Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ hội chuyển mình của doanh nghiệp

BPO - Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Một trong những tác động của nghị quyết là việc thúc đẩy các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam có quy mô nền kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP. Để đạt được mục tiêu này, các DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc này không chỉ giúp DN thích ứng với xu hướng toàn cầu mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước07/05/2025

ĐIỂM TỰA CHO DOANH NGHIỆP MUỐN ĐỔI MỚI

Trong cuộc đua chuyển đổi công nghệ hiện đại, DN nào chậm chân sẽ mất cơ hội mở rộng thị trường. Thời gian qua, không ít DN nhỏ và vừa ở Bình Phước đã chủ động đổi mới, tự động hóa để nâng cao giá trị sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Điển hình như Công ty TNHH sản xuất thương mại & dịch vụ Labari ở phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, từ cơ sở sản xuất, chế biến cà phê nhỏ, đến nay công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến cà phê để nâng công suất rang từ 1-3 tạ lên 5 tạ cà phê hạt mỗi ngày. Anh Nguyễn Chính Lâm, Giám đốc công ty chia sẻ: “Đưa các dòng máy hiện đại vào sản xuất, chế biến cà phê chuyên sâu không chỉ tiết kiệm nhân lực vận hành máy mà còn nâng năng suất rang xay. Thay đổi cách làm gắn với máy móc hiện đại là hướng đi cà phê Labari lựa chọn để phát triển và tạo dựng thương hiệu”.

Nghị quyết 57 được xem là luồng gió mới đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vì có thêm các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các DN chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Công ty cổ phần sản xuất máy móc tự động hóa Đại Hoàng Kim, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng là một trong số ít DN tự thiết kế, sản xuất và phân phối hệ thống máy chẻ hạt điều hiện đại nhất Việt Nam. DN này đã đầu tư hơn 100 máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất, lắp ghép hệ thống thiết bị cắt tách vỏ cứng hạt điều. Công ty sản xuất đầu máy chẻ 8 dao với công suất 8 tiếng chẻ từ 1-1,2 tấn và một dàn máy có thể lắp tối đa 4 đầu máy. Với những nổi bật trong quy trình sản xuất tự động, năm 2024, công ty đạt doanh thu khoảng 180 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần sản xuất máy móc tự động hoá Đại Hoàng Kim, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng là một trong số ít doanh nghiệp tự thiết kế, sản xuất và phân phối hệ thống máy chẻ hạt điều hiện đại nhất Việt Nam

Bà Vũ Thị Ngọc Diễm, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Đơn vị liên tục tối ưu hóa những sản phẩm đang sản xuất, đồng thời nghiên cứu phát triển thêm những sản phẩm công nghệ tiên tiến, độc quyền phục vụ ngành chế biến hạt điều trong nước. Từ đó, góp phần duy trì và củng cố thế mạnh của ngành công nghệ chế biến hạt điều, tạo ra các chuỗi giá trị bền vững cho DN cũng như cho cộng đồng.

Nghị quyết 57 không chỉ mở đường cho DN nhỏ và vừa mà còn trao cơ hội để mỗi lao động được thăng hoa trong thời đại số. Nghị quyết đặc biệt đề cao vai trò của người công nhân, không bó hẹp trong các dây chuyền sản xuất đơn điệu mà còn được thỏa sức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát huy sáng kiến, giải phóng sức lao động và làm lợi cho DN. Điển hình như anh Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng cấp cao Phòng Năng lượng Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn mà hằng năm anh đều có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty. Gần đây nhất là sáng kiến cải thiện bộ điều áp khí nén và chế tạo bộ dụng cụ kiểm tra áp lực nước tại các trụ phòng cháy, chữa cháy của công ty. Anh Đức cho biết: Trước yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất là bắt buộc. Vì vậy, đội ngũ công nhân lao động cũng phải tích cực học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, làm chủ công nghệ và khẳng định được bản thân trong công việc. Lãnh đạo công ty cũng khuyến khích người lao động đề xuất phương pháp cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng công việc và hiệu quả lao động.

Anh Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng cấp cao Phòng năng lượng Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), khu công nghiệp Bắc Đồng Phú hằng năm đều có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CHO CÔNG NGHỆ

Những đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số từ Nghị quyết 57 được xem là luồng gió mới đối với DN. DN sẽ có thêm các chính sách đột phá giúp giảm chi phí, có thêm nguồn lực dồi dào, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở những lĩnh vực mới. Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt được hiệu quả thực chất, các giải pháp đề ra phải được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Đảng và Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích phù hợp. Bên cạnh đó, cần khuyến khích DN tham gia nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế và kết nối quốc tế sẽ là động lực giúp DN đầu tư nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.

Nghị quyết 57 không chỉ mở đường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mà còn trao cơ hội để người lao động được thăng hoa trong thời đại số

Trên tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương đưa Nghị quyết số 57 vào cuộc sống, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để tập trung tháo gỡ khó khăn, đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống. Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57. Trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số từng bước trở thành yếu tố dẫn dắt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích DN ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm… thể hiện rõ nét sự đóng góp của yếu tố khoa học, công nghệ vào GRDP của tỉnh. 

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số để bước vào kỷ nguyên số.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cạnh tranh, DN nhỏ và vừa đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội để bứt phá. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Với những cơ hội mới từ chính sách, bài toán đặt ra cho DN nhỏ và vừa không chỉ là chờ đợi sự hỗ trợ mà còn phải chủ động đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Đây chính là “chìa khóa” để DN không chỉ tồn tại mà còn vươn xa trên thị trường quốc tế.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/172440/co-hoi-chuyen-minh-cua-doanh-nghiep


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm