Đại sứ Nguyễn Lê Thanh trình Thư ủy nhiệm lên Nhà vua Đan Mạch Frederik X tại Cung điện Christiansborg ngày 17/6. |
Đại sứ có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình trong thời gian gắn bó với Ngành, với nghề ngoại giao?
Đối với tôi, ngoại giao không chỉ là nghề nghiệp mà là hành trình gắn bó với niềm tin, tình yêu đất nước và với Ngành. Tôi tin rằng, với mỗi cán bộ ngoại giao, đây không chỉ là vinh dự mà còn là thử thách, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và sự bền bỉ.
Khi còn trên ghế nhà trường, nghĩ về phụ nữ làm ngoại giao, tôi luôn hình dung đến một dáng hình dịu dàng nhưng kiên định; ánh mắt tinh anh chứa đựng sự bao dung; tâm hồn rộng mở với thế giới nhưng vẫn neo chặt vào cội nguồn dân tộc.
Những phụ nữ ngoại giao có thể mềm mại trong thể hiện, linh hoạt trong phương pháp và sáng tạo trong giải pháp, nhưng chưa bao giờ buông lơi nguyên tắc và kim chỉ nam bất biến là lợi ích của quốc gia dân tộc. Có những khi một nụ cười chân thành hóa giải khoảng cách; một cử chỉ, một câu nói từ trái tim làm cầu nối cho hai dân tộc. Đó cũng là hành trình mà tôi may mắn được trải nghiệm suốt gần 30 năm gắn bó với Ngành.
Khi nhìn lại và suy ngẫm về các thế hệ nữ làm công tác đối ngoại của ta với những tấm gương như bà Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ duy nhất tại bàn đàm phán Hội nghị Paris, bà Nguyễn Thị Định, bà Tôn Nữ Thị Ninh, tôi cảm nhận được ngọn lửa bền bỉ mà các thế hệ đi trước đã thắp lên.
Đó là ánh sáng soi đường, để những phụ nữ làm nghề ngoại giao hôm nay có thể tự tin vững bước , không chỉ là một nửa duyên dáng của Ngành, mà còn là một nửa mạnh mẽ, đầy khí chất, góp phần làm nên diện mạo ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, bản lĩnh và nhân văn.
Theo Đại sứ, phụ nữ ngoại giao cần làm gì để phát huy hết năng lực, phẩm chất của mình trong kỷ nguyên mới?
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, phụ nữ ngoại giao cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ và khả năng lan tỏa sự chân thành trong khi tiếp tục kiên định các lập trường nguyên tắc. Để có thể chủ động và sáng tạo triển khai đường lối đối ngoại toàn diện, hiện đại của Đảng và Nhà nước, cán bộ ngoại giao, trong đó có nữ cán bộ ngoại giao cần không ngừng cập nhật và bắt kịp xu thế toàn cầu, nắm bắt tri thức, công nghệ mới và văn hóa đối ngoại, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo và sẵn sàng thích ứng với những đổi thay không ngừng trên thế giới, giữ gìn được bản sắc Việt Nam trong tâm thế toàn cầu hóa.
Làm được điều này không hề đơn giản, nhất là khi nữ cán bộ ngoại giao còn phải bảo đảm được sự cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình, hoàn thành thiên chức làm mẹ, làm vợ - điều mà Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh từng gọi là “khó khăn lớn nhất” của phụ nữ làm ngoại giao. Nữ cán bộ ngoại giao phải nỗ lực gấp nhiều lần để chứng tỏ mình không chỉ hoàn thành tốt công việc mà còn đủ sức đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, thực tế đáng mừng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ làm công tác đối ngoại và ngoại giao cũng như tỷ lệ phụ nữ giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ghi nhận của xã hội và nỗ lực của chính mình, phụ nữ ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ những phẩm chất tốt đẹp, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đối ngoại trong kỷ nguyên mới.
Khi Đại sứ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước lên Nhà vua Đan Mạch Frederik X ngày 17/6, Nhà vua đã chia sẻ những kỷ niệm đẹp và ấn tượng sâu sắc về sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của Việt Nam. Với hành trang quý là quan hệ song phương tốt đẹp cùng vị thế quốc tế ngày càng nâng cao của Việt Nam, Đại sứ ấp ủ điều gì trong nhiệm kỳ công tác của mình?
Diện kiến Nhà Vua Frederik X trong lễ trình Quốc thư là thời khắc trang trọng, đáng nhớ, để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp làm ngoại giao của tôi trên cương vị Đại sứ nữ đầu tiên của Việt Nam tại Đan Mạch.
Khi Nhà vua kể lại những kỷ niệm đẹp tại Việt Nam với ánh mắt trìu mến, tôi cảm nhận rõ tình cảm sâu sắc và chân thành của cá nhân Nhà vua và của Hoàng gia Đan Mạch dành cho đất nước chúng ta. Đó không những là những chuyến công du, các cuộc làm việc mà còn là hành trình gắn bó bằng trái tim và bằng niềm tin vào tương lai chung.
Tôi bước vào nhiệm kỳ công tác tại Đan Mạch với niềm tin sâu sắc rằng, đây không chỉ là thời khắc của tiếp nối, mà còn là thời cơ của bứt phá, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Đan Mạch là một trong những quốc gia Bắc Âu đầu tiên lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, quan hệ Việt Nam-Đan Mạch phát triển ngày càng sâu rộng và thực chất. Hai bên đã xây dựng và triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác quan trọng, mang tính chiến lược như Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh năm 2011, Đối tác toàn diện năm 2013 và Đối tác chiến lược xanh năm 2023.
Tôi mong muốn góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam – Đan Mạch; thúc đẩy các tiềm năng và lĩnh vực hợp tác chiến lược mà hai nước có nhu cầu và thế mạnh như tăng trưởng và phát triển xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo, giáo dục và phát triển bền vững...
Tôi cũng muốn lan tỏa hình ảnh một Việt Nam hiện đại, năng động, thân thiện và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đến gần hơn với người dân Đan Mạch. Tôi tin tưởng rằng hai nước tiếp tục là những người bạn đồng hành chân thành, tin cậy và hiệu quả, cùng hợp tác chặt chẽ vì một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.
Nhận nhiệm vụ tại đất nước của những câu chuyện cổ tích, Đại sứ ấn tượng mạnh mẽ nhất với điều gì ở nơi đây?
Tôi đã từng được nghe, đọc những câu chuyện cổ tích vừa cuốn hút, dịu dàng mà thấm đẫm triết lý nhân văn của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, và sau này lại kể cho các con của tôi nghe trước khi ngủ. Vì vậy, được làm việc ở đất nước của những câu chuyện cổ tích ấy thật là một điều rất đặc biệt. Tôi cũng đã biết về một Đan Mạch dẫn đầu thế giới về phát triển xanh, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc chính là tinh thần “hygge” – lối sống ấm áp, gắn kết, và tìm thấy hạnh phúc trong những điều bình dị. Đó là ánh nến vàng trong căn phòng nhỏ, là khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên nhau, và cũng giống như quan niệm của người Việt Nam – hạnh phúc thực sự không nằm ở những điều lớn lao, mà ở chỗ mọi người biết trân trọng nhau.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-le-thanh-song-voi-niem-tin-va-tinh-yeu-dat-nuoc-319810.html
Bình luận (0)