Lượng khách hai chiều Việt Nam – Nhật Bản liên tục gia tăng
Ngày 4/7 tại Đà Nẵng, Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo và kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2025 với sự tham gia của 22 đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch đến từ khắp mọi miền của Nhật Bản, gồm các cơ quan chính quyền, khách sạn, công ty điều hành tour; và sự góp mặt của 26 công ty lữ hành từ khu vực miền Trung Việt Nam.
Hội thảo và kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2025 do JNTO tổ chức tại Đà Nẵng ngày 4/7.
Ở chiều ngược lại, năm 2024, lượng khách du lịch từ Nhật Bản sang Việt Nam đạt 166.500 lượt, tăng 2,5 lần so với năm 2023. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ishiba vào tháng 4/2025, hai nước Nhật Bản và Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy hơn nữa giao lưu du lịch với mục tiêu đạt mốc 2 triệu lượt khách du lịch hai chiều mỗi năm.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết thêm, thị trường Nhật Bản luôn là một trong những thị trường quốc tế trọng điểm của Đà Nẵng. Năm 2024, TP đón hơn 179.000 lượt khách Nhật Bản; riêng 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt hơn 108.000 lượt, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Sau khi đường bay Narita – Đà Nẵng được phục hồi từ tháng 3/2023, mới đây ngày 3/7, đường bay Osaka - Đà Nẵng cũng đã được Vietnam Airlines khai thác trở lại. Hiện Đà Nẵng kết nối với hai TP lớn của Nhật Bản là Tokyo và Osaka qua 11 chuyến bay trực tiếp mỗi tuần (7 chuyến từ Narita, 4 chuyến từ Osaka).
“Việc đường bay Osaka - Đà Nẵng được kết nối trở lại diễn ra trong bối cảnh triển lãm du lịch thế giới tại Osaka (EXPO 2025) đang thu hút sự quan tâm lớn từ du khách Việt Nam. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ thúc đẩy gia tăng lượng khách hai chiều giữa từ miền Trung Việt Nam và Nhật Bản, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao lưu du lịch, thương mại và văn hóa giữa hai nước”, bà Matsumoto – Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam nói.
Phó Giám đốc Sở VJ-TT&DL Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An phát biểu tại hội thảo.
Ông Mori Takero - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng nhấn mạnh, sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng mới đã tiếp nhận thêm nhiều nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Cụ thể, bên cạnh các di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn còn có các địa điểm du lịch xanh như khu nghỉ dưỡng Hoiana, đầm sen Trà Lý, các địa điểm du lịch cộng đồng như làng gốm, và các quán cafe giữa cánh đồng lúa gần Hội An…
6 tháng đầu năm 2025, TP Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 11,7%. Trong thời gian tới, với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, AI, hình thành khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế thì lượng khách du lịch và thương mại đến Đà Nẵng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng theo sự gia tăng của nhu cầu kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Hoài An thông tin thêm với các đối tác Nhật Bản, TP Đà Nẵng mới có diện tích hơn 11.800 km² và quy mô dân số trên 3 triệu người, với nhiều tài nguyên di sản văn hoá và thiên nhiên đa dạng. Việc sáp nhập mở ra tiềm lực to lớn về không gian, hạ tầng và nguồn lực phát triển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm động lực quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong định hướng phát triển thời gian tới, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, hướng tới trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu châu Á và thế giới vào năm 2045.
“Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi như sự ra đời TP Đà Nẵng mới, việc tăng cường chuyến bay thẳng và sự gia tăng nhu cầu kinh doanh để mở rộng hợp tác, phát triển thị trường và triển khai các chương trình xúc tiến cụ thể, thực chất và bền vững, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu đã được các lãnh đạo cấp cao thống nhất”, ông Mori Takero nói.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/co-hoi-de-du-lich-viet-nhat-mo-rong-hop-tac-phat-trien-thi-truong/20250704025646626
Bình luận (0)