Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ngoại giao Hồ Chí Minh và Ngoại giao Việt Nam hiện nay hòa quyện là một

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhìn lại 'kho báu' về ngoại giao mà Người để lại, vẫn sáng lấp lánh cho hôm nay và cả mai sau.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế19/05/2025

Sự kết tinh của Ngoại giao Hồ Chí Minh được nhân rộng, phát triển, vận dụng sáng tạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ hai tại Trụ sở Bộ Ngoại giao - số 1 Tôn Thất Đàm, năm 1962. (Ảnh tư liệu)

Tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là phạm trù khá rộng, tuy nhiên, theo Đại sứ, đâu là “linh hồn”, là cốt lõi?

Khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao, mỗi người có sự lĩnh hội ở góc độ khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân cách ngoại giao rất lớn, khó có thể diễn tả được hết. Cá nhân tôi nghĩ, nếu nói đến ngoại giao Hồ Chí Minh, phải nhắc tới “ngoại giao tâm công” đầu tiên. “Tâm công” là lấy chính nghĩa, đạo lý, nhân cách để chinh phục lòng người trong giao lưu đối ngoại. Muốn có chính nghĩa, nhân cách thì tất cả các hoạt động đều phải dựa vào lợi ích quốc gia, luật pháp quốc tế và nhân cách của chính mình để truyền tải các thông điệp.

Chúng ta có thể học ở Người trên ba phương diện là tầm nhìn chiến lược về đối ngoại, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Sự kết tinh của Ngoại giao Hồ Chí Minh được nhân rộng, phát triển, vận dụng sáng tạo
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh. (Ảnh: HA)

Trước hết, tầm nhìn về đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn rất chặt với cách đánh giá Việt Nam trong lòng một thế giới luôn biến động. Những năm 1945 - 1946, khi đất nước mới giành được độc lập từ thực dân Pháp, Bác Hồ đã viết thư cho 5 cường quốc thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và rất nhiều thư cho Tổng thống Mỹ. Trong đó, Bác nhấn mạnh mong mỏi lớn nhất với đất nước Việt Nam là một đất nước Việt Nam độc lập và có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới.

Bác cũng rất hoan nghênh những đóng góp tài chính, công nghệ của các nước vào hợp tác, giúp đỡ cho Việt Nam và sẵn sàng mở cửa nền kinh tế, cầu đường, cảng biển của Việt Nam trong hợp tác quốc tế.

Vào thời điểm đó, khi đất nước Việt Nam còn rất non trẻ, mới giành được độc lập, không biết lúc nào thực dân Pháp có thể quay trở lại, nhưng Người đã nghĩ đến việc nếu Việt Nam muốn vươn mình với thế giới thì phải có quan hệ hữu nghị với tất cả các bên, có hợp tác về kinh tế, tài chính, công nghệ và các lĩnh vực khác.

Từ tầm nhìn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta mới thấy rằng, không chỉ nhìn về lợi ích trước mắt trong hợp tác với các nước mà còn nhìn về lợi ích lâu dài của quốc gia dân tộc trong thế giới đầy biến động.

Về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, có lẽ, gói gọn ở một vài điểm: Trước hết là yêu nước; thứ hai là phải thấy được truyền thống của dân tộc và thứ ba là kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, đặc biệt là hòa bình, hòa hiếu.

Bác Hồ luôn luôn nói rằng, ngoại giao Việt Nam phải đi từ gốc, tức là truyền thống của dân tộc, tinh thần yêu nước và vì lợi ích của người dân. Đối xử với quốc tế thì cốt ở hòa hiếu, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bác không chỉ đoàn kết dân tộc trong nước mà còn đoàn kết cả dân tộc Việt Nam với thế giới mà muốn đoàn kết dân tộc mình với thế giới thì phải lấy đại nghĩa làm cái chung. Trên thế giới có rất nhiều giá trị chung, phổ quát, đó là tính nhân văn, tính nhân bản và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Về phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, Bác Hồ là một nhân cách lớn. Trong tiếp xúc ngoại giao, Bác Hồ lại lấy tính giản dị, gần gũi, lấy cái tâm để chinh phục lòng người. Đồng thời cũng vẫn vẫn rất tinh tế, kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, lấy đạo lý và nhân cách làm cái chính.

Đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất và lớn nhất là phải học Bác Hồ về “ngoại giao tâm công” - lấy chính nghĩa, đạo lý, nhân nghĩa của dân tộc mình và lấy giá trị chung của thế giới - để làm công tác đối ngoại.

Sự kết tinh của Ngoại giao Hồ Chí Minh được nhân rộng, phát triển, vận dụng sáng tạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nghị sĩ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam ngày 4/5/1957. (Ảnh tư liệu)

Từ trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đến trường phái ngoại giao Việt Nam, theo Đại sứ có những nét lớn nào?

Tôi nghĩ rằng Ngoại giao Hồ Chí Minh và tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh là trường tồn. Ngoại giao Hồ Chí Minh và Ngoại giao Việt Nam hiện nay vẫn hòa quyện làm một.

Tuy vậy, mỗi thời kỳ, chúng ta có thêm những nhiệm vụ mới. Ngoại giao Hồ Chí Minh là phải lấy quốc gia và dân tộc là trên hết; trong quan hệ với thế giới thì hòa hiếu và hợp tác cùng có lợi; khi xử lý các cái vấn đề phải lấy những giá trị phổ quát, đặc biệt những nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Ngày nay, ngoại giao của chúng ta cũng đang triển khai trên nền tảng đó. Sự kết tinh của Ngoại giao Hồ Chí Minh được nhân rộng lên, được phát triển, vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay.

Cụ thể, thứ nhất, trong quan hệ quốc tế, chúng ta đặt lợi ích quốc gia là trên hết, nhưng vẫn hợp tác cùng có lợi và dựa trên lợi pháp quốc tế. Chúng ta không mang tính vị kỷ mà vừa nhấn mạnh lợi ích của quốc gia, vừa hài hòa trong cái mối quan hệ và tôn trọng những lợi ích của các quốc gia khác, dựa trên chuẩn mực ứng xử chung là luật pháp quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam đóng góp vào phong trào chung của quốc tế, vào những vấn đề chung của thế giới. Ngày nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thứ ba, đối ngoại trong thế giới bất biến hiện nay, chúng ta luôn ứng dụng nguyên tắc, phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy, đó là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. “Dĩ bất biến” - lợi ích quốc gia là độc lập, tự chủ và toàn vẹn hành thổ. Nhưng đồng thời, độc lập tự chủ và lợi ích quốc gia cũng gắn với những giá trị chung của nhân loại, đó là giá trị về hòa bình, phát triển và công lý. Chúng ta có cách làm có thể rất linh hoạt nhưng vẫn phải giữ được độc lập chủ quyền. Ngày nay, chúng ta “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là như vậy.

Cuối cùng, trong hoạt động đối ngoại, chúng ta luôn phải nghĩ mình là đại diện cho lợi ích của dân tộc Việt Nam, cho nên, cũng phải nâng cao vị thế của Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta có thể đưa đất nước vào môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho phát triển? Chúng ta đang có mục tiêu phát triển cao hơn; môi trường xung quanh hòa bình; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tham gia vào quan hệ quốc tế ở phân khúc và chất lượng cao hơn với tâm thế và năng lực mới của đất nước. Đây là những nhiệm vụ khó, chính vì vậy, chúng ta cần kế thừa tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh và tiếp tục vận dụng và phát triển hơn trong bối cảnh mới hiện nay.

Tôi nghĩ rằng, Ngoại giao Hồ Chí Minh và Ngoại giao Việt Nam hiện nay là một quá trình chúng ta kế thừa và phát huy.

Sự kết tinh của Ngoại giao Hồ Chí Minh được nhân rộng, phát triển, vận dụng sáng tạo
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Mình (trái) phúc đáp bức thư của Tổng thống Mỹ Richard Nixon ngày 25/7/1969. (Nguồn: Báo Lao động)

Thưa Đại sứ, trong bối cảnh đối ngoại hiện nay, Việt Nam đã ở một vị thế rất khác. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải giải quyết những vấn đề như là cạnh tranh nước lớn hay là có những tình thế khó nhất định. Theo Đại sứ, lời dạy nào của Hồ Chí Minh là quan trọng hơn cả trong ứng xử quốc tế trong bối cảnh hiện nay?

Bác Hồ có hai lời dạy rất nổi tiếng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”. “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” trong cái triết lý của phương Đông là “ngũ tri” - biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến.

“Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” tức là cần có tầm nhìn chiến lược đối với lợi ích quốc gia dân tộc, biết thế giới này đang vận động như thế nào và quốc gia, dân tộc mình cần gì.

Thời điểm của năm 1945 - 1946, điều quan trọng nhất là giữ được chính quyền non trẻ và hòa bình cho đất nước, do đó, có Hội nghị Fontainebleau, những thỏa hiệp sơ bộ đối với nước Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác cũng nhấn rất mạnh là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tức là chúng ta cần độc lập, và độc lập chỉ cần quân Mỹ xâm lược rút khỏi Việt Nam chứ không phải cần một chiến thắng đối với người Mỹ.

“Nhìn cho rộng, suy cho kỹ” là phải nắm rất chắc không chỉ chính mình, không chỉ thế giới mà còn cả những cách đối nhân xử thế, hàm ý là luật pháp quốc tế.

Thế giới hiện nay đang chuyển biến rất phức tạp, trong đó có cạnh tranh nước lớn và sức ép chọn bên. Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển rất năng động, là khu vực trọng điểm của phát triển thế giới. Cho nên, vừa có thuận lợi là tương tác được với các nước lớn để tranh thủ phát triển, nhưng vừa có sức ép của cạnh tranh nước lớn.

Quan điểm Việt Nam, đi ra từ tư tưởng của Ngoại giao Hồ Chí Minh là: Việt Nam muốn tiếp tục làm bạn với các nước và đa dạng hoặc quan hệ; Việt Nam không muốn chọn bên và nhấn mạnh nguyên tắc “bốn không” về quốc phòng, hàm ý rằng chúng không đứng về phía bên này để chống bên kia; trong một thế giới tùy thuộc, tất cả các nước ở khu vực cũng như các nước lớn đều là môi trường chiến lược của Việt Nam, phải làm sao có quan hệ tốt với tất cả các đối tác, chuỗi cung ứng của Việt Nam có thể là một phần rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Sự kết tinh của Ngoại giao Hồ Chí Minh được nhân rộng, phát triển, vận dụng sáng tạo
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước Việt Nam tháng 4/2025. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Với các khu vực trung tâm kinh tế của thế giới như châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, nếu Việt Nam không giữ được sự cân đối trong các quan hệ này thì chuỗi cung ứng sẽ mất cân đối, bền vững. Quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước rất quan trọng. Cạnh tranh, bao gồm cả cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, gay gắt bao nhiêu, chúng ta càng phải cố gắng duy trì được vị trí độc lập và quan hệ tốt với tất cả các bên bấy nhiêu.

Trong những năm qua, năm 2023 là ví dụ rất lớn, tháng 9/2023 Việt Nam đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ; tháng 12/2023, Việt Nam đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cũng tăng cường, nâng cấp hơn quan hệ giữa hai bên. Thế giới đánh giá rất cao khả năng đó của Việt Nam.

Nhưng để làm được như vậy, tôi nghĩ rằng, Việt Nam phải tự mình phát triển lên và duy trì nhất quán độc lập, tự chủ. Bên cạnh đó, Việt Nam phải làm sâu sắc thêm quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và cùng có lợi. Việt Nam mở rộng quan hệ không chỉ với các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, mà phải mở rộng quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là láng giềng, ASEAN và những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ... Chúng ta cũng nhấn mạnh rất cần tranh thủ thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương.

Sự kết tinh của Ngoại giao Hồ Chí Minh được nhân rộng, phát triển, vận dụng sáng tạo
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, ngày 22/9/2024. (Nguồn: TTXVN)

Thưa Đại sứ, ước mong của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm bạn với tất cả các nước, các đối tác và trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế giờ đây đã trở nên rõ ràng. Việc mở rộng quan hệ với các nước thời gian qua là một minh chứng. Đại sứ cảm nhận như thế nào về điều này?

Bác Hồ đã nói rằng Việt Nam muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước dân chủ, tất cả những nước tôn trọng và muốn hợp tác với Việt Nam.

Ngày nay chúng ta đang mở rộng quan hệ với chủ trương đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Như vậy, khi Việt Nam càng làm tốt quan hệ với tất cả các nước thì càng tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác vì hòa bình và phát triển.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh hai câu chuyện, câu chuyện thứ nhất là chúng ta muốn mở rộng hợp tác nhưng thực sự các bạn cũng cần chúng ta, tức là vị thế của Việt Nam đã lên. Khi mở rộng hợp tác, không chỉ Việt Nam có lợi mà các bạn cũng có lợi. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta mở rộng hợp tác với khu vực Đông Nam Á, châu Á, với các cường quốc lớn và những bạn bè truyền thống thể hiện rằng Việt Nam đã có một vị trí nhất định. Các nước đều chia sẻ điều đó và cũng có lợi ích trong việc mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Câu chuyện thứ hai cần nhấn mạnh rằng trong chiến lược triển khai mở rộng quan hệ với quốc tế, chúng ta nhấn đến trọng tâm, trọng điểm nhưng rất chú trọng đến một số đối tượng như láng giềng khu vực, từ Đông Nam Á cho đến châu Á - Thái Bình Dương; các trung tâm và các cường quốc lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản hay Bắc Mỹ; Việt Nam cũng không bao giờ quên bạn bè truyền thống. Sự phát triển quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong vòng ba năm qua đều thể hiện phương thức đó.

Ngoài ra, Việt Nam mở rộng quan hệ là muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam muốn hợp tác thực sự, muốn tạo ra môi trường hòa bình, ổn định không chỉ cho Việt Nam mà trong quan hệ với khu vực và với thế giới, để các dân tộc đều được hưởng lợi từ những hoạt động hòa bình và hợp tác.

Chúng ta không chỉ nhấn đến những cơ hội hợp tác mà còn cả những thách thức như thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh, khủng bố... Tất cả những thách thức này, nếu không hợp tác với nhau thì khó có một quốc gia nào có thể tự mình ứng phó một cách hiệu quả.

Việt Nam cũng nhấn mạnh đến những thách thức về xung đột khu vực, khủng hoảng, ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế; thách thức về phát triển, trong đó có phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới của mô hình phát triển như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cho nên, trong việc thúc đẩy quan hệ, chúng ta thúc đẩy tất cả các lĩnh vực để có thể hợp tác toàn diện và các bên cùng có lợi.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-pham-quang-vinh-ngoai-giao-ho-chi-minh-va-ngoai-giao-viet-nam-hien-nay-hoa-quyen-la-mot-314689.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm