Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chương trình 1719 hỗ trợ sinh kế vùng dân tộc thiểu số xã Quảng Sơn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), giai đoạn 2021–2025, xã Quảng Sơn, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa sinh kế người dân.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng18/07/2025

Hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho người dân

Giai đoạn 2021 - 2025, xã Quảng Sơn được phân bổ tổng vốn hơn 3,1 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 3 (Chương trình 1719). Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hơn 2,9 tỷ đồng và ngân sách địa phương đối ứng gần 200 triệu đồng. Đến nay, xã đã giải ngân gần 3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 90% tổng vốn được giao.

Xã Quảng Sơn đã chủ động lựa chọn, triển khai, hỗ trợ các mô hình thiết thực, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.

Năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình 1719, xã Quảng Sơn đã triển khai xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất: Tái canh cà phê, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi dê... Đây là những mô hình điểm nhằm đánh giá hiệu quả, tính khả thi trước khi mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các hộ dân trong năm tiếp theo. Sau quá trình triển khai, các mô hình bước đầu đã mang lại tín hiệu tích cực: Người dân hứng thú tham gia, chủ động tiếp cận kỹ thuật, chăm sóc vật nuôi, cây trồng đúng quy trình. Một số hộ đã bắt đầu có thu nhập từ các mô hình này, khẳng định sự đúng đắn trong việc lựa chọn hình thức hỗ trợ sát thực tế và phù hợp nguyện vọng người dân.

464406461_3952443691652912_1049244100363206611_n.jpg

Năm 2024, địa phương triển khai mô hình trồng thử nghiệm 5 sào cây ngưu tất, một loại dược liệu quý tại bon Phi Glê, xã Quảng Sơn. Ảnh: Lãnh đạo xã hướng dẫn người dân trồng dược liệu.

Năm 2024, xã Quảng Sơn mở rộng quy mô với tổng cộng 10 mô hình sản xuất được triển khai. Trong đó, 5 mô hình nuôi gà thương phẩm và 5 mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Đây là hai loại vật nuôi phổ biến, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu và tập quán chăn nuôi của người dân Quảng Sơn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, địa phương còn triển khai mô hình trồng thử nghiệm 5 sào cây ngưu tất, một loại dược liệu quý tại bon Phi Glê, xã Quảng Sơn. Sau này phát triển tốt sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động dân tộc thiểu số tại địa phương.

Đến nay, Quảng Sơn có 112 hộ dân được thụ hưởng từ các mô hình này. Trong đó, có 44 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo, 49 hộ mới thoát nghèo và 86 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Thay vì chỉ đơn thuần cấp con giống, các hộ dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, phòng chống dịch bệnh và kết nối đầu ra sản phẩm.

464369918_3952443698319578_8762177673140116694_n.jpg

Năm 2024, địa phương triển khai mô hình trồng thử nghiệm 5 sào cây ngưu tất, một loại dược liệu quý tại bon Phi Glê

Hướng đến phát triển bền vững

Hiệu quả bước đầu của các mô hình hỗ trợ sản xuất ở xã Quảng Sơn không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị H’Yong, dân tộc M’nông, bon R’Long Phe chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng mì, làm rẫy, thu nhập bấp bênh. Năm 2024 được Nhà nước hỗ trợ 5 con dê giống, hướng dẫn cách làm chuồng, chăm sóc, tôi rất mừng. Đến nay, đàn dê phát triển tốt và đã sinh con, nâng tổng đàn dê của gia đình lên 10 con. Ngoài bán dê thịt, tôi còn tận dụng được nguồn phân dê để bón cây trồng”.

b7a641e4e463523d0b723.jpg

Làm chuồng cao ráo, chăn nuôi tốt nên đàn dê của chị H’Yong, dân tộc M’nông ở bon R’Long Phe đang phát triển tốt

Tương tự, anh K’Tớp ở bon N’Ting cho biết: "Gia đình anh và hơn 10 hộ dân khác trong bon được hỗ trợ mô hình trồng dâu nuôi tằm. Mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà nuôi tằm; được hỗ trợ cây dâu, tằm giống; được hướng dẫn kỹ thuật… Đến nay, anh đã biết cách trồng dâu, nuôi tằm đúng kỹ thuật. Bình quân mỗi lứa, gia đình anh nuôi 1 hộp tằm giống. Một tháng nuôi 2 lứa, sau khi trừ chi phí, anh có thu nhập khoảng 20 triệu đồng”.

0a31f03696cd209379dc.jpg

Được hỗ trợ cây, con giống, tiền làm nhà nuôi tằm, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, anh K'Tớp, dân tộc M'nông ở bon N'Ting có thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ nuôi tằm

Theo anh K’Bang, Trưởng nhóm nuôi dê của bon R’Long Phe, trong năm 2024, Chương trình 1719 đã hỗ trợ 50 con dê giống cho 10 hộ gia đình khó khăn trong bon. Các hộ gia đình này đã thành lập nhóm chăn nuôi dê. Khi được hỗ trợ dê giống, các thành viên đều rất vui, làm chuồng trại chăn nuôi cẩn thận. Đến nay, đang phát triển tốt và đã sinh sản, nâng tổng số đàn của nhóm lên 80 con.

Chuyển biến tích cực trong nhận thức, kết hợp với việc tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi hiện đại là những yếu tố nền tảng giúp các mô hình không chỉ dừng lại ở hỗ trợ ban đầu, mà còn có cơ hội phát triển bền vững, lâu dài cho cộng đồng.

Có thể nói, Chương trình 1719 đang phát huy hiệu quả rõ rệt tại xã Quảng Sơn. Thông qua các mô hình phát triển sản xuất, không chỉ góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống mà còn tạo ra động lực để đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình.


Nguồn: https://baolamdong.vn/chuong-trinh-1719-ho-tro-sinh-ke-vung-dan-toc-thieu-so-xa-quang-son-382740.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm