Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Còn chữ viết là còn văn hóa

Ở thôn Bản Cuôn II (xã Chợ Đồn) có một lớp học đặc biệt. Khi theo học ở đây, học viên không mất tiền học phí, lớp học đặc biệt này dạy chữ nôm Dao, do “thầy giáo” Triệu Xuân Minh đứng lớp.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên18/07/2025

Thầy giáo Minh uốn nắn từng nét chữ cho học trò.
"Thầy giáo" Minh uốn nắn từng nét chữ cho học trò.

Níu giữ hồn cốt dân tộc Dao

Từ trung tâm xã, mất 2 giờ di chuyển, chúng tôi đến thôn Bản Cuôn II, xã Ngọc Phái cũ, nay là xã Chợ Đồn. Bản Cuôn II là nơi sinh sống của 176 hộ dân với 790 nhân khẩu. Nơi đây có 4 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao cùng chung sống, trong đó dân tộc Dao chiếm 99,2%.

Đã hẹn trước, ông Triệu Xuân Minh đón chúng tôi tại nhà con gái của mình. Vừa đi trên trục chính đường vào lớp học, ông Minh vừa kể cho chúng tôi những câu chuyện về văn hóa của người Dao và hành trình bảo tồn chữ Nôm của ông. Ông kể, người Dao trên cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đều sử dụng chữ Nôm làm chữ viết và được gọi là chữ Nôm Dao. Hiện nay, các văn bản cổ của người Dao được sưu tầm đều được viết bằng chữ Nôm.

Sách chữ Nôm của người Dao có nội dung mang tính giáo dục cao, từ phong cách sống, cách ứng xử của con người với con người, con người với thiên nhiên. Trong lao động, các cuốn sách ghi kinh nghiệm trong sản xuất theo mùa vụ xuân, hạ, thu, đông; bảo vệ môi trường, tất cả đều được thể hiện dưới hình thức các bài hát, thơ ca truyền thống.

Ông Minh xuất thân từ gia đình có truyền thống học chữ Nôm. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu học chữ Nôm Dao. Sau 6 năm học, ông mới thành thạo chữ viết. Ngoài ra, ông còn học hỏi, giao lưu với bà con các tỉnh khác.

“Vì cơm áo gạo tiền để nuôi sống gia đình, trong một thời gian dài, tôi không có tâm trí nhớ đến kho tàng văn hóa, chữ viết của dân tộc mà tôi đã có. Nhưng trước nguy cơ chữ viết của người Dao bị thất truyền, tôi đem sự am hiểu ngôn ngữ, chữ viết mở lớp học truyền dạy cho người dân biết đọc, viết chữ Nôm cổ, những phong tục tập quán của dân tộc Dao Đỏ”. -  ông Minh bộc bạch.

Mải nghe ông Minh kể chuyện, chúng tôi đến lớp học của ông lúc nào không hay. Lớp học là một căn nhà ngói đỏ, lưng tựa núi, phía trước là khoảng sân rộng, thoáng đạt. Ngồi trong lớp có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm những đồi quế xanh mỡ màng. 

Lớp học chữ Nôm Dao của ông Minh có đủ thành phần, từ già đến trẻ, ở đây họ học một thứ chữ viết khó hơn chữ Quốc ngữ nhưng là hồn cốt của người Dao. Mỗi buổi học, ông Minh mang theo những cuốn sách cổ đã ố vàng, nhưng bên trong vẫn rõ nét chữ. Những cuốn “giáo án” này có nội dung nói về cội nguồn của người Dao, văn hóa sinh hoạt người Dao... Không chỉ dạy chữ, ông còn dạy những nghi lễ truyền thống, như: Lễ Cấp sắc, lễ Cầu mùa...

Ban đầu, ông Minh chủ yếu truyền dạy cho con, cháu trong dòng họ. Sau một thời gian, nhiều người biết ông mở lớp dạy chữ nôm Dao nên cũng tìm đến nhà ông để xin theo học. Lớp học này học viên xa nhất là ở tỉnh Tuyên Quang sang. Hiện lớp có khoảng 10 học viên, có thời điểm lên tới 15 học viên. Có những học sinh tuổi đã cao, tóc bạc, nhưng vẫn đều đặn đến lớp.

Lớp chữ Nôm Dao của “thầy giáo” Triệu Xuân Minh rất đơn giản với một chiếc bảng đen, phấn trắng và vài chiếc bàn gỗ ông tự đóng để học sinh ngồi học. Đến lớp, học viên chỉ cần chuẩn bị bộ dụng cụ học tập gồm bút lông, vở và nghiên đựng mực tàu, còn giáo trình sẽ được ông in cho mỗi người một quyển.

Đến với lớp học chữ Nôm Dao, các học viên đều chăm chỉ, những bàn tay nhẫn nại nắn từng nét chữ với sự trân trọng nét văn hóa của dân tộc mình. Tại lớp học nhỏ, vang lên tiếng tập đọc chữ, tiếng thầy giảng rộn ràng. Những con chữ uốn lượn, cổ kính, từng là cầu nối giữa thế hệ ông cha và con cháu, giờ đây đang  hiện lên trên từng trang giấy của các học viên lớp học.

Một buổi học của “thầy giáo” Triệu Xuân Minh.
Một buổi học của “thầy giáo” Triệu Xuân Minh.

Học để hiểu về nhân nghĩa

Chữ Nôm Dao là loại chữ viết trên cơ sở chữ Hán, người Dao tiếp nhận một số từ của Nôm Tày, Nôm Việt nhưng được Dao hóa (biến đổi). Chữ Nôm Dao gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Tuy nhiên, hiện nay, người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao không còn nhiều.

Để dạy các học viên, ông Minh đã sưu tầm, tìm hiểu nội dung, ý nghĩa trong các cuốn sách cổ của người Dao, tổng hợp những vấn đề chính vào một quyển giáo án, với các nội dung về cội nguồn của người Dao; giáo dục con người về đạo đức, nhân nghĩa; những câu chuyện cổ, triết lý đời sống; cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; bà con dân tộc Dao cùng đoàn kết, gắn bó, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống...

Ông Triệu Xuân Minh chia sẻ, việc học chữ Nôm Dao là để hiểu về nhân nghĩa để bên trong không làm tổn thương nhân phẩm con người, ngoài không hại đến vật, trên không phạm trời, trần gian không phạm người. Anh em biết giữ chừng mực, hòa khí, thấu hiểu triết lý đời sống, khi đó người ta sẽ tự giác không phạm đến các tệ nạn xã hội. Người học chữ Dao tốt sẽ tự mình nhận biết lẽ sống, có lòng hiếu thảo với cha mẹ và nhân đạo với mọi người.

Anh Triệu Quý Thọ, ở tỉnh Tuyên Quang, là học viên của lớp, chia sẻ: Tôi là người dân tộc Dao đỏ nhưng không biết viết, đọc chữ Dao. Tôi theo học với mong muốn mình hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc, học hỏi cách thực hiện các lễ nghi để sau này có thể tự phục vụ công việc của gia đình, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc Dao. Trong quá trình học tập, có nhiều nét chữ rất khó viết, nhưng thầy luôn tận tình chỉ dạy. Giờ thì tôi đã cơ bản biết đọc, biết viết chữ.

Trước đây, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Dao chỉ có nam giới mới được học chữ, nhưng nay, dù nam hay nữ, già hay trẻ đều có thể đăng ký và theo học  lớp dạy chữ Nôm Dao của ông Minh.

Ngoài thời gian dạy học, “thầy giáo” Triệu Xuân Minh vẫn miệt mài sao chép, bổ sung, biên soạn sách mới. Ông Minh tâm sự, chỉ mong còn sức khỏe để tiếp tục duy trì các lớp truyền dạy chữ viết Dao cổ tại địa phương và nghiên cứu, biên soạn tài liệu về các giá trị văn hóa dân tộc Dao.

Ông cũng hy vọng Nhà nước có chính sách đối với việc giữ gìn, bảo tồn chữ Nôm Dao. Có như vậy thì bản sắc văn hóa của người Dao mới được gìn giữ muôn đời.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/con-chu-viet-la-con-van-hoa-969193b/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm