Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chùa Hang - Vẻ đẹp huyền bí giữa lòng núi

Giữa trùng điệp núi rừng, chùa Hang hiện lên như nốt trầm tĩnh lặng, khơi gợi bao tò mò về vẻ đẹp huyền bí, ẩn sâu trong lòng đá. Vẻ linh thiêng và nét huyền diệu đã biến hang đá này trở thành nơi tu hành, điểm dừng chân quen thuộc của nhiều thế hệ.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên24/05/2025

Theo Đại Nam nhất thống chí, trong một nhánh núi thuộc dãy Trường Sơn đâm ra biển, tại thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, H.Phù Mỹ (Bình Định) có một khối núi đá mang tên Lí Thạch. Giữa lưng chừng núi là danh thắng Thạch Cốc tự (chùa Hang Đá), sau này còn được gọi là Thiên Sanh Thạch Tự (chùa Đá Trời Sinh). Tuy nhiên, dân gian quen gọi nơi đây là chùa Hang.

Chùa Hang - Vẻ đẹp huyền bí giữa lòng núi- Ảnh 1.

Chùa Hang ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, H.Phù Mỹ

ẢNH: HẢI PHONG

Được gọi là chùa vì có sư trụ trì và bàn thờ Phật được đặt trang trọng giữa hang, nhưng thực chất chùa Hang là danh thắng thiên tạo, một hang động có sẵn từ ngàn xưa, sau này được người xưa lựa chọn làm nơi tu hành.

CHỐN LINH THIÊNG GIỮA ĐÁ TRỜI

Núi Lí Thạch nằm giữa vùng đồng ruộng bao la, xen lẫn những vườn cây xanh mướt. Men theo con đường quanh co, khúc khuỷu, được tạo nên từ những bậc đá nhấp nhô tự nhiên, du khách sẽ đến một khoảng sân nhỏ không bằng phẳng lắm, nằm lưng chừng núi, chính là cửa hang. Hang quay mặt về hướng đông. Ngay trên vòm cửa là một tảng đá lớn cong cong như mu rùa, mặt dưới phẳng, dày gần 2 m, dài hơn 10 m, nhô ra phía trước 5 - 6 m, tạo thành mái che tự nhiên.

Cũng theo Đại Nam nhất thống chí, chùa Hang có 15 "bàn đá" hình vuông, mỗi bàn đều có bậc đá. Phía trên hang có một lỗ thông ra sườn núi, phía dưới có lối đi đến chùa Bắc Hộ. Bước sâu vào lòng hang, không gian mở ra với chiều rộng khoảng 5 m và chiều sâu chừng 20 m, tạo cảm giác vừa kỳ vĩ vừa tĩnh lặng. Bàn thờ Phật được đặt trang trọng giữa hang, khiến không gian nơi đây trở thành một Phật đường thâm nghiêm.

Phía trước bàn thờ có một nhánh hang nhỏ thông xuống phía dưới. Dân gian truyền rằng nhánh hang này ăn thông ra biển. Người địa phương kể lại từng có người thả một quả dừa khô được khắc dấu vào nhánh hang, sau đó quả dừa trôi ra mép biển, như một minh chứng cho lời truyền miệng ấy.

Chùa Hang - Vẻ đẹp huyền bí giữa lòng núi- Ảnh 2.

Du khách đến chùa Hang thắp hương cầu bình an

ẢNH: HẢI PHONG

Ở phía sau bàn thờ, đường hang càng vào sâu càng hẹp, đến đoạn chỉ vừa một người lách qua thì thông lên đỉnh núi. Muốn thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ, có thể trèo lên mái đá trước cửa hang để phóng tầm mắt ra bốn phía: núi đá nhấp nhô, ruộng đồng bát ngát, biển cả mênh mông, trời đất bao la.

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi vượt qua những dốc đá quanh co để đến được tảng đá lớn, mái che tự nhiên của chùa Hang. Từ vị trí này, nằm lưng chừng núi, có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thiên nhiên phía dưới.

Trong hang có hai lối: một đường lên núi, một đường xuống biển, đều gợi cảm giác kỳ lạ. Nhưng muốn "đăng sơn thưởng ngoạn" thì phải ra ngoài hang, trèo lên tảng đá hình mu rùa để nhìn ngắm bốn bề.

KHAI SƠN DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN ?

Theo đại đức Thích Nhuận Tín, trụ trì chùa Hang, truyền thuyết dân gian cho rằng chùa được khai sơn từ năm 1613, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Tuy nhiên, hiện chưa có cứ liệu lịch sử xác thực cho mốc thời gian này. Các tài liệu ghi chép chính thức chỉ xác định chùa có mặt rõ ràng vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Năm 1896, sư Trà Ban về trụ trì. Ông là người tinh thông kinh chú, giỏi y thuật. Trong thời gian hành đạo, sư Trà Ban từng đi lại các vùng lân cận để trị bệnh cứu người, đồng thời thu thập thông tin, hỗ trợ nghĩa quân Trần Cao Vân trong thời kỳ dùng vùng núi Bình Định - Phú Yên làm căn cứ chống thực dân Pháp.

Về lịch sử hình thành và phát triển chùa Hang, theo đại đức Thích Nhuận Tín, từ năm 1896 - 1968, chùa do các vị trụ trì như sư Trà Ban, sư Nguyên Lượng (dân gian gọi là ngài Thiên Sanh), sư Giác Lượng và thầy Tư Hồ đảm nhiệm. Giai đoạn từ 1968 - 2010, chùa do mẹ con bà Tư trông nom, hương khói.

Đến tháng 8.2010, đại đức Thích Nhuận Tín được bổ nhiệm trụ trì chùa. Từ đây, chùa Hang bắt đầu được xây dựng thêm nhiều công trình dưới chân núi nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương cũng như du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh.

Cùng với hồ Hội Khánh xanh thẳm, đèo Truông Gia Vấn uốn lượn giữa rừng và các di tích lịch sử vùng Mỹ Hòa, chùa Hang đang dần hiện lên như một điểm nhấn tâm linh độc đáo trong bức tranh du lịch sinh thái - văn hóa của H.Phù Mỹ.

Theo ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ, địa phương đã quy hoạch phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và khám phá ngắn ngày quanh khu vực hồ Hội Khánh, một không gian tự nhiên rộng gần 70 ha. Trong định hướng này, các điểm đến như chùa Hang, di tích về nhà yêu nước Bùi Điền, núi Hòn Chè - Bệnh xá nữ (căn cứ kháng chiến của Khu 5 xưa) sẽ được kết nối thành một "vành đai di sản" vùng tây Phù Mỹ.

"Chúng tôi kỳ vọng xã Mỹ Hòa sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa của huyện, nơi du khách vừa thưởng ngoạn thiên nhiên nguyên sơ, vừa được lắng nghe những câu chuyện lịch sử in dấu trong từng vách đá, mỗi mái chùa", ông Lịch chia sẻ. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/chua-hang-ve-dep-huyen-bi-giua-long-nui-185250523233229396.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm