Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc phiêu lưu đến vùng đất băng giá

Nằm ở cực nam của trái đất, Nam Cực không chỉ nổi tiếng với những tảng băng hùng vĩ và nhiều dòng sông băng lấp lánh mà còn là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật độc đáo. Với diện tích khoảng 14 triệu km², nơi đây được biết đến là châu lục lạnh nhất thế giới, nhiệt độ có thể xuống đến -89 độ C. Khí hậu lạnh giá và sự khắc nghiệt của thiên nhiên càng làm tăng thêm sức hút của vùng đất này đối với những tín đồ ưu thích du lịch mạo hiểm.

Việt NamViệt Nam08/04/2025

Du khách đổ bộ lên Petermann

Lần thứ 5 lên chuyến hành trình khám phá Nam Cực, lòng tôi vẫn tràn đầy háo hức và mong đợi như ngày đầu tiên. Nơi này đối với tôi bây giờ thân thương hơn bao giờ hết, nó không phải chỉ là một điểm đến thuần túy nữa mà giống như một “ngôi nhà thứ hai”.

Vượt qua eo biển thử thách bậc nhất thế giới

Để đến châu Nam Cực, đoàn thám hiểm đáp chuyến bay đến thành phố được mệnh danh là “tận cùng thế giới” – Ushuaia, nơi hành khách sẽ lên tàu để bắt đầu cuộc viễn du đến phía bên kia lục địa. Trên chuyến đi đó, khó khăn lớn nhất có lẽ là vượt qua eo biển Drake, một trong những vùng biển thử thách nhất thế giới. Alfred Lansing từng mô tả đây là “mảnh đại dương đáng sợ nhất hành tinh” trong hành trình tới Nam Cực của nhà thám hiểm Ernest Shackleton. Eo biển này kết nối mũi phía nam Nam Mỹ với điểm cực bắc của bán đảo Nam Cực, có chiều rộng khoảng 1.000km và độ sâu lên tới 4.800m. Drake nổi tiếng với nhiều cơn sóng lớn, thời tiết khắc nghiệt và những dòng hải lưu mạnh mẽ.

Vượt qua eo biển Drake không chỉ là trở ngại địa lý mà còn là bài kiểm tra bản thân khi mỗi du khách đều phải đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình. Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về những cơn sóng dữ dội ở đây, nên khi tàu bắt đầu rời bến, cảm giác hồi hộp dường như lan tỏa, lớn dần lên trong lồng ngực. Lúc tiến sâu vào eo biển, sóng càng lớn, nhà tàu luôn nhắc nhở mọi người phải nắm chắc tay vịn, uống thuốc say sóng nếu cần, và đến phòng bác sĩ nếu gặp khó khăn. Trong suốt hành trình, tôi cảm nhận được sức mạnh của đại dương, những cơn sóng vỗ mạnh vào mạn tàu khiến tôi nhận ra rằng chúng tôi đang ở giữa cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên. Chính những thử thách này lại làm cho hành trình trở nên thú vị và ly kỳ hơn bao giờ hết.

Đàn chim cánh cụt Gentoo di chuyển thành hàng trên bờ biển băng giá

Cửa ngõ dẫn đến đất liền châu Nam Cực

Sau khi vượt qua eo Biển Drake, đoàn tham quan đã đến Portal Point, một trong những điểm dừng chân đầu tiên ở châu Nam Cực. Đây là nơi nhiều nhà thám hiểm đã từng đặt chân đến trong những hành trình khám phá Nam Cực trước đây. Portal Point hiện lên với khung cảnh lung linh kỳ ảo với những dãy núi phủ đầy tuyết và những tảng băng trôi lấp lánh dưới ánh nắng.

Portal Point nằm trên lối vào vịnh Charlotte trên bán đảo Reclus ở vùng biển phía tây của vùng đất Graham. Người Anh xây dựng những trại cứu hộ ở đây vào năm 1956, sau đó họ chuyển đến đảo khác vào năm 1997. Nó chính là cửa ngõ để đặt chân lên đất liền của châu Nam Cực cho những nhà thám hiểm xưa.

Vì đã tiến sâu vào đất liền lục địa, nên băng tuyết ở đây phủ kín hết đất liền, chỉ có một chút đất hiện ra ở sát mặt biển là tổ của mấy chú chim cánh cụt Gentoo. Chúng tôi như lạc vào thế giới băng trôi huyền ảo nhiều màu sắc từ trắng, xanh lam… với đủ hình dạng, có những tảng băng khổng lồ tựa lâu đài trắng sừng sững  trên biển. Khi đi xuồng cao su quanh Portal Point, hành khách được chiêm ngưỡng những chú chim nhạn biển, loài chim nổi tiếng với những chuyến di cư dài nhất thế giới – khứ hồi Nam Cực và Bắc Cực. Đây cũng là nơi cư ngụ của loài mòng biển kelp, với khoảng một triệu con sống ở Nam Đại Dương. Dễ dàng nhận ra chúng với lông cánh xám và mỏ vàng. Chúng hay đậu ở những tảng băng trôi nên cũng là cơ hội cho các nhiếp ảnh gia săn được những bức ảnh đẹp.

Hải cẩu Weddell nằm ngủ trong khi hải cẩu báo đang rình rập bên dưới các tảng băng

Kỳ quan thiên nhiên và sinh vật kỳ thú

Tiếp theo hành trình, chúng tôi đã đến bến cảng Neko, một trong những điểm tham quan nổi tiếng ở Nam Cực. Với cảnh quan tuyệt đẹp và sự đa dạng sinh học phong phú, Neko không chỉ là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng các tảng băng trôi mà còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm.

Bến cảng Neko nằm ở bờ biển phía đông vịnh Andvord, cách eo biển Errera 11km về phía nam. Được khám phá bởi nhà thám hiểm De Gerlache trong chuyến thám hiểm Nam Cực của Bỉ (1897 – 1899) và đặt tên theo con tàu săn cá voi Neko, đây từng là trạm săn cá voi lớn của Anh trong giai đoạn 1911 – 1912 và 1923 – 1924.

Xuồng cao su đưa chúng tôi tham quan trong khung cảnh băng tuyết rơi dày. Đột nhiên, một chú cá voi lưng gù nổi lên, quẫy đuôi trước sự reo hò của đoàn, mặc dù chúng tôi đã được nhắc nhở không gây ồn ào. Cũng dễ hiểu thôi, phải chứng kiến tận mắt một chú cá voi nặng tới 36 tấn và dài 19m bơi trước mặt thì mới biết cảm giác hưng phấn tột độ ra sao. Gặp cá voi lưng gù là một may mắn, bởi hiện số lượng loài này được ghi nhận chỉ khoảng 38.000 cá thể trên toàn thế giới.

Cùng với cảng Neko, vịnh Thiên Đường (Paradise Bay) là 2 khu vực chính để neo đầu tàu ở Nam Cực. Nơi đây được mệnh danh là thiên đường nhờ khung cảnh mê hoặc với những dãy núi cao chắn gió bão khiến cho dòng nước trong vịnh tĩnh lặng đến lạ kỳ. Tại đây, du khách có thể chèo thuyền kayak ngắm cảnh, trong khi những người chọn đi xuồng cao su sẽ tìm hiểu về cuộc sống của các loài chim, đặc biệt là chim cốc mắt xanh làm tổ trên vách đá. Thoắt ẩn thoắt hiện ở phía xa là đàn chim cánh cụt Gentoo bơi lội trong làn mưa tuyết trắng xóa. Khung cảnh tựa như chốn thần tiên!

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi này là khoảnh khắc chạm vào eo biển Lemaire. Eo biển dài 11km, với đoạn hẹp nhất chỉ khoảng 800m, được bao quanh bởi những đỉnh núi tuyết phủ cao tới 300m. Khi tàu từ từ tiến vào bên trong, mặt nước phẳng lặng như tờ, lung linh phản chiếu núi non hùng vĩ.  

Nam Cực với vẻ đẹp siêu thực từ băng tuyết đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm khó quên. Hành trình khám phá vùng đất này không chỉ là một chuyến phiêu lưu mà còn là minh chứng rõ ràng về sức mạnh của thiên nhiên và sức sống kì diệu của nhiều loài động vật giữa thời tiết khắc nghiệt.

Nguồn: https://heritagevietnamairlines.com/cuoc-phieu-luu-den-vung-dat-bang-gia/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm