Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đắk Lắk: Bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh, nguy cơ bùng phát diện rộng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.316 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

VietnamPlusVietnamPlus09/07/2025

Hơn một tháng trở lại đây, tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Đắk Lắk có xu hướng tăng mạnh với số ca mắc liên tục ghi nhận mỗi ngày.

Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời và đồng bộ từ các cấp, ngành và người dân.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.316 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương có số ca mắc cao như Khu vực Cư M’gar với 213 ca (tăng 1,8 lần), Buôn Ma Thuột 161 ca, Tuy An 96 ca… Đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc tăng đột biến, cao điểm có ngày ghi nhận 20-25 ca.

Tại Bệnh viện Đa khoa Buôn Ma Thuột (phường Buôn Ma Thuột), số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng đáng kể. Theo bác sỹ chuyên khoa I Trần Thanh Quý, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện đang điều trị khoảng 26 ca sốt xuất huyết tại các Khoa Nội-Nhiễm, Nhi, trong đó Khoa Hồi sức cấp cứu đang tiếp nhận hai trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nặng.

"Sốt xuất huyết hầu như xuất hiện quanh năm nhưng từ tháng 6 đến nay có chiều hướng gia tăng. Những ca có dấu hiệu cảnh báo, sốc sốt xuất huyết sẽ được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu để theo dõi và xử trí kịp thời" bác sỹ Quý cho biết.

Triệu chứng sốt xuất huyết thường diễn biến theo hai giai đoạn. Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, mệt mỏi, dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi. Từ ngày thứ 4 trở đi, mặc dù tình trạng sốt có thể giảm nhưng bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu nặng như, chảy máu tự nhiên, sốc, men gan tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh.

Khoảng 1/3 số ca nhập viện có nguy cơ chuyển sang thể cảnh báo nặng, tùy thuộc vào loại virus Dengue (virus gây sốt xuất huyết), khả năng theo dõi và chăm sóc của người thân cũng như đội ngũ y tế.

Trường hợp bệnh nhân Y’Hon Hra (13 tuổi, tại xã Ea Nuôl, tỉnh Đắk Lắk) là một minh chứng điển hình. Sau 2 ngày điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Buôn Ma Thuột, đến ngày thứ 4, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt xuất huyết cảnh báo như, sốt cao, đau bụng dữ dội, nôn ói, lơ mơ, men gan tăng trên 1.000, tiểu cầu giảm nhanh.

Sau khi được các bác sỹ hội chẩn, bệnh nhân chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu để theo dõi sát. Sau 4 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh đã cải thiện, sức khỏe ổn định hơn.

Chị H’Djue Hra (mẹ bệnh nhân) cho biết khu vực gần nhà có nhiều người mắc sốt xuất huyết, hiện có ba người cùng điều trị tại bệnh viện.

"Quanh nhà tôi có nhiều chuồng bò của hàng xóm, muỗi nhiều, giờ tôi sẽ cố gắng dọn vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh cho cả gia đình," chị H’Djue Hra thông tin.

ttxvn-0907-phun-thuoc-muoi.jpg
Trạm Y tế phường Thành Nhất, tỉnh Đắk Lắk tiến hành phun hóa chất tại các điểm dịch trọng yếu. (Ảnh: TTXVN phát)

Nguyên nhân khiến sốt xuất huyết gia tăng tại Đắk Lắk được xác định là do thời tiết bước vào mùa mưa - điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển và lây lan virus Dengue. Đây cũng là năm rơi vào chu kỳ đỉnh dịch 3 năm một lần (2019-2022-2025).

Ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk nhận định, dịch có nguy cơ bùng phát rất cao nếu ngành Y tế cơ sở không triển khai đồng loạt các biện pháp.

Bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh của người dân còn chủ quan. Nhiều nơi người dân phó mặc công tác phòng, chống cho ngành Y tế, chưa thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ loăng quăng.

Ngành Y tế tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo, xây dựng kế hoạch ứng phó dịch tại các trung tâm y tế khu vực, trạm y tế xã, phường ngay từ đầu mùa mưa; đồng thời, tổ chức điều tra, giám sát, truyền thông và xử lý dịch kịp thời.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổng thể, chủ động phun hóa chất tại điểm dịch trọng yếu, đảm bảo cung ứng đầy đủ vật tư, hóa chất, thuốc men khi dịch bùng phát.

Sau sáp nhập, các trung tâm y tế khu vực và trạm y tế xã, phường trực thuộc Sở Y tế đang duy trì hoạt động thường xuyên, đảm bảo triển khai đầy đủ hoạt động chuyên môn, đặc biệt, công tác phòng, chống dịch, ông Phúc thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dak-lak-benh-sot-xuat-huyet-gia-tang-manh-nguy-co-bung-phat-dien-rong-post1048727.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm