Chuyển đổi số ngân hàng: Từ tư duy công nghệ đến bài toán nhân lực
(Chinhphu.vn) - Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng không còn là xu hướng, mà là đòi hỏi bắt buộc. Tuy nhiên, để “số hóa” hiệu quả, bài toán lớn không nằm ở công nghệ, mà chính là con người - nguồn lực quyết định thành bại của mọi cuộc cách mạng số.
Báo Chính Phủ•16/07/2025
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/HT
Ngân hàng tái cấu trúc nhân sự, nâng cấp hạ tầng công nghệ
Tại Diễn đàn Nhân lực ngành Ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề "Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chia sẻ: Chỉ trong một ứng dụng ngân hàng, người dùng có thể không chỉ giao dịch tài chính mà còn thực hiện nhiều tiện ích khác như đặt vé máy bay, tra cứu phương thức di chuyển, thanh toán hóa đơn... Điều này thể hiện mức độ kết nối, tích hợp giữa ngân hàng và các lĩnh vực khác như vận tải, du lịch, thương mại... đang ở mức rất cao.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đang thích nghi nhanh chóng với sự xuất hiện và ứng dụng mạnh mẽ của các công nghệ mới như tài sản ảo, hợp đồng thông minh, chữ ký điện tử… Những công nghệ này từng bước thay đổi thói quen và phương pháp xử lý nghiệp vụ trong toàn hệ thống ngân hàng.
Không chỉ đổi mới ở góc độ dịch vụ, các ngân hàng hiện nay còn xác định rủi ro công nghệ thông tin là một rủi ro trọng yếu, tương đương với rủi ro tín dụng. Từ đó, nhiều ngân hàng đã xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro công nghệ riêng biệt. Trong bối cảnh rủi ro không gian mạng ngày càng tinh vi và phức tạp, cách tiếp cận quản lý rủi ro công nghệ đòi hỏi tư duy mới, tập trung cao độ vào việc bảo đảm an ninh và an toàn thông tin. Điều này buộc ngành Ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh và linh hoạt.
Do đó, người làm ngân hàng trong giai đoạn hiện nay không chỉ cần am hiểu nghiệp vụ truyền thống mà còn phải thành thạo kỹ năng công nghệ. 2 kỹ năng này cần song hành để có thể thiết kế và triển khai quy trình nghiệp vụ số. Ngân hàng nào không đáp ứng được yêu cầu này sẽ gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh chuyển đổi số, từ đó từng bước hình thành một lực lượng nhân sự mới cho toàn ngành.
Từ những thay đổi đó, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng cũng được ưu tiên đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hiện xử lý bình quân khoảng 820 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Trong khi đó, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử ghi nhận khoảng 26 triệu giao dịch mỗi ngày.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có gần 87% người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng. Giá trị giao dịch không dùng tiền mặt hiện nay đã gấp 25 lần GDP. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2025, giao dịch không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó giao dịch qua mã QR tăng hơn 78% về số lượng và tăng hơn 216% về giá trị. Đáng chú ý, hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản hiện nay đều đã được thực hiện trên nền tảng số, với tỷ lệ số hóa giao dịch ở nhiều ngân hàng đạt mức 95%.
Bên cạnh đó, nhiều nghiệp vụ quan trọng như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở tài khoản, phát hành thẻ, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa hoàn toàn. Nhờ đó, hệ sinh thái số và thanh toán số của ngành Ngân hàng đã được thiết lập, tạo kết nối chặt chẽ với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, từ đó mang lại trải nghiệm liền mạch, thuận tiện cho khách hàng.
Diễn đàn Nhân lực ngành Ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề "Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực" - Ảnh: VGP/HT
Giải bài toán nhân lực công nghệ - thách thức lớn trong chuyển đổi số
Dù đạt được những kết quả tích cực, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định "chưa bao giờ ngành Ngân hàng khát nhân lực công nghệ như hiện nay".
Áp lực càng gia tăng khi các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain và điện toán đám mây (Cloud) đang làm thay đổi toàn diện phương thức vận hành của các ngân hàng. Ví dụ, công nghệ blockchain thay đổi cách lưu trữ dữ liệu, tăng cường bảo mật, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành. Trong khi đó, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) đã thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, nhân viên kiểm soát nội bộ hay thẩm định tín dụng.
Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia sẻ thẳng thắn rằng chuyển đổi số trong tổ chức không còn chỉ là câu chuyện của riêng bộ phận IT, mà đã được tích hợp sâu vào mọi hoạt động nghiệp vụ.
"Trước đây, công nghệ là một nhóm tách biệt, hỗ trợ cài đặt, sửa máy tính. Giờ đây, đó là kỹ năng mà mọi nhân sự đều cần", đại diện VPBank cho biết.
Trong 5 năm trở lại đây, VPBank đã thay đổi mạnh mẽ trong cách sử dụng và phát triển nhân sự có năng lực công nghệ. Nếu trước đây các vị trí tuyển dụng chú trọng vào kinh nghiệm ngành, thì hiện nay, bên cạnh chuyên môn, khả năng sử dụng công cụ số để tối ưu hóa công việc là yêu cầu bắt buộc. Thay vì cần đến 10 người, giờ đây, một người làm chủ công cụ cũng có thể đảm đương khối lượng công việc lớn hơn.
Không chỉ thay đổi trong mô hình tổ chức, VPBank cũng mở rộng tuyển dụng sang nhiều nguồn nhân lực khác, không giới hạn ở các trường tài chính - ngân hàng truyền thống. Các bạn trẻ am hiểu AI, mạng xã hội, kỹ năng số được trao cơ hội để làm mới bộ máy, bổ sung "luồng gió mới" thay vì chỉ tuyển từ hệ thống ngân hàng cũ.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu - Ảnh: VGP/HT
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không thể kỳ vọng công nghệ là ‘liều thuốc vạn năng’". Theo ông Hiếu, dù công nghệ hỗ trợ kiểm soát rủi ro tốt hơn, nhưng rủi ro cũng ngày càng tinh vi, đặc biệt là về an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu, lừa đảo số, do đó, dù vậy, AI chưa thể thay thế con người trong ít nhất 10 năm tới.
TS Đặng Ngọc Đức cho rằng, nguồn nhân lực công nghệ - tài chính tại Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng. Ví dụ, chuyện mở ngành Fintech ở Việt Nam là một ví dụ điển hình. Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dù bắt đầu xây dựng từ năm 2018, đến nay chương trình vẫn rất "lận đận". Một trong những rào cản chính là yêu cầu có 5 tiến sĩ đúng chuyên ngành, điều gần như bất khả thi với một lĩnh vực còn mới như Fintech.
Bên cạnh đó, khó khăn trong tuyển sinh cũng rất lớn, xã hội chưa hiểu đầy đủ giá trị của ngành nghề mới, học phí cao do phải mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy, sinh viên phải học gấp rút bằng tiếng Anh… Tất cả khiến các chương trình đào tạo Fintech thực sự khó tiếp cận với đông đảo người học.
Ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối CNTT của LPBank - Ảnh: VGP/HT
Còn ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối CNTT của LPBank chia sẻ, cuối năm 2024 ngân hàng này đã triển khai chương trình "tinh gọn" - rút gọn từ 18 khối xuống còn 8 khối, sáp nhập toàn bộ các bộ phận công nghệ, dữ liệu, ngân hàng số… nhằm tối ưu hiệu quả vận hành.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng: Vấn đề cốt lõi không phải là công nghệ, mà là hạ tầng xã hội, pháp lý và tư duy tổ chức. Ông Đức lấy ví dụ về việc trải nghiệm xe Tesla tại Mỹ: dù công nghệ lái tự động rất tiên tiến, nhưng nếu áp dụng ở Việt Nam - nơi hạ tầng và ý thức giao thông còn chưa cao, sẽ gây nguy hiểm. Chuyển đổi số ngân hàng cũng vậy, nếu chỉ nhập khẩu công nghệ mà thiếu nền tảng xã hội phù hợp, hiệu quả sẽ rất thấp.
Một thách thức lớn khác là nhân lực. "Chúng tôi luôn thiếu người, việc tuyển đã khó, giữ chân người giỏi còn khó hơn", ông Đức chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "AI, blockchain không còn là xu hướng, mà là nền tảng của một thời đại mới". Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng, quyết định then chốt vẫn là con người. "Nhật Bản, Hàn Quốc thành công không phải vì tài nguyên, thể chế hay văn hóa, mà vì họ thu hút và trân trọng nhân tài", ông Nghĩa nhấn mạnh. Ông Nghĩa đề xuất Việt Nam cần có chương trình học bổng Fintech, xây dựng các phòng lab thực hành AI, blockchain, đồng thời nới lỏng rào cản mở ngành đào tạo mới.
Bình luận (0)