Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Châu Quý, xã Hà Tân (Hà Trung) trang bị đầy đủ BHLĐ khi làm việc.
Xã Hà Tân (Hà Trung) có 15 mỏ đá với 13 đơn vị đang tham gia hoạt động khai thác. Bà Đoàn Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, thời gian qua, nhất là từ khi trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn lao động, địa phương đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh môi trường và an toàn lao động tại các mỏ đá. Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, đa số người lao động đã sử dụng dụng cụ BHLĐ như ủng, găng tay... Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp đã đầu tư máy móc như máy cắt dây, hạn chế tối đa tình trạng tiếng ồn, bụi đá bay vào khu dân cư, hoặc theo nước chảy ra đồng ruộng...
Công ty TNHH Châu Quý, xã Hà Tân (Hà Trung) là doanh nghiệp chuyên khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình xây dựng dân dụng. Hiện, công ty đang tạo việc làm cho 20 lao động. Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Đơn vị luôn đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhất là những lao động trực tiếp sản xuất đá. Vì vậy, công ty đã đầu tư nhiều tỷ đồng mua sắm phương tiện, máy móc hiện đại phục vụ khai thác, sản xuất đá vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất vừa góp phần giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường và an toàn cho người lao động. Chẳng hạn như đã đầu tư, trang bị máy cắt dây phục vụ cho việc khai thác, thay cho phương pháp nổ mìn truyền thống...
Bên cạnh đó, việc trang bị BHLĐ luôn được quan tâm. Hàng năm, công ty tổ chức cấp phát 2 đợt đồ dùng BHLĐ. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn cho người lao động, giảm thiểu tai nạn rủi ro trong quá trình sản xuất, công ty thường xuyên cử người lao động tham gia các lớp tập huấn về ATVSLĐ do huyện, tỉnh tổ chức. Trong quá trình sản xuất, đa số người lao động đã chấp hành tốt các quy định về ATVSLĐ như trang bị các đồ dùng BHLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn số ít lao động (chủ yếu là nam giới), trang bị BHLĐ chưa đầy đủ nên công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở số lao động này chấp hành tốt các quy định trong quá trình sản xuất.
Theo số liệu thống kê, huyện Hà Trung hiện có 32 mỏ đá với 46 đơn vị tham gia khai thác, chế biến đá, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Hà Tân. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Hà Trung, cho biết: Nghề khai thác và chế biến đá có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người lao động làm nghề. Vì vậy, trong thời gian qua, nhất là khi trên địa bàn huyện xảy ra vụ tai nạn lao động liên quan đến đá tại xã Hà Tân vào cuối năm 2023, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ trong hoạt động khai thác, chế biến đá. Cùng với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huyện đã thành lập đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở chế tác đá mỹ nghệ thực hiện nghiêm túc các quy định Luật ATVSLĐ. Đồng thời, chủ động đấu mối với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng an toàn trong quá trình sản xuất cho doanh nghiệp và người lao động. Nhờ đó, công tác ATVSLĐ đi vào nền nếp, người lao động làm trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá đa số đã chấp hành trang bị dụng cụ BHLĐ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn số ít lao động do nhận thức còn hạn chế nên có tình trạng người lao động không sử dụng đầy đủ dụng cụ BHLĐ như mũ bảo hộ, găng tay hay khẩu trang... Vì vậy, để khắc phục dần tình trạng này, địa phương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ doanh nghiệp và người lao động tuân thủ và chấp hành nghiêm túc quy định trang bị đầy đủ dụng cụ BHLĐ trong quá trình sản xuất.
Bài và ảnh: Minh Lý
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-nbsp-tai-cac-co-so-khai-thac-che-bien-da-247933.htm
Bình luận (0)