Vị thế mới
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cơ cấu hành chính, phát triển vùng theo hướng bền vững, sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận thành tỉnh Lâm Đồng mới đang mở ra một không gian phát triển mới, với nhiều tiềm năng to lớn.
Đây không chỉ là bước đi chiến lược trong điều chỉnh địa giới hành chính, mà còn là cơ hội để hình thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng ý hợp nhất tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm hành chính, chính trị đặt tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện nay.
Qua nghiên cứu, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ hội tụ rất nhiều tiềm năng, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững mà ít địa phương nào trong cả nước có được. Một trong những tiềm năng lợi thế phải kể đến chính là lĩnh vực du lịch.

Lâm Đồng là địa phương được ghi nhận có tiềm năng du lịch phát triển, với nhiều yếu tố hài hòa giữa rừng và biển. Địa phương sẽ là vùng đất hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với khách du lịch gần xa.
Nổi bật nhất là thương hiệu du lịch thành phố Đà Lạt. Đây là nơi được mệnh danh thành phố tình yêu, với huyền thoại tình sử Langbiang đầy xúc động. Tiếp đến là Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm vinh dự là khu du lịch quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Nhiều hồ nước nổi tiếng như: Xuân Hương, Tuyền Lâm, Than Thở, Đa Thiện… hiện lên giữa thành phố ngàn hoa xinh đẹp, thu hút đông đảo khách du lịch.

Song song đó, hệ thống Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo.
Trong số này, có hệ thống gần 50 hang động, với tổng chiều dài hơn 10.000m. Các miệng núi lửa, thác nước đã tạo nên kiệt tác thiên nhiên luôn thôi thúc du khách tìm về khám phá.
Hồ Tà Đùng có diện tích gần 6.000ha mặt nước, được ví như vịnh Hạ Long trên đại ngàn Tây Nguyên, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch xanh. Cảnh đẹp, cộng hưởng với khí hậu, cảnh quan thiên nhiên trong lành, mát mẻ quanh năm.

Tại hội nghị thu hút đầu tư tỉnh Đắk Nông (cũ) diễn ra 23/3/2024, khi nói về những tiềm năng này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũ) nhấn mạnh, nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, gắn với các di tích lịch sử và nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc đã tạo một sức hút mới về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trên cao nguyên đại ngàn.
Công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Danh hiệu này được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười
.jpg)
Cùng với cảnh đẹp trên vùng cao nguyên đại ngàn, du lịch biển Phan Thiết đã, đang tạo nên sức hút quyến rũ với du khách yêu biển. Từ công viên biển Đồi Dương, lầu Ông Hoàng đến Mũi Né, với hàng chục thương hiệu resort nổi tiếng.
Nơi đây cũng sở hữu rất nhiều đảo hoang sơ thiên nhiên ngàn đời, đặc biệt là Đảo Phú Quý… Tất cả những tiềm năng du lịch tạo cho Lâm Đồng phát triển du lịch xanh theo xu thế toàn cầu.
Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đánh giá về du lịch Lâm Đồng, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ: “Với những tiềm năng, lợi thế, Lâm Đồng có thể bứt phá trong phát triển các loại hình du lịch chất lượng cao, bền vững. Từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, du lịch lễ hội, sinh thái, canh nông đến du lịch di sản lịch sử, văn hóa, tự nhiên. Tất cả tạo nên sự riêng biệt riêng có của du lịch địa phương”.

Theo Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, để phát triển lĩnh vực này, Lâm Đồng cần tập trung chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều.
Địa phương cần có sự kết nối chiều sâu hơn giữa các vùng trong nước và các quốc gia và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các dự án du lịch quy mô.
Ngày 25/7/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định lĩnh vực du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

Để hiện thực hóa điều này, Lâm Đồng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên cơ sở phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành kinh tế và sự tham gia của Nhân dân.
Tỉnh đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, xây dựng, xúc tiến, kinh doanh du lịch với đa loại hình, đa sản phẩm. Địa phương chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc thù của tỉnh.
Quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn, tăng sức thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm và thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế cũng được tỉnh ưu tiên.

Lâm Đồng đã, đang trên hành trình kiến tạo một "xứ sở du lịch đẳng cấp" mới. Nơi mà du khách không chỉ được đắm mình, thoả mãn với thiên nhiên tươi đẹp, mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo, dịch vụ du lịch chất lượng.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường và thu hút các nhà đầu tư chất lượng là những nhiệm vụ cấp bách.
Bởi vì, chỉ khi giải quyết được những thách thức này, Lâm Đồng mới thực sự trở thành một điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn và đẳng cấp.
Sau khi hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên khoảng 24.233 km2 (đứng đầu cả nước). Quy mô dân số của tỉnh 3.324.000 người (đứng thứ 13 cả nước). GRDP của tỉnh có quy mô lên đến 329.870 tỷ đồng (đứng thứ 8 cả nước).
Nguồn: https://baolamdong.vn/cuc-tang-truong-moi-cho-du-lich-lam-dong-290739.html
Bình luận (0)