Trong khi thế giới đang hướng đến những mô hình đánh giá năng lực tổng hợp, phát triển cá nhân toàn diện và thích ứng linh hoạt với thị trường lao động, thì Việt Nam đang triển khai một hệ thống xét tuyển đại học nặng tính học thuật cổ điển, chủ yếu xoay quanh ba môn học.
Điều này không chỉ làm méo mó quá trình học tập, mà còn đặt dấu hỏi lớn về tính công bằng, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục trước những đòi hỏi cấp bách của thế kỷ 21.
Thực tế cho thấy, việc xét tuyển đại học dựa trên ba môn đã gây ra hệ quả nghiêm trọng: học lệch, học tủ, học vì điểm. Những môn học không nằm trong tổ hợp xét tuyển thường bị xem nhẹ, thậm chí bị "bỏ rơi" trong nhận thức và nỗ lực của học sinh.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp
Điều này đi ngược lại với tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 – vốn đề cao giáo dục toàn diện, phát triển năng lực cá nhân và hướng nghiệp linh hoạt.
Mâu thuẫn càng trở nên rõ nét khi Chương trình GDPT 2018 lại thiết kế phân hóa sớm môn học từ lớp 10, buộc học sinh chọn thiên về khối tự nhiên hoặc xã hội ở độ tuổi còn quá sớm để tự nhận diện năng lực và đam mê.
Điều này chẳng khác nào đặt một chiếc khung cứng nhắc lên một quá trình trưởng thành vốn cần linh hoạt, khám phá và thử nghiệm. Việc chọn sai tổ hợp từ lớp 10 có thể khiến nhiều học sinh bị “kết án sớm” bởi những lựa chọn thiếu thông tin và thiếu kinh nghiệm. Phân hóa sớm theo hai khối lại càng không đáp ứng yêu cầu năng lực toàn diện của người lao động trong thế kỷ này.
Trong khi đó, các kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp – vốn được kỳ vọng như một lối thoát khỏi lối mòn xét tuyển – vẫn chưa “phủ sóng” toàn quốc. Nhiều trường đại học lớn đã tiên phong tổ chức kỳ thi riêng, nhưng sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận giữa các vùng miền khiến nỗ lực này vẫn mang tính cục bộ và tạo thêm một tầng bất bình đẳng mới.
Mặt khác, việc tồn tại quá nhiều phương thức xét tuyển hiện nay – từ thi tốt nghiệp, học bạ, chứng chỉ quốc tế, đến thi riêng – tuy đa dạng nhưng thiếu chuẩn hóa và minh bạch, khiến học sinh và phụ huynh không khỏi rối bời.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Ảnh: Thành Đông).
Vấn đề nằm ở chỗ: đã đến lúc cần thay đổi căn bản tư duy tuyển sinh bằng cách tăng số môn xét tuyển kèm theo gán trọng số phù hợp cho môn học gắn với ngành học ở đại học. Tăng số môn xét tuyển không phải để tạo thêm gánh nặng mà để đánh giá toàn diện hơn năng lực người học.
Một tổ hợp xét tuyển nên bao gồm cả các môn tự nhiên và xã hội, phản ánh đúng tính liên ngành, liên lĩnh vực mà mọi ngành nghề trong kỷ nguyên số đều đòi hỏi. Chỉ khi thí sinh được đánh giá đa chiều thì mới có thể chọn đúng ngành, phát huy thế mạnh, tránh tình trạng "sai ngành – lạc lối" phổ biến như hiện nay.
Chẳng hạn, sinh viên ngành y không thể chỉ giỏi sinh – hóa mà còn cần kỹ năng ngôn ngữ, tư duy nhân văn và khả năng giao tiếp. Một kỹ sư công nghệ bên cạnh những môn xét tuyển truyền thống như toán, lý, hóa nhưng cũng cần năng lực giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và hiểu biết xã hội để phát triển các sản phẩm hướng tới con người. Ba môn thi truyền thống không đủ để đánh giá những năng lực ấy.
Một giải pháp kỹ thuật nên xem xét là gán trọng số môn học phù hợp nhất với từng ngành học, giúp tăng tính linh hoạt và hướng đến đánh giá sát hơn năng lực chuyên biệt. Tuy nhiên, nếu áp dụng máy móc, điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái sinh tình trạng học lệch — dù ở hình thức “nhẹ nhàng hơn.
Hệ thống tuyển sinh do đó vẫn cần những giới hạn hợp lý: trọng số chỉ nên đóng vai trò điều linh hoạt không nên lấn át hoàn toàn các yếu tố đánh giá khác.
Ngoài ra, việc tích hợp yếu tố kỹ năng mềm, sản phẩm học tập hoặc hồ sơ cá nhân vào xét tuyển – dù là phụ trợ – cũng cần được nghiên cứu nghiêm túc để khuyến khích học sinh phát triển toàn diện, đồng thời giúp các trường đại học có thêm công cụ đánh giá phi điểm số một cách hiệu quả và minh bạch.
Không thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong một hệ thống giáo dục đầu vào thiếu công bằng và kém linh hoạt. Không thể kỳ vọng thế hệ công dân toàn cầu nếu chúng ta vẫn tuyển sinh như thời kỳ công nghiệp hóa nửa sau thế kỷ trước.
Đã đến lúc dám thay đổi. Đã đến lúc chấm dứt mô hình xét tuyển dựa trên ba môn tách biệt – vốn phản ánh tư duy cũ kỹ, phi liên ngành, lỗi nhịp với yêu cầu phát triển.
Thay vào đó, cần xây dựng một hệ thống tuyển sinh dựa trên đánh giá năng lực tổng hợp, tích hợp đa môn, có khả năng phản ánh đúng thực lực và tiềm năng người học – dù chưa thể phổ cập thi năng lực toàn quốc ngay thì chí ít cũng nên mở rộng các tổ hợp xét tuyển một cách hợp lý và gán trọng số môn học một cách thận trọng.
Trong một thế giới mà ranh giới ngành nghề đang xóa nhòa, chỉ có những hệ thống giáo dục “mở” – cả về nội dung, hình thức lẫn cách đánh giá – mới có thể dẫn lối cho người học vươn mình. Còn nếu vẫn giữ lối tư duy xét tuyển "3 môn – 1 con đường", thì không chỉ thí sinh bị cản trở mà chính quốc gia cũng sẽ tụt hậu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt phía trước.
TS Hoàng Ngọc Vinh
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dai-hoc-kho-co-the-vuon-minh-voi-tu-duy-tuyen-sinh-cua-the-ky-20-20250723073606542.htm
Bình luận (0)