Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Đề cương tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh này, đặc biệt là sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng: Cơ hội lịch sử
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, trong lịch sử, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vốn là một, nên việc hợp nhất 2 địa phương là phù hợp và rất cần thiết nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới.
Cảng Tiên Sa (Ảnh: Hoài Sơn).
Hiện nay, Đà Nẵng đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, GRDP của Đà Nẵng chỉ chiếm 1,5% GDP của cả nước; chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển; vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa được phát huy đầy đủ.
Quảng Nam cũng có những hạn chế, với 6 huyện miền núi cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên; hạ tầng còn nhiều tồn tại; chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều.
Sắp tới sau khi sáp nhập, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia.
"Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định.
Từ những bất cập, hạn chế của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hiện nay, việc hợp nhất 2 địa phương này là đúng, trúng về mặt thời gian và không gian; cơ hội lịch sử; phù hợp về tính văn hóa, lịch sử; đảm bảo cho tương lai nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới.
Cảng Chu Lai ở Quảng Nam hiện nay (Ảnh: Công Bính).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, từ những kết quả đã đạt được của 2 địa phương, với những bước đột phá đã triển khai thực hiện và việc hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng là cơ hội, sứ mệnh lịch sử cho việc xây dựng thành phố Đà Nẵng (mới) thành trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, có tầm nhìn dài hạn.
Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất không chỉ là thành phố đáng sống mà trở thành thành phố tiên phong, sáng tạo, dẫn dắt; tiếp tục kế thừa những định hướng phát triển, những cơ chế, chính sách đặc thù hiện có để phát triển, xứng tầm quốc gia và quốc tế.
Thống nhất tên gọi và nơi đặt trung tâm hành chính
Vấn đề tên gọi và địa điểm đặt trung tâm hành chính là 2 nội dung nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng thời gian qua. Từ những đề xuất, kiến nghị của 2 địa phương, Trung ương đã tổng hợp và phân tích thấu đáo; qua đó thống nhất dự kiến tên gọi và nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới.
Sau khi sáp nhập, thành phố Đà Nẵng (mới) sẽ có 2 sân bay quốc tế, gồm sân bay Chu Lai và sân bay Đà Nẵng; 3 cảng biển quốc tế là cảng Chu Lai, Tiên Sa và Liên Chiểu (đang xây dựng); 2 di sản văn hóa thế giới, gồm đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn.
Khu đền tháp Mỹ Sơn (Ảnh: Thanh Dũng).
Bên cạnh đó, hô hát bài chòi đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; nhiều ngành nghề thủ công được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. TP Đà Nẵng sau sáp nhập cũng sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Sông Thanh, khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa…
Ngoài ra, có hệ thống đường sắt, quốc lộ 1, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường ven biển xuyên suốt, kết nối qua 2 địa phương.
Cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của đất nước đã và đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, bên cạnh sự kỳ vọng, đồng thuận, còn có băn khoăn, lo lắng về việc dôi dư cán bộ, công chức, thất nghiệp; khó khăn về môi trường, điều kiện làm việc, đi lại; chế độ, chính sách có liên quan; việc làm thủ tục hồ sơ, thay đổi giấy tờ pháp lý;…
Đường Võ Chí Công, tuyến đường ven biển kết nối Đà Nẵng và Quảng Nam (Ảnh: Thanh Dũng).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, những dư luận, tâm tư, tình cảm, phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đã, đang và sẽ được cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận, nghiên cứu và có giải pháp đồng bộ để giải quyết.
Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng ít nhiều đến người dân, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính là xu thế thời đại và là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn của đất nước, của địa phương trong việc khắc phục bất cập về thể chế, điểm nghẽn, chống sự lãng phí nguồn lực; yếu kém trong quản lý.
"Đây là một cuộc cách mạng, chuẩn bị cho "tầm nhìn 100 năm" phát triển đất nước; là tiền đề, điều kiện, cơ sở để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/da-nang-co-2-di-san-van-hoa-the-gioi-2-san-bay-va-3-cang-bien-sau-sap-nhap-20250418073559160.htm
Bình luận (0)