Giai thoại buồn trong ngày vinh quy bái tổ
Nguyễn Quang Tán sinh năm 1502, người làng Như Nguyệt, nay thuộc xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu (1529) và làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Ông được cử đi sứ 3 lần sang Trung Hoa vào các năm 1530, 1534 và 1540.
Theo các giai thoại còn lưu lại, cha của Nguyễn Quang Tán là người làng Mai Thượng (nay thuộc huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đến làm thợ rèn tại làng Như Nguyệt rồi kết duyên với mẹ ông người làng này. Là con nhà nghèo lại là dân ngụ cư, nhưng thầy đồ thấy thông minh nên Nguyễn Quang Tán vẫn được nhận vào lớp. Lớn lên, noi gương các tiến sĩ đã thành danh trong làng, ông quyết chí học hành và đi thi.
Khoa thi năm 1529, thời nhà Mạc, ông tham gia ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Sửu (1529) ghi rằng: Ngày 18 tháng 2, Hoàng thượng ngự ở hiên điện, đích thân ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Sai Đề điệu là Thái bảo Diệm quốc công Mạc Kim Phiêu, Binh bộ thượng thư Khánh Khê hầu Mạc Ninh Chỉ cùng các quan hữu ti chia giữ các việc.
Hôm sau, quan Độc quyển là Lễ bộ thượng thư Đông các Đại học sĩ Văn Đàm bá Nguyễn Thanh, Lại bộ thượng thư Quốc Tử Giám Tế tửu Bỉnh Lễ bá Đinh Trinh dâng quyển đọc. Hoàng thượng xem xét, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Đỗ Tông 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Vân Quang 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày 24 tháng 2, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai gọi loa xướng tên người đỗ. Bộ Lại ban ân mệnh, bộ Lễ rước bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học… Bọn thần kính vâng mệnh sáng, chúc mừng cho nền tư văn, cung kính cúi đầu rập đầu dâng lời rằng: "Khí chân nguyên hòa hợp thì hào kiệt xuất hiện trong thiên hạ, vua sáng tôi hiền gặp gỡ, cơ trời cảm ứng, há phải chuyện tình cờ… Từ đời Hán đến Đường, Tống cùng là các bậc anh minh của nước Việt ta đều lấy việc đó làm bậc thang cho hào kiệt tiến thân…
Kẻ sĩ được gặp gỡ vua thánh anh minh, gội nhuần giáo hóa, dự vào hạng anh hùng, bước vào đường vinh hiển, lại được nêu họ tên lâu dài trên bia đá, há chẳng vẻ vang may mắn lắm sao? Vậy nên mang đội ơn sâu, dốc lòng thực tiễn, lấy trung liêm dồi tiết cứng, lấy lễ nghĩa làm phép thường, giữ lòng thẳng thắn, chẳng lệch chẳng xiên, làm nên sự nghiệp lớn lao bền vững...”.
Sau lễ nhận mũ áo tiền bạc, Nguyễn Quang Tán vội trở về làng để làm lễ vinh quy. Nhưng khi về đến nơi ông liền bị một số người làng gièm pha và ngăn cản. Buồn chán, ông sang làng bên có tên là làng Xà và xin tá túc (nay là thôn Đông, xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh).
Rất may là làng này chưa có ai đỗ cao như vậy nên ông được dân làng đón tiếp hết sức nhiệt tình. Không những thế họ còn cho ông vào ngôi đình thiêng của làng để làm lễ theo quy định của triều đình lúc bấy giờ. Tương truyền xưa kia sau khi đánh thắng quân Tống ở trận Bình Lỗ (gần cửa sông Cà Lồ), Lê Đại Hành đã cho quân sĩ đến đây ăn mừng. Để ghi nhớ sự kiện này, dân làng đã đặt tên cho ngôi đình là Đình Mừng, đến nay vẫn còn dấu tích.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán rất cảm động và xin phép cho chuyển cả gia quyến đến đây sinh sống. Được dân làng giúp đỡ, ông nhanh chóng sắp xếp chỗ ăn ở cho gia quyến rồi vội về kinh nhận chức quan.
Khoa thi năm 1529, thời nhà Mạc, Nguyễn Quang Tán tham gia ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Đem "Nam quốc sơn hà” về với nhà Lê
Giai đoạn đầu nhà Mạc đã đưa ra nhiều cải cách tiến bộ cho đất nước, tuy nhiên Mạc Đăng Dung vẫn mang tiếng là bề tôi giết vua cướp ngôi. Cùng với lý do này và việc không chấp nhận hình ảnh vua Mạc tự trói mình quỳ lạy trước mạc phủ của quân Minh ở trấn Nam Quan vào tháng 11 năm 1540. Nhiều hào kiệt và nho sĩ nhà Mạc đã chạy về với nhà Lê trung hưng vào năm 1563, trong đó có Nguyễn Quang Tán và cùng đi với ông còn có cả bài thơ "Nam quốc sơn hà”.
"Nam quốc sơn hà” là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Cả hai lần bài thơ này đều phát tích từ mảnh đất của làng Xà, lần thứ nhất là năm 981 ở cửa sông Cà Lồ (theo truyện "Hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt”), lần thứ hai là năm 1077 ở đền Trương tướng quân (theo Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn về Lý Nhân Tông).
Các nghiên cứu cho biết, làng Xà cũng là quê hương của hậu duệ vua Lê Trung Tông (Tiền Lê). Cách đây hơn 1.000 năm, sau chính biến năm 1005 ở Hoa Lư, dòng họ này đã trốn chạy về cửa sông Cà Lồ, rồi thay tên đổi họ qua nhiều thế kỷ. Trong khoảng thời gian trên bài thơ "Nam quốc sơn hà” cũng được giấu kín và chỉ được truyền miệng trong nhân dân mà không ai nhìn thấy một văn bản nào.
Mãi đến khi những khúc mắc trong lich sử được vua Trần Minh Tông gỡ bỏ thì bài thơ "Nam quốc sơn hà” mới xuất hiện trong sách "Việt điện u linh”. Tuy nhiên khi đó truyện Trương Hống, Trương Hát vẫn phải tách làm 2 phần, phần truyền thuyết và phần bài thơ. Phần bài thơ chỉ là sự chép nối tiếp sau khi truyền thuyết đã kết thúc và cung cấp rất ít thông tin về trận Như Nguyệt.
Dụng cụ ép dầu tại đền thờ ông tổ ép dầu Nguyễn Quang Tán.
Đến năm 1554, dưới thời Lê Trung Tông (Hậu Lê) thì bài thơ "Nam quốc sơn hà” lại xuất hiện. Nhưng lần này bài thơ được gắn với bối cảnh cụ thể của trận đánh Tống ở vùng cửa sông Cà Lồ do chính Lê Đại Hành chỉ huy. Tuy nhiên có một điều ngạc nhiên là bài thơ này phát tích ở quê hương của hậu duệ vua Lê Trung Tông (Tiền Lê) nhưng lại xuất hiện bằng văn bản dưới triều Lê Trung Tông (Hậu Lê) đúng vào thời điểm diễn ra kỳ thi Chế ở Vạn Lại (Thanh Hóa).
Qua đó có thể đoán tài liệu này đã được nhà Lê trung hưng sử dụng và cho phổ biến rộng rãi đúng vào năm 1554. Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt muốn ca ngợi tinh thần "trung với vua cũ, thà chết không theo vua mới” của hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát nên có tác dụng rất tốt cho việc kêu gọi các hào kiệt và nhân sĩ từ bỏ nhà Mạc mà về với nhà Lê.
Giới nghiên cứu cũng xác định rằng, để đem bài thơ "Nam quốc sơn hà” về cho nhà Lê trung hưng phải có người am hiểu bài thơ này, có quan hệ rộng rãi với giới nho sĩ vùng Thăng Long, người đó còn phải hiểu tường tận vùng cửa sông Cà Lồ và muốn hướng về nhà Lê.
Theo một số nghiên cứu, thì sau khi truyền nghề thành công, dân làng nhận thấy Nguyễn Quang Tán thường vắng mặt ở làng Xà một thời gian khá dài. Mãi đến đầu năm 1563 ông mới trở về và đón vợ con đi hẳn. Từ đó có thể đoán rằng Nguyễn Quang Tán cũng là một trong những người đã đem bài thơ "Nam quốc sơn hà” vào cho nhà Lê trung hưng.
Nhà Mạc đã có công rất lớn trong việc đào tạo con người, trong vòng 65 năm trị vì (1527 - 1592) đã tổ chức được 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ và 13 trạng nguyên. Trong cùng thời gian đó, nhà Lê trung hưng chỉ tổ chức được 7 khoa thi, lấy đỗ 45 tiến sĩ.
Như vậy, số lượng khoa thi của nhà Lê chỉ bằng 1/3 nhà Mạc, số tiến sĩ chỉ bằng 1/11. Tuy nhiên, nhờ việc nêu cao ngọn cờ độc lập trong đó có việc phổ biến rộng rãi bài thơ "Nam quốc sơn hà”, nên nhà Lê trung hưng đã thu hút được nhiều nhân tài, từng bước giành lại vị trí chính thống, đủ sức đánh bại nhà Mạc và sau này phát triển thành một triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam với 256 năm (1533 - 1789). Công này có phần của Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán.
Bia đá khắc bài thơ thần "Nam quốc sơn hà” bản chữ Hán tại đền Xà, xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh).
Đi sứ Bắc quốc, học được nghề ép dầu
Các tư liệu lịch sử cũng khẳng định, Nguyễn Quang Tán làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Ông được cử đi sứ 3 lần sang Trung Hoa. Nhờ có các hoạt động ngoại giao liên tiếp như vậy nên nhà Mạc đã giữ được biên giới phía Bắc hòa bình suốt thời gian chiến tranh Nam - Bắc triều.
Các cuộc đi sứ của sứ thần nhà Mạc thường kéo dài hàng năm trời, phần do đường sá xa xôi phần phải chờ đợi rất lâu ở dịch quán. Các sứ thần phải hết sức nhẫn nại và nhiều lúc phải chịu nhục thay cho nhà vua. Những lúc rảnh rỗi, Nguyễn Quang Tán thường ra ngoại ô, làm quen với cuộc sống của người dân Trung Hoa lúc bấy giờ.
Với vốn kiến thức nghề rèn thủ công mà cha ông để lại, Nguyễn Quang Tán đã nhanh chóng phát hiện ra những điều mới lạ ở các làng nghề gần đó. Thế là ông dùng hết thời gian còn lại để tìm hiểu, nghiên cứu và học cho được một cái nghề - đó là ép dầu. Sau khi về nước, ông đã chuyển giao cách thức cho dân làng Xà, nơi đã cưu mang gia đình ông.
Đến năm 1538, ông đã cơ bản truyền nghề ép dầu cho dân làng thành công. Nhờ có nghề ép dầu, kinh tế làng Xà phát triển suốt 400 năm, trở thành một làng giàu có thịnh vượng vào hàng bậc nhất trong vùng. Vì thế, làng Xà còn được mang tên là xã Hương La (có nghĩa là tiếng thơm) và được chọn làm huyện lỵ của huyện Yên Phong trong khoảng thời gian khá dài.
Làng nghề ép dầu do Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán tạo dựng đã tồn tại, phát triển suốt từ năm 1538 - 1945. Nhớ ơn ông, dân làng đã dựng đền thờ và tôn ông là Thánh Sư. Trong gian thờ chính còn lưu lại 4 chữ "Sơn Lộc đại phu” nghĩa là một bậc đại trượng phu to như núi. Hàng năm, vào ngày 12 tháng 2 âm lịch dân làng vẫn đến dâng hương tại đền thờ Thánh Sư, có năm còn mở hội tôn vinh ông.
Đền thờ ông tổ nghề ép dầu - Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán được xây dựng vào thời Lê (cuối thế kỷ 16) trong quần thể di tích đình, chùa của làng. Đền có kết cấu kiểu chữ Nhị, gồm 2 tòa: Tiền đường 3 gian 2 dĩ kiểu bình đầu bít đốc, cột trụ lồng đèn; Hậu đường 3 gian. Kết cấu vì nóc gian giữa tòa Hậu đường kiểu "thượng con chồng trụ đấu kê, câu đầu, hạ kẻ chuyền”. Trên các con chồng, câu đầu, kẻ soi gờ chỉ, chạm hoa lá cách điệu, mang phong cách thời Nguyễn. Hiện nay, đền còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý: Tượng thờ, ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối thời Nguyễn, Bát hương thế kỷ 18 đỉnh hương, bộ Bát bửu thế kỷ 20…
Vào dịp lễ hội, có nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa như: Đánh cờ, chọi gà, đấu vật, hát quan họ… để tôn vinh ông tổ nghề ép dầu. Du khách đến lễ hội sẽ được đón tiếp nồng hậu, bởi theo quan niệm của người dân làng Xà "nhà nào có nhiều khách đến chơi thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn và tài lộc”. Sự đón tiếp ấy cũng thể hiện và tái hiện việc dân làng Xà đã tiếp nhận gia đình Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán khi không được quê hương chấp nhận trong quá khứ khi vinh quy bái tổ.
(Theo Giáo dục & Thời đại)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/16/349174/Chuyen-hoc-xua-va-nay-Ong-to-nghe-ep-dau.aspx
Bình luận (0)