Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ hội cho OCOP

- Thời gian qua, trước hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng... bị các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng chuyển sang lựa chọn các loại nông sản, thực phẩm chế biến rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là ưu tiên sử dụng các sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Báo Lạng SơnBáo Lạng Sơn04/07/2025



Người dân mua sắm sản phẩm OCOP  tại Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường Lương Văn Tri

Người dân mua sắm sản phẩm OCOP tại Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường Lương Văn Tri


Thực hiện các công điện, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ; qua đó, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Đáng nói, trong đó có nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng với số lượng lớn.

Đơn cử, ngày 23/5/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Chi cục QLTT tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn và Đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Trần Tiến Tuấn, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (nay là xã Hoàng Văn Thụ). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ trên 1,2 tấn thực phẩm các loại sản xuất ngoài Việt Nam và thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các vụ việc trên khi được phát hiện, xử lý đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong xu hướng mua sắm của người dân. Bà Hoàng Thị Huyền, phường Đông Kinh cho biết: Trước đây khi đi mua sắm, tôi thường không để ý nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Gần đây, khi thấy nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả bị phát hiện khiến tôi rất hoang mang và bức xúc. Vì vậy, hiện nay khi đi mua sắm, tôi đặc biệt quan tâm, chú trọng lựa chọn các loại sản phẩm đến từ các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Theo đó, tôi ưu tiên chọn mua những sản phẩm OCOP của tỉnh, bởi đây đều là các sản phẩm được cấp, ngành của tỉnh cấp chứng nhận và có ghi rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng.... 

Không chỉ bà Huyền, theo đánh giá của cơ quan chức năng, NTD trên địa bàn tỉnh đều đang cẩn trọng hơn trong việc mua sắm và có tâm lý ưu tiên sử dụng các mặt hàng có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Từ đó đã mở ra cơ hội để các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh khẳng định chất lượng, tiếp cận nhiều NTD hơn và tăng doanh thu.

Anh Dương Hữu Điện, chủ cơ sở sản xuất khô heo mắc mật, xã Vũ Lăng cho biết: Khoảng 2 tháng trở lại đây, sản phẩm OCOP khô heo mắc mật của tôi khá đắt hàng. Hiện, trung bình mỗi ngày, tôi xuất bán ra thị trường hơn 200 sản phẩm, cao điểm có thể lên đến 300 sản phẩm, tăng khoảng 10 - 20% so với thời điểm cuối năm 2024.

Không chỉ các chủ thể OCOP, thời điểm này, các cửa hàng, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận sự quan tâm lớn của khách hàng. Chị Hoàng Thị Hạnh, chủ cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, phường Lương Văn Tri cho biết: Hiện nay, cửa hàng đang bày bán hơn 100 sản phẩm OCOP của tỉnh như dầu thực vật dưỡng thần, trà diếp cá Lụa Vy... Trước thực trạng thực phẩm giả, kém chất lượng tràn lan, cửa hàng của chúng tôi được khách hàng đến mua sắm nhiều hơn. Hiện, trung bình mỗi ngày, cửa hàng đón tiếp khoảng 80 – 100 lượt khách, doanh thu cũng tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2024.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 146 chủ thể OCOP và 13 điểm, cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo ghi nhận từ một số chủ thể, chủ cửa hàng bán sản phẩm OCOP, hiện nay, doanh thu đều tăng bình quân từ 10 – 20% so với thời điểm cuối năm 2024.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 214 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có 142 sản phẩm còn thời hạn công nhận 36 tháng theo quy định. Đây đều là những sản phẩm được công nhận về chất lượng, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên với số lượng sản phẩm tương đối lớn, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm, tăng cường kiểm tra, không loại trừ nguy cơ các đối tượng xấu lợi dụng thương hiệu OCOP để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... gây ảnh hưởng đến quyền lợi NTD.

Ông Đặng Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, chi cục đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra các sản phẩm OCOP. Qua kiểm tra, lực lượng QLTT chưa phát hiện vi phạm liên quan đến sản phẩm OCOP. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không loại trừ nguy cơ các đối tượng lợi dụng thương hiệu OCOP để thực hiện hành vi gian lận thương mại. Do đó, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội thực hiện rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm để tạo sức răn đe.

Có thể thấy, trước nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái... bị phanh phui đã tạo ra cơ hội để các sản phẩm OCOP tiếp cận với nhiều NTD hơn. Và để tận dụng cơ hội, xây dựng niềm tin bền vững với NTD, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP cũng cần chú trọng duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; cải tiến bao bì, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD.


Nguồn: https://baolangson.vn/co-hoi-cho-san-pham-ocop-giua-thoi-diem-nong-5051404.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm