Mới đây, UNESCO chính thức vinh danh Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, đưa Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 quốc gia sở hữu 229 công viên thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Kho tàng địa chất triệu năm
Nép mình giữa những dãy núi đá vôi hùng vĩ ở miền Bắc Việt Nam, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là "cuốn sử thi" tự nhiên, kể câu chuyện về sự tiến hóa của Trái đất qua hàng triệu năm.
Những lớp đá cổ tại đây lưu giữ dấu tích của đáy biển cổ đại, nơi từng là môi trường sống của bọ ba thùy và bút đá – những sinh vật biển đầu tiên sống thành bầy. Khi nước biển rút, các lớp đá phiến, đá sa thạch và đá vôi hình thành, tạo nên cảnh quan núi lửa độc đáo.
Nổi bật trong công viên là Trũng Na Dương, một vùng trũng tự nhiên hé lộ hệ sinh thái nhiệt đới cách đây 40-20 triệu năm với hóa thạch thực vật và động vật phong phú. Khu vực này cung cấp manh mối quý giá về sự di cư của động vật có vú giữa các lục địa.
Bên cạnh đó, khối núi đá vôi Bắc Sơn, hình thành từ trầm tích biển cổ, lưu giữ dấu vết của cư dân tiền sử qua các công cụ đá, đồ gốm và địa điểm chôn cất, mang đến cái nhìn sâu sắc về lịch sử loài người tại Việt Nam.
Địa chất đặc biệt của Lạng Sơn còn góp phần định hình nông nghiệp địa phương. Đất giàu khoáng chất tại đây tạo điều kiện lý tưởng để trồng các cây đặc sản như na và hồi, trở thành nguồn sinh kế quan trọng cho người dân.
Di sản văn hóa đa màu sắc
Công viên địa chất Lạng Sơn không chỉ là kỳ quan thiên nhiên mà còn là cái nôi văn hóa của các dân tộc: Kinh, Nùng, Tày và Dao.
Các cộng đồng này đã gìn giữ ngôn ngữ, nghề thủ công và truyền thống độc đáo, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Trong đó, tín ngưỡng Đạo Mẫu, với nghi thức hầu đồng, âm nhạc và kể chuyện, là trung tâm đời sống tâm linh, tôn vinh các vị thần cai quản trời, đất, núi, rừng và nước.
Sống Khủng long – Đỉnh Phja Pò, Khu du lịch Mẫu Sơn, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Nghệ thuật hát Then, được ví như "nhịp điệu của thần tiên", kết hợp với tiếng đàn tính, là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Những lễ hội sôi động, trang phục truyền thống và nghệ thuật dân gian tại Lạng Sơn không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, thu hút du khách từ khắp nơi.
Hang động đưới đáy Hố sụt Ùng Roặc, huyện Bình Gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Cơ hội vàng cho Lạng Sơn phát triển Du lịch bền vững
Việc được UNESCO công nhận mang lại cho Lạng Sơn những cơ hội vàng cho Lạng Sơn phát triển Du lịch bền vững, thu hút du khách quốc tế, thúc đẩy kinh tế địa phương qua các tour khám phá địa chất, văn hóa và sinh thái.
Công viên địa chất Lạng Sơn là thiên đường cho những ai yêu thiên nhiên và văn hóa, với hàng loạt điểm đến độc đáo: Hố sụt Ùng Roặc (Bình Gia); Hang Thẩm Khuyên – Thẩm Hai (Bình Gia); Sống Khủng long – Đỉnh Phja Pò (Mẫu Sơn); Cổng trời Yên Sơn (Hữu Lũng); Thung lũng Bắc Sơn (Bắc Sơn); Mắt thần (Thung lũng Lân Ty, Hữu Lũng); Sông Kỳ Cùng....
Thung lũng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Địa phương này cũng cần làm tốt công tác bảo tồn di sản, tăng cường quản lý và bảo vệ di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học; khuyến khích các dự án nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng về giá trị thiên nhiên; kết nối với Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các công viên khác.
Với sự hỗ trợ của UNESCO và sự đồng lòng của cộng đồng địa phương, Lạng Sơn đang vươn mình trở thành mô hình tiêu biểu cho bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ giá trị độc đáo của vùng đất mà còn góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
(Theo VTV)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/226/349330/Cong-vien-dia-chat-Lang-Son-chinh-thuc-duoc-UNESCO-cong-nhan-la-Cong-vien-dia-chat-toan-cau.aspx
Bình luận (0)