Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyên gia: Mỹ giảm đáng kể thuế đối ứng với hàng Việt Nam là tín hiệu lạc quan

Theo chuyên gia, dù chưa có công bố chính thức nhưng việc ông Donald Trump nói sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa của Việt Nam là tín hiệu lạc quan.

VTC NewsVTC News03/07/2025


TS. Bùi Kiến Thành nhận định, dù chưa có công bố chính thức về mức thuế đối ứng nhưng thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra đêm qua (2/7) cùng tuyên bố của ông Trump sau đó đã là những tín hiệu rất tích cực và lạc quan đối với nền kinh tế của cả hai nước.

"Ngay cả với thông tin chưa được xác nhận là Mỹ sẽ áp khung thuế 20% thì vẫn giúp hàng hóa Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh với nhiều nước khác. Tất nhiên chúng ta vẫn cần chờ những thông tin chính xác cũng như mức thuế cụ thể mà Mỹ áp cho từng quốc gia", ông Thành nói.

Ông phân tích thêm: Đối với mức thuế khác nếu có cao hơn dành cho hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam thì vấn đề mấu chốt là cần chờ thông tin cụ thể, cách định nghĩa và quy định chi tiết thế nào là hàng hóa trung chuyển, cũng như giải pháp của Việt Nam để đàm phán với Mỹ nhằm giảm thiểu tác động.

Từ những phân tích trên, ông Thành nhận định rằng có nhiều tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước, thúc đẩy Việt Nam gia tăng hàng hoá sản xuất trong nước, hạn chế các mặt hàng tạm nhập, tái xuất từ nước thứ ba.

"Chúng ta nên tập trung vào những mặt hàng có tiềm năng để gia tăng sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có khoáng sản, đất hiếm…”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nêu ý kiến.

Tổng thống Mỹ cho biết sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tổng thống Mỹ cho biết sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tương tự, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần HALCOM Việt Nam cũng cho rằng, sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và phát biểu của ông Donald Trump, chúng ta đã thấy những tín hiệu lạc quan rõ rệt. Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước thống nhất tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về khuôn khổ hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó xe ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định, Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.

"Nếu thông tin mức thuế 20% là đúng thì đó mới chỉ là mức trung bình, còn mỗi mặt hàng sẽ được áp mức khác nhau. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng nhiều mặt hàng bị áp thuế thấp hơn trước và đó là một tín hiệu tốt cho Việt Nam”, ông Huân nhận xét.

Ông Huân cũng cho rằng việc chúng ta cũng đã mở toang cửa để đón những mặt hàng của Mỹ vào với mức thuế rất ưu đãi cũng sẽ có lợi là giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng mua hàng Mỹ giá rẻ hơn.

Cơ hội để Việt Nam gia tăng sản xuất

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa tài chính - Ngân hàng (Đại học Nguyễn Trãi), phân tích: Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư Việt Nam Tô Lâm cho thấy sự đồng thuận chiến lược về hợp tác thương mại song phương, giữa bối cảnh Mỹ điều chỉnh lại hệ thống thuế quan toàn cầu.

"Đây là kết quả quan trọng và kịp thời, mang tính chiến lược, thể hiện một sự phân biệt tích cực khi Mỹ đang công nhận Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy, sẵn sàng dành mức thuế phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Đây chính là khung chính sách mới đầy cơ hội, đồng thời là lời cảnh báo chiến lược Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa để giữ vững niềm tin và nâng cấp hệ sinh thái sản xuất - xuất khẩu quốc gia", ông Huy nói.

Theo ông Huy, mức thuế 20% nếu được áp thì đã thấp hơn rất nhiều so với mức 46% trước kia Mỹ công bố và cũng thấp hơn mức 40% đang được cho là sẽ áp với hàng hóa trung chuyển. Điều này cho thấy Việt Nam được đánh giá là có nền tảng sản xuất thật, chuỗi giá trị thật, không phải “trạm quá cảnh” cho các nước khác tìm cách lách thuế Mỹ.

"Đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò một trung tâm sản xuất độc lập và có chủ quyền công nghệ, không để bị đánh đồng với các quốc gia bị áp thuế trừng phạt", ông Huy nhấn mạnh.

Để nắm bắt được cơ hội này, ông Huy cho rằng, doanh nghiệp Việt cần nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc và tỷ lệ nội địa hóa. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải minh bạch toàn bộ chuỗi cung ứng, xây dựng năng lực kiểm soát và chứng minh xuất xứ Việt Nam thực chất.

Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu sống còn để tránh rủi ro bị áp thuế 40% do vi phạm quy tắc xuất xứ. Doanh cần chủ động quyết liệt trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa và gắn với tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao thương hiệu.

Ngoài ra, theo ông Huy, Chính phủ cần đồng hành, tiếp tục đàm phán giảm sâu thuế. Mức thuế 20% là bước đầu, nhưng còn dư địa để đàm phán tiếp nhằm đưa về mức tương đồng với các FTA ưu đãi.

"Thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam - Mỹ cho thấy Việt Nam cần phát triển bằng chính nội lực của mình, bằng năng lực sản xuất thực sự, chứ không phải thông qua ngả rẽ trung chuyển.

Đây là cơ hội lịch sử để chuyển đổi mô hình phát triển, nhưng nếu không cải cách mạnh mẽ, nâng cấp năng lực và đa dạng hóa thị trường, Việt Nam có thể rơi vào thế bị động, rủi ro.

Ngược lại, nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới - nơi “Made in Vietnam” không chỉ là một nhãn hàng, mà là một cam kết về chất lượng, minh bạch và trách nhiệm toàn cầu", ông Huy nhấn mạnh.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro phụ thuộc. Mặc dù Mỹ đang là thị trường tiềm năng, doanh nghiệp không được phép phụ thuộc vào một quốc gia.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động mở rộng sang các thị trường FTA như EU (EVFTA), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông… để phân tán rủi ro địa chính trị và tận dụng đồng thời nhiều ưu đãi thương mại.

Ông Huy cũng kỳ vọng thỏa thuận giữa hai nước sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam ổn định tâm lý, yên tâm duy trì các đơn hàng hiện có, tránh gián đoạn chuỗi cung ứng. "Mức thuế 20% tuy chưa phải là thấp nhưng khi so với các đối thủ bị đánh thuế 40%, thì doanh nghiệp Việt vẫn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt", ông Huy nói.

Đồng thời, thoả thuận sẽ thúc đẩy FDI chiến lược vào sản xuất thực tại Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ siết chặt chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia sẽ chọn Việt Nam làm cứ điểm đầu tư trực tiếp, để tận dụng mức thuế thấp hơn và đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ.

PHẠM DUY – NGUYỄN YẾN

Nguồn: https://vtcnews.vn/chuyen-gia-my-giam-dang-ke-thue-doi-ung-voi-hang-viet-nam-la-tin-hieu-lac-quan-ar952451.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm