Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đa dạng hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật trong trường học

Trên hành trình đổi mới giáo dục toàn diện, ngành giáo dục đã nỗ lực thích ứng, đa dạng hóa hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật trong trường học, từng bước khơi dậy khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu cái đẹp cho học sinh, sinh viên.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk13/05/2025

Đã có thời gian các môn học thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, mĩ thuật... thường bị xem nhẹ, thậm chí bị coi là "môn phụ", ít có giá trị thực tiễn so với các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Tuy nhiên, nhận thức này đang dần thay đổi bởi cộng đồng xã hội đã nhận ra vai trò thiết yếu của văn hóa nghệ thuật trong việc phát triển toàn diện nhân cách học sinh sinh viên (HSSV).

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một minh chứng rõ ràng cho sự chuyển dịch này ở bậc phổ thông. Theo đó, các môn học về văn hóa nghệ thuật được đưa vào chương trình chính khóa ở giai đoạn giáo dục cơ bản (bậc tiểu học và THCS) và là môn lựa chọn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT) với những mục tiêu cụ thể. Đó là trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghệ thuật; hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ; khơi dậy và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật. Nhờ sự thay đổi trong nhận thức và cách làm, học sinh đã được giáo dục thái độ tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc; biết chọn lọc, tiếp thu cái hay, cái đẹp của văn hóa nghệ thuật hiện đại…

Một tiết mục văn nghệ của học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột).

Ở bậc đại học, Trường Đại học Tây Nguyên đã thể hiện vai trò, sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên một cách đa dạng trên nhiều phương diện từ môn học đến kiến trúc, thương hiệu nhà trường... Sứ mệnh “ươm mầm” văn hóa nghệ thuật cho thế hệ trẻ được cụ thể hóa qua tên trường, logo và hệ thống hạ tầng cơ sở... Trong sự đa dạng của kiến trúc sinh thái, Trường Đại học Tây Nguyên đã đưa kiến trúc văn hóa nhà sàn (nhà dài) vào trong thiết kế của nhà hiệu bộ, giảng đường, khu thực hành, ký túc xá sinh viên như một hình thức gìn giữ bản sắc của dân tộc…

 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu hoạt động giáo dục phải bảo đảm yêu cầu hình thành và phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.

Theo PGS.TS. Buôn Krông Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Tây Nguyên, để thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên đã chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa các DTTS Tây Nguyên vào trường học.

Kế hoạch hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc được triển khai hằng năm nhằm trang bị cho các thế hệ HSSV của trường những kiến thức cơ bản về vốn văn hóa truyền thống của các DTTS, các nội dung liên quan đến hệ thống di sản vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các DTTS Tây Nguyên.

Điển hình là các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ, tri thức dân gian Tây Nguyên trong phát triển sinh kế, bảo vệ môi trường thiên nhiên, di sản ngữ văn dân gian (sử thi, truyện kể, lời nói vần…).

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Tây Nguyên đã có nhiều hoạt động, định hướng tổ chức cho thanh niên tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như thi trang phục, văn nghệ, trò chơi dân gian... Từ năm 2019 đến nay, nhà trường đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho sinh viên là người DTTS… Qua đó đã đem đến cho sinh viên cách thức cảm thụ văn hóa truyền thống một cách bài bản, có chiều sâu để có thể trở thành “sứ giả” quảng bá và gìn giữ văn hóa truyền thống cho mai sau.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống được tổ chức tại trường.

Thực tế cho thấy, sự chuyển động tích cực của giáo dục văn hóa nghệ thuật trong trường học luôn gắn liền, hòa quyện với các hoạt động giáo dục khác bởi sự hiện hữu thân thuộc của nó trong đời sống xã hội. HSSV có thêm những cơ hội học hỏi, cảm thụ đa chiều về các thể thức của văn hóa truyền thống để hướng tới cái đẹp, yêu cái đẹp và bảo tồn cái đẹp.

Đặc biệt, sự lồng ghép, tích hợp của văn hóa truyền thống trong các môn học đã làm “mềm” kiến thức khoa học xã hội nên HSSV dễ dàng tiếp thu hơn.

Đơn cử như môn Âm nhạc có thể được sử dụng để minh họa kiến thức lịch sử, môn Mĩ thuật có thể hỗ trợ việc học văn học, kịch nghệ có thể giúp học sinh khám phá các vấn đề xã hội… Cách tiếp cận này tạo ra sự kết nối kiến thức, giúp học sinh hiểu sâu sắc và hứng thú hơn với cả môn nghệ thuật và các môn học khác.

Ngoài ra, HSSV cũng được học tập qua hoạt động thực hành, trải nghiệm sáng tạo (tham quan, trải nghiệm ở các buôn làng, học dệt thổ cẩm, làm gốm), tham gia các dự án nghệ thuật, biểu diễn, triển lãm để trực tiếp khám phá, thể hiện bản thân và phát triển năng lực thẩm mĩ…

Thanh Hường

Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202505/da-dang-hoat-dong-giao-duc-van-hoa-nghe-thuat-trong-truong-hoc-8fa184c/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm