
Tập sách được chia làm 6 phần với 30 mẩu truyện thú vị dành cho lứa tuổi học sinh, gồm "Chó cưng ở Trường Sa", "Bố mẹ là cây phong ba", "Thiếu nhi ở Trường Sa", "Những năm tháng gian lao", "Tìm ra xứ sở như trong mơ", "Những bãi ngầm và nhà giàn DK1".
Trong đó, ngay phần 1 đúng như tên gọi, gồm những câu chuyện kể về những chú chó được bộ đội ta nuôi dưỡng trên đảo như “con Vàng, Đen, Đốm, Mi Lô... mang nhiều nét đặc trưng” ("Bầy chó và mùi hương ở đảo Cô Lin"). Chúng cũng giống như lính ở đảo, "luôn mong thấy tàu ra thăm” và cùng tham gia canh gác biển trời. Xúc động nhất là: “Ở đảo Trường Sa, biết bao con chó đã từng rơi nước mắt khi tạm biệt những người lính hoàn thành nghĩa vụ, lên tàu trở về đất liền” ("Chó Xù dỗi hờn"). Nếu phần 1 là chuyện kể về những "người bạn" thú cưng của lính đảo, thì hai phần tiếp theo lại là những phản chiếu lấp lánh về tình cảm gia đình, về cuộc sống thiếu nhi trên đảo. Đó là những quan sát, đồng cảm về sự khác biệt trong tình cảm gia đình của những em bé ở Trường Sa so với những đứa trẻ ở đất liền. Trong đó, không thể không nhắc tới câu chuyện về cô bé Thùy (hiện là Thiếu tá Lê Thị Minh Thùy) - con gái của Thiếu tá Lê Đình Thơ - người đã hy sinh trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 ("Nhớ hình bóng bố ở Trường Sa"). Đó cũng là hình ảnh đầy xúc động khi các em nhỏ cùng cha mẹ đến thắp hương trước tấm bia tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma dựng trên đảo Sinh Tồn ("Nơi cha mẹ thắp hương từng ngày")...
Tác giả cũng chia sẻ những trải nghiệm không phải ai cũng tường tận, đó là bộ đồng phục đặc biệt của các cháu “được may cách điệu giống trang phục của lính Hải quân” ("Áo lính đến trường"), hay những tiết mục văn nghệ khi được biểu diễn ở các đơn vị mà “Khán giả là hàng trăm chú bộ đội vỗ tay rất nồng nhiệt” ("Học sinh đều hát hay, múa giỏi"). Các cháu được học lịch sử ngay chung quanh mình, “từ nhà thờ Bác Hồ, bia tưởng niệm liệt sĩ, tảng đá khắc bài thơ "Nam quốc sơn hà", tượng đài Hưng Đạo đại vương” ("Trang sử bên cổng trường...").
Và để giữ cho cuộc sống bình yên nơi đảo xa cũng như nơi vùng biển, vùng trời Tổ quốc, không thể quên "Những năm tháng gian lao" như tên gọi phần 4. Đó là những tháng ngày vượt gió bão xây dựng, tôn tạo đảo giữa sóng dữ trùng khơi. Cuộc sống vất vả, thiếu rau xanh của một thời gian khó. Những ngày dài thiếu nước ngọt “có lúc phải pha nhẹ nước biển vào nấu ăn mà lòng đau như cắt. Nước có vị ngăm ngăm thì nồi cơm không thể chín đều, bữa ăn ai cũng nhìn nhau”. Là kỷ niệm của Thiếu tướng Hoàng Kiềm về những tháng năm gian khó “thiết kế nhà để trấn giữ đảo Thuyền Chài và các đảo chìm khác. Có lần dông bão ập vào bãi bồi đảo Đá Lớn, toàn bộ 70 người lính ôm chặt lấy nhau thành chùm người, trong lúc sóng biển ùa vào và có lúc ngập tới cổ” ("Xây nhà, cắm mốc giữ đảo, bảo vệ Trường Sa")...
Nhưng dữ dội hơn là những dồn nén trong phần cuối cùng của cuốn sách có tên "Những bãi ngầm và Nhà giàn DK1" dẫn dắt độc giả băng qua những bãi ngầm trên đảo, chứng kiến sự chịu đựng, hy sinh của lính nhà giàn. Đó là gương hy sinh “trong tư thế úp mặt và nổi trên mặt biển” của Thuyền phó Phạm Tào và cán bộ Lê Tiến Cường “không tìm được xác” tháng 1-1991 tại khu vực nhà giàn nằm ở bãi Tư chính ("Trụ ở nhà giàn giữa bão tố"). “Sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần khi bão ập đến rạng sáng 5-12-1990, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển...” ("Trên ngôi nhà nghiêng giữa bão tố"). Các em còn biết được sự khác nhau giữa nhà giàn thế hệ cũ (sơn màu xanh) và nhà giàn thế hệ mới (sơn màu vàng) “có sức chịu được siêu bão cấp 15” ("Nhà giàn DK1 thế hệ mới"), hay chuyện tiếp nhận quà Tết bằng dây của lính đảo ("Thả hàng cho Nhà giàn DK1")...
Phát huy những thành công của tác phẩm “Kể chuyện Hoàng Sa” trước đó, bằng ngôn ngữ, lối hành văn trong sáng, giản dị dành cho trẻ nhỏ kèm theo nhiều hình ảnh tư liệu sống động, Lê Văn Chương đã tiếp tục đóng góp vào những trang sách mặn mòi biển đảo những mẩu chuyện ấn tượng, cảm động qua “Một chuyến du hành ra Trường Sa và Nhà giàn DK1”.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ke-chuyen-truong-sa-va-nha-gian-dk1-708881.html
Bình luận (0)