Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Thanh Hóa.
“Cuộc đua” giữa các nhà bán lẻ nội địa và nước ngoài không chỉ là sự cạnh tranh về giá cả, mà còn là bài toán dài hạn về trải nghiệm người tiêu dùng, hệ thống phân phối và khả năng thích ứng với thị trường địa phương.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 87.600 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng này đến từ sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thu nhập người dân được cải thiện, cũng như sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi.
Những năm gần đây, nhiều nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước đã hiện diện tại Thanh Hóa, tạo ra sự cạnh tranh đa sắc. Trong khi các doanh nghiệp nội địa như Saigon Co.op, Công ty CP Thế giới di động... vẫn đang duy trì lợi thế về mạng lưới và sự am hiểu thị trường địa phương, thì các tên tuổi nước ngoài như Aeon, Central Retail (Thái Lan) cũng không ngừng mở rộng quy mô với chiến lược hiện đại hóa trải nghiệm mua sắm và đầu tư dài hạn.
Một trong những dấu ấn rõ nét cho thấy sự hiện diện của nhà bán lẻ “ngoại” tại tỉnh ta là Trung tâm thương mại GO! Thanh Hóa thuộc Central Retail Việt Nam (Tập đoàn Central Thái Lan). Trung tâm này đã đi vào hoạt động từ năm 2020 tại phường Hạc Thành, trở thành một trong những điểm mua sắm - giải trí - ẩm thực lớn của tỉnh. Với hàng trăm gian hàng trong và ngoài nước, cùng hệ thống siêu thị GO! hiện đại, nơi đây đã dần hình thành thói quen mua sắm mới cho người tiêu dùng địa phương, nhất là giới trẻ và hộ gia đình thành thị.
Dưới sức ép ngày càng lớn từ các nhà bán lẻ ngoại, nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn trụ vững và giữ được thị phần đáng kể nhờ lợi thế am hiểu thị trường, mạng lưới phân phối sâu rộng và khả năng linh hoạt điều chỉnh chiến lược theo nhu cầu người tiêu dùng từng khu vực. Tại Thanh Hóa, Saigon Co.op tiếp tục khẳng định vị thế với hệ thống Co.opmart, Co.op Food “phủ sóng” từ trung tâm thành phố đến các huyện trọng điểm, đóng vai trò là một trong những thương hiệu bán lẻ nội địa chủ lực.
Theo Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa Nguyễn Văn Dũng, thị trường bán lẻ địa phương đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt chưa từng có, nhất là khi hành vi tiêu dùng đã và đang thay đổi mạnh mẽ.
“Người tiêu dùng giờ đây không chỉ quan tâm đến mức giá, mà đặt yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, độ minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ cũng như trải nghiệm mua sắm tổng thể. Nắm bắt xu thế này, chúng tôi liên tục cải tiến quy trình vận hành, nâng cấp dịch vụ hậu mãi và triển khai các chương trình khuyến mãi đặc thù theo từng khu vực dân cư, qua đó duy trì sự kết nối và lòng tin của khách hàng địa phương”, ông Dũng chia sẻ.
Co.opmart Thanh Hóa luôn chủ động nâng chất lượng dịch vụ để giữ chân người tiêu dùng giữa áp lực cạnh tranh.
Ở góc độ doanh nghiệp tư nhân, ông Lê Xuân Thanh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ Ngọc Hà cho biết: “Thanh Hóa đang phát triển rất nhanh về đô thị và thu nhập, kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng mạnh. Là doanh nghiệp địa phương, chúng tôi tận dụng lợi thế nắm bắt nhu cầu khách hàng để điều chỉnh hàng hóa theo mùa, tăng cường sản phẩm vùng miền và cải tiến dịch vụ giao hàng. Quan trọng nhất là giữ được uy tín và sự kết nối với người tiêu dùng qua các hoạt động cộng đồng”.
Đặc biệt, nhiều nhà bán lẻ nội địa đang chuyển hướng sang mô hình bán lẻ hiện đại tích hợp công nghệ, với dịch vụ giao hàng nhanh, tích điểm thành viên và khuyến mãi linh hoạt theo từng địa phương. Điều này giúp họ giữ chân khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sự tiện lợi và cá nhân hóa.
Xu hướng tiêu dùng thông minh và sự lên ngôi của thương mại điện tử đang làm thay đổi đáng kể cục diện bán lẻ tại Thanh Hóa. Người tiêu dùng không còn chỉ quan tâm đến giá cả, mà chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, trải nghiệm mua sắm và tính tiện lợi. Theo khảo sát của Sở Công Thương, năm 2024 có tới 67% người dân trong tỉnh sẵn sàng chi trả thêm nếu sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, rõ ràng về an toàn thực phẩm và được đóng gói chuyên nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ mua sắm trực tuyến cũng đang tăng mạnh, nhất là trong nhóm khách hàng từ 18 - 35 tuổi. Các nền tảng như Shopee, Tiki, Lazada hay TikTok Shop đều ghi nhận doanh thu tăng tại Thanh Hóa. Điều này buộc các nhà bán lẻ truyền thống phải đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, xây dựng kênh online song song để duy trì sức cạnh tranh.
Cuộc đua giữa nhà bán lẻ nội và ngoại không chỉ mang đến lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng, mà còn thúc đẩy sự hiện đại hóa ngành thương mại tỉnh nhà. Tuy nhiên, để không bị lép vế ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp nội địa cần tập trung vào chiến lược lâu dài như nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cải tiến mô hình quản trị và đặc biệt là đầu tư vào nhân sự bán lẻ chuyên nghiệp.
Mặt khác, tỉnh cũng cần hoàn thiện chính sách quy hoạch phát triển thương mại hiện đại, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục pháp lý, đồng thời kết nối các nhà bán lẻ với doanh nghiệp sản xuất, HTX trong tỉnh nhằm xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa xanh và sạch.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cuoc-dua-mo-rong-thi-truong-nbsp-ban-le-giua-hang-noi-va-ngoai-254139.htm
Bình luận (0)