Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chứng khoán khởi sắc sau khi Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng mạnh trong phiên hôm qua, sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cắt giảm đáng kể thuế quan trong vòng ít nhất 90 ngày, tạm thời “hãm phanh” cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng13/05/2025

Chứng khoán khởi sắc sau khi Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại
Chứng khoán khởi sắc sau khi Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại

Tạm dừng nhưng bất ổn vẫn còn

Lệnh đình chiến tạm thời này được cho là vẫn chưa giải quyết được những bất đồng cốt lõi dẫn đến căng thẳng thương mại, bao gồm vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng như yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Bắc Kinh phải hành động quyết liệt hơn nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng fentanyl tại Mỹ.

Trong khi các nhà đầu tư hoan nghênh thỏa thuận này, cộng đồng doanh nghiệp vẫn bày tỏ mong muốn có thêm thông tin rõ ràng.

Theo thỏa thuận, trong ba tháng tới, Mỹ sẽ hạ mức thuế bổ sung áp đặt vào tháng trước đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%. Đáp lại, Trung Quốc cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%.

Bên cạnh việc giảm thuế, phía Trung Quốc cũng đồng ý gỡ bỏ các biện pháp đối phó xuất khẩu ban hành sau ngày 2/4, bao gồm hạn chế đối với đất hiếm và nam châm - các mặt hàng có vai trò thiết yếu trong ngành sản xuất công nghệ cao, theo đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer trả lời phỏng vấn Fox News.

Thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tích cực trước sự "giảm nhiệt" trong cuộc xung đột thương mại đã khiến khoảng 600 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương bị đình trệ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dẫn đến làn sóng cắt giảm việc làm.

Sau thông tin này, các chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa với mức tăng mạnh, S&P 500 ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 3/3, trong khi Nasdaq Composite đạt đỉnh kể từ ngày 28/2. Đồng USD tăng giá, trong khi giá vàng giảm nhẹ sau thông tin trên, phản ánh tâm lý bớt lo ngại về tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại, dù vẫn chưa hoàn toàn yên tâm.

Tổng thống Trump và các đồng minh ca ngợi thỏa thuận là bằng chứng cho thấy chiến lược áp thuế mạnh tay của ông đang phát huy hiệu quả, sau khi Mỹ lần lượt đạt được các thỏa thuận sơ bộ với Anh và nay là với Trung Quốc.

“Họ đã đồng ý "mở cửa" và tôi nghĩ điều đó sẽ rất tuyệt vời cho cả Trung Quốc và chúng ta, đồng thời cũng có lợi cho hòa bình và hợp tác”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận lần này có giải quyết được các mất cân đối thương mại nghiêm trọng đã làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ hay không. Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent - người đàm phán thỏa thuận này trong cuộc gặp với các đối tác Trung Quốc cuối tuần qua tại Geneva - cũng thừa nhận rằng sẽ mất nhiều năm để tái cấu trúc mối quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vẫn kiên định với các nguyên tắc cốt lõi, nhưng đã mở đường cho sự hợp tác lớn hơn với Mỹ, một sự thay đổi rõ rệt so với giọng điệu cứng rắn của họ chỉ một tuần trước đó.

“Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có nền tảng vững chắc, tiềm năng to lớn và không gian rộng mở”, đài truyền hình trung ương CCTV nhận định trong một bài bình luận.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã nhấn mạnh cam kết xử lý các thực tiễn thương mại bất công và phục hồi năng lực sản xuất trong nước. Ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tầng lớp lao động tại các bang công nghiệp như Michigan và Pennsylvania, những nơi từng mất hàng trăm nghìn việc làm trong ngành sản xuất suốt nhiều thập kỷ.

Tuy vậy, chính sách thuế của ông Trump cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều nhóm lợi ích. Các doanh nghiệp nhỏ và ngành vận tải lo ngại những hệ luỵ tiêu cực, trong khi người tiêu dùng Mỹ thì lo sợ giá cả leo thang.

Chuyên gia Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định chính quyền Trump cần sớm điều chỉnh chính sách nếu không muốn gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ: “Đây hoàn toàn là một bước lùi của phía Mỹ, chứ không phải sự nhượng bộ từ Trung Quốc. Mỹ là bên khởi đầu và leo thang chiến tranh thương mại. Trung Quốc chỉ đáp trả và nay họ chỉ rút lại các biện pháp trả đũa”.

Tuy nhiên, bà Kelly Ann Shaw, luật sư tại Akin Gump Strauss Hauer & Feld, từng là cố vấn thương mại hàng đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cho rằng, Tổng thống đang thực hiện đúng những gì đã cam kết với cử tri.

“Ông ấy đang hành động để xử lý những bất cân đối trong quan hệ thương mại”, bà nói, đồng thời thừa nhận rằng 90 ngày là thời gian quá ngắn để giải quyết các vấn đề phức tạp như rào cản phi thuế quan, bao gồm các khoản trợ cấp cho vốn và lao động.

Cách tiếp cận “lúc cứng, lúc mềm”

Trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại, ông Trump đã áp dụng hàng loạt mức thuế mới với nhiều đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia ông cáo buộc có liên quan đến cuộc khủng hoảng fentanyl tại Mỹ.

Sự bất ổn định trong cách tiếp cận của ông đã khiến thị trường tài chính biến động mạnh và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tín nhiệm trong nước, khi cử tri Mỹ lo ngại giá cả hàng hóa từ đồ chơi đến ô tô đều có thể tăng cao do thuế nhập khẩu.

Hiện các mức thuế còn lại với hàng hóa Trung Quốc vẫn được giữ nguyên, chồng lên các mức thuế cũ. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp thuế 25% với nhiều mặt hàng công nghiệp từ Trung Quốc, và mức thấp hơn với một số hàng tiêu dùng.

Thỏa thuận lần này không điều chỉnh các mức thuế đó, cũng không thay đổi các loại thuế 100% với xe điện và 50% với sản phẩm năng lượng mặt trời, do cựu Tổng thống Joe Biden áp dụng.

Các nhà bán lẻ có thể sẽ chờ đợi thêm trước khi điều chỉnh kế hoạch nhập hàng, do mức thuế 30% vẫn đủ để đẩy giá bán lẻ tăng, theo ông Gene Seroka, Giám đốc Cảng Los Angeles - cửa ngõ hàng hải lớn nhất của Mỹ và là điểm đến hàng đầu cho hàng hóa từ Trung Quốc.

Thỏa thuận cũng không khôi phục quy định miễn trừ thuế “de minimis” đối với các đơn hàng thương mại điện tử có giá trị thấp từ Trung Quốc và Hồng Kông, vốn bị chính quyền Trump bãi bỏ từ ngày 2/5.

Tuy vậy, mức cắt giảm thuế lần này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 80% mà ông Trump từng đề xuất hồi tuần trước, khiến giới phân tích bất ngờ.

Các đại diện ngành logistics cho biết việc tạm giảm thuế có thể thúc đẩy các công ty nối lại hoạt động giao hàng khi thuế còn thấp, nhưng sự bất định về thỏa thuận cuối cùng có thể khiến doanh nghiệp dè dặt trong việc tăng mạnh khối lượng nhập khẩu.

Đồng chủ tịch hãng điện tử gia dụng Abt Electronics tại Chicago, Mike Abt cho biết công ty đang dần tiêu thụ lượng hàng tồn kho đã tích trữ trước khi thuế được áp dụng.

“Điều mọi người mong đợi là sự nhất quán và đó chính là điều khó nhất trong toàn bộ câu chuyện này”, ông nói và thêm rằng: “Nó thay đổi liên tục, giống như trò chơi Risk vậy, bạn không bao giờ biết nước đi đúng là gì”.

Với nội bộ chính quyền, thỏa thuận tạm thời lần này được coi là thắng lợi cho ông Bessent, người đã từng đề xuất lệnh đình chiến 90 ngày để tạo không gian đàm phán.

“Cả hai phái đoàn đều thống nhất rằng không bên nào mong muốn chia rẽ. Chúng tôi đều hướng tới một cán cân thương mại lành mạnh hơn, và cả hai bên cam kết đạt được điều đó”, ông Bessent cho biết sau cuộc đàm phán tại Geneva.

Ông Bessent cũng tiết lộ với truyền thông Mỹ rằng hai bên vẫn chưa ấn định lịch họp tiếp theo, nhưng đều sẵn sàng nối lại đàm phán.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-khoi-sac-sau-khi-my-trung-dat-thoa-thuan-thuong-mai-164058.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm