếu sản phẩm của mình chất lượng hơn, có thể giá cao hơn 10% vẫn bán được. Bởi vậy, các doanh nghiệp vẫn luôn cố gắng duy trì, giữ vững thị trường này, nhằm ổn định sản xuất, giữ chân lao động, duy trì doanh thu, chủ động về dòng tiền cũng như giữ nhịp thị trường.
Theo nhận định của doanh nghiệp, vấn đề chính là mức thuế đối ứng cuối cùng giữa Việt Nam và đối thủ chênh lệch như thế nào, chứ không phải là thuế cao hay thấp. Ví dụ như, nếu mức thuế cuối cùng của Việt Nam là 23% và mức thuế dành cho các nước xuất khẩu tôm lớn khác (Ecuador, Ấn Ðộ, Indonesia…) là 20%, thì con tôm Việt Nam vẫn còn cơ hội cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Còn trong trường hợp mức thuế 46% được giữ nguyên đối với tôm Việt Nam trong khi các đối thủ xoay quanh mức 20% thì coi như doanh nghiệp Việt Nam mình phải “tạm dừng cuộc chơi” tại thị trường Mỹ.
Lý giải thêm về vấn đề trên, theo các doanh nghiệp, tôm của Ấn Ðộ hay Ecuador tuy giá rẻ nhưng họ chủ yếu xuất thô, vì thiếu lao động, thiếu công nghệ chế biến sâu. Trong khi đó, các doanh nghiệp tôm Việt Nam đều đầu tư mạnh vào chế biến sâu, đủ tiêu chuẩn xuất vào các hệ thống phân phối cao cấp tại Mỹ, giá trị cao. Cũng theo các doanh nghiệp, dù tỷ suất lợi nhuận ở thị trường Mỹ là không cao, nhưng một khi mất thị trường này, chắc chắn doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ giảm sút. Ðây là điều mà doanh nghiệp không hề mong muốn, nhưng các kịch bản, phương án cho tình huống buộc phải rời bỏ thị trường Mỹ vẫn phải được chuẩn bị một cách chu đáo để không phải bị động.
Tự tin chuyển hướng thị trường
Kể từ khi con tôm Việt Nam vướng vào vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường Mỹ và nhất là sau khó khăn về cước vận chuyển do tác động từ dịch COVID-19, xung đột quân sự… hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đều xây dựng cho mình chiến lược cùng các kịch bản, phương án chuyển hướng thị trường, nên một khi buộc phải rút khỏi thị trường Mỹ, thì họ cũng không phải quá lo lắng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thừa nhận, việc điều chỉnh kế hoạch doanh số, lợi nhuận năm 2025 gần như là điều phải làm, nhưng quan trọng hơn là việc tìm hướng đi mới, thị trường mới, trong đó việc tập trung khai thác tốt lợi thế từ những thị trường đã có FTA với Việt Nam.
Tại Ðại hội cổ đông thường niên mới đây, khi trả lời câu hỏi của cổ đông về tình huống buộc phải rời khỏi thị trường Mỹ, lãnh đạo Sao Ta cho biết, kịch bản không có thị trường Mỹ đã được chuẩn bị từ 5 năm trước, nên chắc chắn sẽ không bị động nhiều. Theo đó, nếu không thể tiếp tục xuất sang Mỹ, Sao Ta sẽ tăng cường thâm nhập các thị trường khác, như: Canada, Úc, Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản, nơi mà họ đang có thế mạnh so với các đối thủ. Lãnh đạo Sao Ta cũng khẳng định rằng, việc mở rộng thị trường không phải bây giờ mới làm, mà đã thực hiện từ nhiều năm trước. Vì vậy, thời gian để tiếp cận thị trường mới nhìn chung sẽ không quá lâu, thậm chí chỉ trong năm nay đã có thể triển khai được.
Sở dĩ lãnh đạo Sao Ta tự tin là nhờ họ có lợi thế quen biết nhiều đối tác từ trước, được đối tác tin tưởng mình và sẵn sàng mở rộng nhập khẩu nếu Sao Ta chủ động cung ứng. Không những thế, theo lãnh đạo Sao Ta, trong nhiều trường hợp, họ sẵn sàng hỗ trợ giá để mở đầu, rồi đối tác phát triển lâu dài. Như vậy, chi phí tiếp cận thị trường mới là có, nhưng không đến mức quá lớn hay không kiểm soát được. “Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các thị trường mới như Canada và Úc, vốn có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe, nhưng nhờ vùng nuôi tốt, chúng tôi tự tin sẽ đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng đang có tiềm năng tăng sản lượng” - ông Lực cho biết thêm.
Thời gian vẫn còn để các doanh nghiệp đề ra đối sách phù hợp cho mục tiêu trước mắt và chuẩn bị các bước tiếp theo cho một chiến lược lâu dài. Hy vọng, mọi thứ vẫn có thể nằm ở mức chấp nhận được như kỳ vọng của doanh nghiệp để ngành tôm đủ sức vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ
Nguồn: https://baocantho.com.vn/chu-dong-va-tu-tin-a186682.html
Bình luận (0)