Huyện Bảo Lâm nổi tiếng với nhiều vườn bơ 034 được chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP |
Hiện nay, huyện Bảo Lâm có 64 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm được chứng nhận như: bơ 034, sầu riêng, cà phê, dứa, mắc ca, chuối Laba, rau, cà chua, măng cụt, nấm mèo, rượu gạo, mật ong, nước cốt gừng, nghệ, rau khí canh…
Khi mới được thành lập, huyện Bảo Lâm thuộc huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng, kinh tế nông nghiệp chiếm hơn 90% tỷ trọng nền kinh tế của huyện. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính độc canh, chủ yếu dựa vào hai giống cây chủ lực là chè và cà phê nhưng hầu hết là các giống cây cũ, năng suất chất lượng kém. Với lợi thế về đất đai, nguồn nước và khí hậu phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản chủ lực như: chè, cà phê và cây ăn quả; trong thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Đến nay, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp theo giá so sánh 2010 (giai đoạn 1994 - 2025) tăng 9,42%; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt nhiều kết quả tích cực; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất có bước tiến mạnh mẽ, nhiều mô hình sản xuất đã được áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng với trên 9.000 ha.
Cùng với đó, các sản phẩm OCOP địa phương được thị trường trong và ngoài nước biết đến, điển hình như cà phê Got Coffee Hương vị Bá tước, cà phê hạt pha máy của Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông tại Thôn 12, xã Lộc Thành; cà phê Hoàng Gia của hộ gia đình Lương Thị Vinh tại Thôn 5, xã B'Lá; cà phê bột Lek Coffee của hộ gia đình Ka Nhụy tại Thôn 15, xã Lộc Thành; cà phê Robusta rang mộc của hộ kinh doanh Organic Tea and Coffee Đồi Mây tại Thôn 4, xã Lộc Tân… Đặc biệt, thương hiệu Got Coffe của Công ty Nguyên Phúc Nông đã được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2023”.
Hiện nay, sầu riêng đã và đang mang lại thu nhập tiền tỷ cho người dân địa phương, nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP như: sầu riêng Long Thủy của Công ty TNHH Thương mại sản xuất Long Thủy tại Thôn 6, xã Lộc An; sầu riêng K'Thiện của hộ kinh doanh K’Thiện tại thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo; sầu riêng Thái Anh Khôi của hộ kinh doanh Anh Khôi, Thôn 4, xã Lộc Bắc; sầu riêng Ông Cậy của hộ ông Nguyễn Văn Cậy, Thôn 3, Lộc Đức; sầu riêng Hải Sơn của hộ kinh doanh Hải Sơn, Thôn 3, xã Lộc Bảo…
Nhắc đến Bảo Lâm thì hẳn ai cũng biết đó là vùng trồng bơ lớn của tỉnh Lâm Đồng. Có nhiều sản phẩm bơ nổi tiếng như bơ LĐ 034 Bình Minh của Hợp tác xã (HTX) Bình Minh tại Thôn 12, Lộc Ngãi; Bơ Booth7 của HTX Nông sản sạch Thương mại dịch vụ Lộc An tại Thôn 6, xã Lộc An; bơ LĐ 034 ông Thọ của hộ kinh doanh Phùng Quang Thọ, Thôn 12, xã Lộc Phú… Hiện, đang vào mùa thu hoạch bơ, theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện thì diện tích bơ địa phương khoảng 1.256 ha, trong đó khoảng 500 ha trồng thuần, khoảng 756 ha trồng xen, năng suất bơ ước đạt 130 tạ/ha; sản lượng bơ các loại đạt tổng 13.500 tấn. Năm nay tuy sản lượng giảm nhưng giá tăng đã giúp nhiều nông dân có thêm nguồn thu nhập.
Một điểm mới trong Chương trình OCOP ở Bảo Lâm chính là sự thành công của rau khí canh như: rau bồ công anh, rau xà lách Tiến Vua của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nông sản khí canh Việt Nam tại Thôn 6, xã Lộc Nam đã được chứng nhận OCOP 3 sao; bí đao khí canh, dưa leo khí canh của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Rau sạch khí canh Việt Nam tại Thôn 12, xã Lộc Thành đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Để có được nguồn rau sạch cung cấp ra thị trường và tạo điểm tham quan, hướng dẫn trực tiếp cho mọi người, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nông sản khí canh Việt Nam đã đầu tư xây dựng 4 vườn rau tại hai địa phương. Tại xã Lộc Thành, xây dựng 2 vườn trên diện tích đất sản xuất của gia đình anh Phạm Thế Tuấn; còn ở xã Lộc Nam được xây dựng 2 vườn trên diện tích đất sản xuất của gia đình anh Đinh Công Tráng. Mỗi vườn rau có trên 200 trụ, với diện tích khoảng 2.000 m2, chủ yếu là rau xà lách. Theo anh Tráng, công ty muốn chọn cây xà lách để tạo thương hiệu và tạo ấn tượng cho người tiêu dùng, bởi rau xà lách được trồng theo kỹ thuật khí canh có vị ngon, ngọt mang đậm chất riêng. Hiện, trung bình thu 10 kg/trụ/vụ 25 ngày. Tính ra, mỗi tháng anh Tuấn và anh Tráng thu được 1 tấn xà lách, với giá bán 35.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bảo Lâm cho biết: Phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm OCOP cũng gặp một số khó khăn như các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế; khách hàng vẫn chưa hiểu thấu đáo về sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp thường… Chính vì vậy, để Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hằng năm, huyện Bảo Lâm đã đưa nội dung của chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để chỉ đạo thực hiện. Lồng ghép triển khai các nội dung chương trình trong các cuộc họp thường kỳ và các hội nghị liên ngành của huyện nhằm tuyên truyền về Chương trình OCOP đến tất cả các cấp, các ngành, các xã, thị trấn và Nhân dân hiểu, biết về chương trình để tích cực tham gia thực hiện.
Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/bao-lam-nang-tam-thuong-hieu-san-pham-ocop-dd97e74/
Bình luận (0)