Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa

Ngày 17/4/2025, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về xuất xứ hàng hóa do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân – Trưởng ban soạn thảo chủ trì.

Bộ Công thươngBộ Công thương17/04/2025

Ngày 08 tháng 3 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Sau 06 năm triển khai, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả tích cực như: i) Hoàn thiện khung hành lang pháp lý về công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa để các cơ quan, tổ chức cấp thực thi công tác cấp C/O và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA; ii) Thị trường các FTA mà Việt Nam tham gia ngày càng được mở rộng (19 Hiệp định thương mại tự do trong đó có cả các FTA thế hệ mới: CPTPP, EVFTA, UKVFTA); iii) Minh bạch hóa khung pháp lý để thực thi các FTA (Bộ Công Thương đã ban hành 45 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết Việt Nam tham gia); iv) Hoạt động xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam tăng khá đều trong thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi giai đoạn 2018-2024 cụ thể như sau: năm 2018 đạt 48,9 tỷ USD, năm 2019 đạt 54,8 tỷ USD, năm 2020 đạt 52,8 tỷ USD, năm 2021 đạt 68,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 78,1 tỷ USD, năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD và năm 2024 đạt 99,3 tỷ USD.

Toàn cảnh cuộc họp về sửa đổi Nghị định 31/2018/NĐ-CP

Tuy nhiên, qua 07 năm triển khai, Nghị định số 31/2018/ NĐ-CP đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế như: quy trình, thủ tục áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chế tài xử lý gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp C/O, hồ sơ thương nhân, lưu trữ hồ sơ...

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 1138/VPCP-QHQT ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ, giao Bộ Công Thương “chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan”, ngày 14 tháng 02 năm 2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 405/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa).

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường, để chủ động thích ứng với tình hình mới, với mục tiêu thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa của Việt Nam với các đối tác và không ảnh hưởng đến cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa mà Việt Nam tham gia, công tác quản lý xuất xứ hàng hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, ngày 17/4, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về xuất xứ hàng hóa do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân – Trưởng ban soạn thảo chủ trì.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu báo cáo tình hình triển khai Nghị định

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã thảo luận về các nội dung như: Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Phân cấp/Ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Chế tài xử lý gian lận xuất xứ hàng hóa, các biện pháp tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cấp C/O điện tử; và các nhóm vấn đề khác.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Nghị định

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kết luận cuộc họp

Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định, kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã đề nghị thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, đơn vị chủ trì tổng hợp, tiếp thu ý kiến trao đổi với các đơn vị, rà soát, tổng thể các cơ chế hiện tại để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Thứ hai, bám sát tình hình thị trường, chủ trương chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ trưởng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tháo gỡ thực chất cho những khó khăn vướng mắc đối với từng doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tận dụng ưu đãi từ các FTA, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường FTA.

Thứ ba, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ban, ngành, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đảm bảo Nghị định khi ban hành có tính khả thi và hiệu quả.

Thứ tư, đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, rà soát theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của đơn vị đề xuất cơ chế, quy định cụ thể giải quyết hài hóa các tồn tại, vướng mắc phát sinh khi Nghị định số 31/2018/NĐ-CP chưa giải quyết hết.


Nguồn:Cục Xuất nhập khẩu

Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/cuoc-hop-ban-soan-thao-to-bien-tap-xay-dung-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-luat-quan-ly-ngoai-thuong-ve-xuat-xu-hang-hoa.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm