.jpg)
Sau sáp nhập, Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng cà phê. Tỉnh có thêm nhiều tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu và các giá trị mềm khác kết hợp như cảnh quan, văn hóa, du lịch để nhân rộng cả quy mô, số lượng các chuỗi ngành hàng cà phê đa giá trị chất lượng cao.
Diện tích cà phê của tỉnh Lâm Đồng hiện có 312.000 ha, trong đó 80% là cà phê Robusta, còn lại là các loại cà phê khác như Arabica, Catimor. Toàn tỉnh hiện có khoảng 50 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với khoảng 16.900 hộ liên kết, diện tích khoảng 30.900 ha.

Trong các chuỗi liên kết, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị công nghệ để sản xuất sản phẩm cà phê bột, hòa tan đem lại giá trị cao và đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Cụ thể như Công ty TNHH cà phê Thái Châu, Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, Công ty TNHH MTV Cà phê Ba Zan Đắk Nông, Hợp tác xã nông nghiệp Công bằng Thuận An, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái...
Những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển cà phê chất lượng cao, đặc sản, đáp ứng tốt tiêu chuẩn quản lý cà phê Việt Nam. Qua đó, nhiều quy trình được ứng dụng trong chuỗi liên kết cà phê của Lâm Đồng gắn với phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam tăng trưởng xanh và bền vững. Các chuỗi liên kết đã góp phần chính vào nâng cao giá trị ngành hàng, thu nhập cho nông hộ, mở rộng các vùng trồng áp dụng các quy trình canh tác đạt chuẩn.
Ông Lang Thế Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái (HTX), xã Nâm Nung cho biết, những năm qua, HTX đã phát triển sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị với 2 dòng chế biến là cà phê bột, cà phê hòa tan. Sản phẩm của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế RA với vùng trồng khoảng 500 ha tại các xã Nâm Nung, Krông Nô với trên 200 hộ dân tham gia. Ông hy vọng với những chính sách mới về khuyến khích kinh tế nông nghiệp, ông có cơ hội nhân rộng liên kết, tham gia nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư thêm công nghệ chế biến, mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, hỗ trợ phát triển, nhân rộng các chuỗi liên kết cà phê theo ngành hàng, nhất là các chuỗi chất lượng cao, đặc sản nhằm gia tăng giá trị bền vững cho cây trồng chủ lực.
Lâm Đồng phát huy, sử dụng tốt các nhãn hiệu, sản phẩm cà phê như nhãn hiệu cà phê Arabica LangBiang, nhãn hiệu cà phê Di Linh, nhãn hiệu sản phẩm cà phê Arabica Cầu Đất và thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành dùng chung cho các sản phẩm rau, hoa, cà phê, du lịch canh nông; nhãn hiệu tập thể cà phê Đắk Mil và các nhãn hiệu cà phê thông thường nổi bật khác như Enjoy coffee, Dano, Đắk Đam, Godere…
Nguồn: https://baolamdong.vn/co-hoi-mo-rong-chuoi-ca-phe-chat-luong-cao-382034.html
Bình luận (0)