Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không phải là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc để ngành Ngân hàng tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới”.

Giảm 50% số lượng khách hàng bị lừa đảo
Căn cứ Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; cùng những kết quả nổi bật trong triển khai Đề án của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), chuyển đổi số được ngành Ngân hàng đặc biệt chú trọng.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Lê Hoàng Chính Quang cho biết, ngành Ngân hàng đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó, riêng năm 2025 dự kiến xây dựng và ban hành 21 thông tư và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số, tiên phong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nghiệp vụ và quản trị; phát triển ngân hàng số và hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt...
Ngành Ngân hàng đã thu được nhiều kết quả tích cực trong phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến nay, đã có 96 tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng trên điện thoại; 63 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy; 19 đơn vị triển khai chính thức ứng dụng VNeID trong mở tài khoản, xác thực giao dịch thanh toán.
Đặc biệt, sau khi làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, áp dụng giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học, số lượng khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%, số lượng tài khoản cá nhân nhận tiền lừa đảo giảm 47% so với cùng kỳ năm 2024. Tính đến ngày 27-6, có hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNeID, đạt 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số; hơn 1,1 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức được đối chiếu thông tin sinh trắc học, đạt hơn 100% tổng số lượng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số.
Không ngừng cạnh tranh áp dụng công nghệ số
Vài năm trở lại đây, các ngân hàng không ngừng cạnh tranh trong việc áp dụng công nghệ số, từ hệ thống thanh toán thông minh, nền tảng ngân hàng số đến việc tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ.
Chẳng hạn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) áp dụng bộ giải pháp online dành cho doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cho biết, không chỉ mở tài khoản bằng phương thức eKYC, VietinBank còn cung cấp giải pháp giải ngân trực tuyến thông qua nền tảng VietinBank eFAST, giúp tối ưu hóa quy trình, mang lại sự tiện lợi cho khách hàng. Chỉ trong gần nửa năm, VietinBank đã thực hiện hơn 87.000 giao dịch giải ngân online với tổng giá trị trên 270.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 36% tổng số giao dịch giải ngân.
Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ngân hàng số đến với người dùng bằng việc thiết kế hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày từ giao dịch tài chính, thanh toán điện nước cho đến thanh toán các dịch vụ công và các giải pháp quản lý tài chính cá nhân được tư vấn bởi AI trên nền tảng BIDV Smartbanking, phục vụ hơn 22 triệu khách hàng…; Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) với mô hình ngân hàng hợp kênh OCB OMNI đã thiết lập thành công một hệ sinh thái số gồm hơn 200 tiện ích, đồng thời liên kết cùng hơn 6.000 cửa hàng bán lẻ, cung cấp đa dạng dịch vụ và ưu đãi giảm giá dành riêng cho khách hàng thanh toán qua nền tảng này. Thời gian xử lý giao dịch trên OCB OMNI chỉ còn khoảng 1-2 giây, nhanh gấp ba lần so với trước. Các dịch vụ số như mở tài khoản eKYC, chuyển tiền quốc tế hay phát hành thẻ tín dụng đều được tự động hóa, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành. Nhờ chiến lược số hóa mạnh mẽ, trong năm 2024, doanh thu từ ngân hàng số của OCB tăng 21%, đóng góp 12% tổng doanh thu dịch vụ.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giới thiệu ứng dụng ngân hàng số thế hệ mới SHB SAHA với công nghệ tiên tiến, giao diện thân thiện và hàng loạt tiện ích thông minh. Theo đó, khách hàng sẽ được trải nghiệm nền tảng ngân hàng hợp kênh (Omni Channel) thông minh với một loạt các dịch vụ số hóa hoàn chỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu tài chính cơ bản hằng ngày mà không cần tới quầy giao dịch. Theo đó, chỉ với vài thao tác chạm tay sau khi đăng ký thành công, người dùng có thể dễ dàng chuyển khoản, nhận tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn… thậm chí mở thẻ quốc tế, vay thấu chi online 24/7...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng có nhận thức và thống nhất cao về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Thời gian tới, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện Chiến lược chuyển đổi số…
Nguồn: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-so-huong-di-tat-yeu-cua-nganh-ngan-hang-708860.html
Bình luận (0)